Những năm gần đây, các ngành Cao đẳng sư phạm tại Lâm Ðồng cũng đang chịu chung "số phận" với cả nước khi "rơi" vào tình trạng khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù điểm xét tuyển càng ngày càng thấp. Dù khó tuyển, sinh viên Cao đẳng sư phạm vẫn rơi vào nghịch lý "khủng hoảng thừa" khi ra trường không xin được việc làm đúng chuyên ngành...
Những năm gần đây, các ngành Cao đẳng sư phạm tại Lâm Ðồng cũng đang chịu chung “số phận” với cả nước khi “rơi” vào tình trạng khó khăn trong tuyển sinh, mặc dù điểm xét tuyển càng ngày càng thấp. Dù khó tuyển, sinh viên Cao đẳng sư phạm vẫn rơi vào nghịch lý “khủng hoảng thừa” khi ra trường không xin được việc làm đúng chuyên ngành...
|
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm. Ảnh: Văn Báu |
Bắt buộc bỏ một số ngành
Năm học 2017 - 2018, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Đà Lạt bắt buộc phải dừng tuyển sinh 2 ngành so với chỉ tiêu ban đầu. Tiến sĩ Phan Quốc Lữ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, trường tuyển sinh 7 ngành. Tuy nhiên, hai ngành Sư phạm (SP) Lịch sử (Sử - Địa) và SP Sinh học (Sinh - Hóa) phải dừng tuyển sinh do số lượng thí sinh nộp hồ sơ quá ít không đủ để mở lớp.
Theo đại diện Sở GDĐT, những năm gần đây, tình hình đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ổn định, không thừa, không thiếu, cơ bản đáp ứng việc dạy học và phù hợp so với tỷ lệ học sinh. Do vậy, việc tuyển dụng giáo viên chỉ để bổ sung vào số giáo viên nghỉ hưu, với tỷ lệ 10 người nghỉ thì tuyển 5 người, trong đó, thực hiện tinh giản biên chế 10%. Những năm tới, việc tuyển thêm giáo viên sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ tăng học sinh. |
Trong một buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cho học viên hệ vừa làm vừa học, Thạc sĩ Tạ Quang Vũ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Đà Lạt bộc bạch: Tuy đã cố gắng mở lớp để duy trì cho những năm sau nhưng nhà trường bắt buộc phải trả hồ sơ cho thí sinh đăng ký vào hai ngành SP Lịch sử và SP Sinh học để các em nộp vào trường khác. Trong lần xét tuyển đợt 1, ngành SP Lịch sử có 16 hồ sơ, SP Sinh học có 11 hồ sơ nộp vào. Tuy nhiên, đến khi làm thủ tục nhập học, chỉ có 5 em ở SP Sử và 6 em SP Sinh nhập học. Số lượng sinh viên quá ít nên nhà trường không thể mở lớp. Đây là lần thứ hai nhà trường phải dừng tuyển sinh thêm hai ngành. Và cũng đã 3 năm nay, hai ngành SP Mỹ thuật và SP Thể dục - Công tác Đội không có thí sinh đăng ký.
Vậy là, từ việc tuyển sinh ở 9 ngành, đến nay, Trường CĐSP Đà Lạt chỉ còn tuyển sinh 5 ngành. Khó khăn vẫn chưa dừng lại, trong 5 ngành thì 3 ngành SP vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Xét tuyển đợt 1, dù điểm chuẩn trúng tuyển các ngành SP chỉ từ 10 - 11 điểm, nghĩa là mỗi môn chỉ hơn 3 điểm nhưng ngành tuyển được nhiều nhất chỉ hơn 30 thí sinh. Trong đợt xét tuyển bổ sung, số thí sinh cũng chỉ tăng nhẹ. Tỷ lệ tuyển sinh đạt khoảng hơn 70% so với chỉ tiêu.
Về đâu sư phạm?
Ra trường nhiều năm không xin được việc làm, Đỗ Nguyễn Thùy Linh đành cất tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi để đi làm công việc phục vụ cho một nhà hàng. Linh cho biết, năm em thi vào ngành SP Toán của Trường CĐSP Đà Lạt, điểm chuẩn là 16. Khóa của Linh ra trường chỉ khoảng 20% xin được việc làm đúng ngành đã học. Linh ngậm ngùi: “Vậy mà giờ đây, các ngành CĐSP chỉ lấy có 10, 11 điểm. Tôi có đứa em năm nay đang học lớp 12 nhưng em kiên quyết bảo em không thi vào SP nữa, để rồi ra trường không xin được việc như tôi...”.
Theo lời một giáo viên có thâm niên, “các ngành CĐSP lấy điểm thấp vậy thì làm sao đảm bảo chất lượng giáo viên sau này? Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục mà đầu vào quá thấp thì đáng báo động cho chất lượng giáo viên trong tương lai”. Không ít phụ huynh và học sinh cho rằng, sư phạm giờ chỉ là “chuột chạy cùng sào” chứ không mặn mà thi vào như trước đây.
Ðâu là giải pháp?
Tiến sĩ Phan Quốc Lữ cho biết thêm, điểm chuẩn của Trường CĐSP Đà Lạt năm nay thấp hơn các năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường cũng thấp hơn 20% so với năm ngoái nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trước tình trạng này, Trường CĐSP Đà Lạt phải mở thêm đào tạo phi chính quy bằng cách tăng cường các lớp vừa làm vừa học, chú trọng đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng và các loại hình dịch vụ như: chứng chỉ nghiệp vụ mầm non, chứng chỉ sư phạm, bồi dưỡng công tác Đội, bồi dưỡng hè cho giáo viên... Tuy nhiên, nguồn cho các loại hình này ngày càng hạn hẹp do trình độ đạt chuẩn của giáo viên hiện nay khá cao. Mặt khác, nhiều sinh viên SP ra trường không có việc làm nên không có nhu cầu quay lại trường để nâng cao trình độ.
Cũng theo Tiến sĩ Lữ, để các ngành CĐSP có “sức hút” thì cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với ngành SP. Đồng thời, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Trái ngược với Trường CĐSP Đà Lạt, các ngành SP của Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) lại dễ dàng tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 xét tuyển, dù điểm chuẩn khá cao, từ 16,5 - 23 điểm. Tiến sĩ Lê Hồng Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL cho biết, đợt xét tuyển bổ sung, trường không tuyển thêm chỉ tiêu SP, chỉ tuyển các ngành khoa học cơ bản. Theo Tiến sĩ Phong, việc tuyển sinh các ngành SP của trường luôn được chú trọng. Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường còn thường xuyên tổ chức quảng bá, giới thiệu và có nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành học này.
Thiết nghĩ, trong khi chờ các chính sách thu hút và đợi những cơ hội tìm kiếm việc làm được tạo ra cho sinh viên ngành CĐSP, thì đã đến lúc Trường CĐSP Đà Lạt cần quan tâm hơn đến chất lượng đào tạo. Bởi, trong các dịp tổng kết năm học, một “điệp từ” thường được nhắc đi nhắc lại từ năm này qua năm khác: “hiệu quả đào tạo chưa cao”. Cùng với đó, nhà trường cũng cần chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu để thu hút nhiều sinh viên hơn.
VIỆT HÙNG