Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên là nơi hội tụ của những người phụ nữ có tay nghề khéo léo đã tận dụng những vật liệu gỗ tưởng chừng như bỏ đi để làm ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như: gỗ lũa, đồng hồ gỗ, tượng gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa… Sản phẩm đã có mặt ở thị trường nước ngoài.
Hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên là nơi hội tụ của những người phụ nữ có tay nghề khéo léo đã tận dụng những vật liệu gỗ tưởng chừng như bỏ đi để làm ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống như: gỗ lũa, đồng hồ gỗ, tượng gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa… Sản phẩm đã có mặt ở thị trường nước ngoài.
|
Chủ nhiệm HTX Vĩnh Nguyên và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo từ chất liệu gỗ. Ảnh: A.N |
Chị Đặng Bảo Trang - Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên cho biết: Từ năm 2016, HTX đã ký kết hợp đồng với đối tác trung gian cung cấp sản phẩm cho Đan Mạch, Canada với các loại đồng hồ gỗ, bàn ghế, bình hoa, lục bình, kệ, tủ, gạt tàn, khay, ly, đĩa, gác rượu, vòng đeo tay, vòng đeo cổ, đá thư pháp các loại ra thị trường nước ngoài.
Xuất phát từ việc nắm bắt nhu cầu thị trường trong việc sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để trang trí ngày càng nhiều, từ nguồn lao động có tay nghề và nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, năm 2012, chị Bảo Trang cùng gia đình đã thành lập cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp với mặt hàng chủ yếu là gỗ lũa, đồng hồ gỗ, bình hoa gỗ, tượng gỗ… Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trong nước, giải quyết cơ bản việc làm và thu nhập ổn định cho một số anh chị em trong gia đình và người dân địa phương.
Đến năm 2014, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh và thành phố Bảo Lộc, Liên minh HTX tỉnh, cùng với nhu cầu của gia đình muốn mở rộng quy mô sản xuất để có tư cách pháp nhân trong mua bán, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng rộng rãi hơn nên từ một cơ sở sản xuất nhỏ, gia đình đã tiến lên xây dựng mô hình HTX tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Nguyên (địa chỉ số 609, Quốc lộ 20, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc). HTX có 8 thành viên ban đầu, với ngành nghề: Sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như gỗ lũa, đồng hồ gỗ, tượng gỗ, tranh cưa lọng, tranh chạm bút lửa; dịch vụ khuyến công, hỗ trợ kỹ thuật; dịch vụ thương mại, vận tải.
Các thành viên trong HTX cùng nhau đóng góp 400 triệu đồng để xây dựng HTX, với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, giải quyết việc làm cho nguồn lao động dồi dào tại địa phương, nhất là phụ nữ trong thời gian nhàn rỗi và quan trọng hơn HTX kỳ vọng không chỉ tạo ra việc làm mà sẽ tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cho chị em và người dân tại chỗ. Qua thời gian đi vào hoạt động, từ số thành viên ít ỏi ban đầu, đến nay HTX có 18 thành viên trong đó có 11 nữ, 7 nam; lao động thường xuyên tại HTX có 18 người và lao động làm gia công tại nhà cho HTX có 70 người (có 40 phụ nữ, chiếm 57%).
HTX xác định đúng hướng đi có tính chất bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dùng ngày càng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, với yếu tố mộc là tiêu chí hàng đầu trong thị hiếu thẩm mỹ của người hiện đại hoài cổ nên sản phẩm của HTX được nhiều người ưa chuộng, nhờ đó doanh thu ngày càng cao. Tính đến hết năm 2016, tổng doanh thu của HTX đạt 2,87 tỷ đồng, lãi 450 triệu đồng. Đó là kết quả khả quan đối với một HTX còn non trẻ, giúp tạo việc làm cho 70 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,2 -5,8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, HTX đã tổ chức các lớp dạy nghề dài hạn về khắc tượng, tranh đồng hồ, khắc nghệ thuật cho 50 học viên tại các xã, phường của thành phố Bảo Lộc và các huyện lân cận. Do tính chất đặc thù của ngành nghề thủ công mỹ nghệ nên các học viên do HTX đào tạo phải học trong thời gian dài từ cách phân biệt các loại gỗ, kỹ thuật tạo hình… Sau khi đào tạo, các học viên có thể tham gia làm việc cho HTX hoặc tự sản xuất kinh doanh độc lập.
Hiện nay, HTX đã có đủ một đội ngũ tay nghề cao, đủ khả năng tiếp cận với các mẫu mã sản phẩm mới theo yêu cầu của đối tác, đây là điều kiện và cơ sở để HTX tham gia dạy nghề và mở rộng thêm quy mô sản xuất để giải quyết thêm việc làm cho nhiều lao động và đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Chủ nhiệm HTX Vĩnh Nguyên cho biết thêm: Trong việc tổ chức sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu là các loại gỗ tận dụng (gốc, rễ cây, gỗ thương phẩm) thì cần tập trung giải quyết 3 khâu khó khăn nhất đó là: nguồn nguyên liệu, tay nghề lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Mỗi năm HTX thu mua hơn 80 tấn nguyên liệu và xử lý chống ẩm mốc, mối mọt, lưu kho cung cấp nguyên liệu đầu vào thường xuyên, kể cả trong mùa mưa cho thành viên và người lao động. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài, HTX tiếp tục mở rộng thị trường thu mua nguyên liệu tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Dựa vào nhu cầu thị trường tiêu thụ, HTX đã nghiên cứu các loại sản phẩm mới, đa dạng hóa trong sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp: gạt tàn thuốc, tranh treo tường, đồng hồ treo tường, lục bình, biến thứ không sử dụng được, tưởng chừng như phế phẩm thành các sản phẩm hữu dụng trong đời sống, góp phần tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Với vai trò của người quản lý và nhiều kinh nghiệm trong nghề, chị Bảo Trang đã năng động cùng các thành viên trong HTX chủ động tìm kiếm đối tác ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, tổ chức hướng dẫn thành viên và người lao động về quy cách, phân loại, đóng góp và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2016, HTX đã ký kết hợp đồng với đối tác trung gian để đưa các sản phẩm sang thị trường Đan Mạch và Canada. Những bức tranh, bông hoa… chủ yếu được làm thủ công bằng chính bàn tay tài hoa của những người thợ, chỉ có một phần nhỏ máy móc hỗ trợ, sản phẩm từ những chất liệu gỗ thuộc về tự nhiên nên khiến người dùng cả trong và ngoài nước thích thú. Trong thời gian qua, Vĩnh Nguyên đã đưa hàng ra nước ngoài tiêu thụ qua kênh trung gian là các công ty buôn bán tới Mỹ, Anh, Úc. Dự kiến cuối tháng 12 năm nay, HTX Vĩnh Nguyên sẽ xuất khẩu trực tiếp đơn hàng đầu tiên tới thị trường Canada và Đan Mạch.
Chị Bảo Trang chia sẻ kinh nghiệm: Sự năng động của cán bộ quản lý HTX trong điều hành và tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển HTX. Đồng thời, để HTX phát triển hơn nữa trong tương lai thì phải quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; qua đó, kết nạp thêm thành viên là người có tay nghề cao vào HTX để phát triển thêm về quy mô.
AN NHIÊN