Tết Trung thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, là ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi) còn được gọi là Tết trông Trăng. Đêm Trung thu, nhà nhà bày cỗ, tổ chức cho trẻ em ca hát, múa sư tử, múa lân, múa rồng; ngắm trăng phá cỗ, vui chơi trong chan hòa hạnh phúc.
Tết Trung thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, là ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi) còn được gọi là Tết trông Trăng. Đêm Trung thu, nhà nhà bày cỗ, tổ chức cho trẻ em ca hát, múa sư tử, múa lân, múa rồng; ngắm trăng phá cỗ, vui chơi trong chan hòa hạnh phúc.
Từ cổ chí kim, Trung thu là nguồn cảm hứng lớn cho các thi sĩ. Từ thời Đường (Trung Quốc), nhà thơ Đỗ Phủ với bài Trung thu đã tả:
“Cảnh thu nay đúng nửa rồi/ Trăng thu thêm sáng, khung trời thêm cao/ Lầu nam ai rót rượu đào/ Tiếng tơ, tiếng trúc thanh tao nhịp nhàng”. Ở Việt Nam, thi sĩ Tản Đà cảm tác:
“Có bầu có bạn can chi tủi/ Cùng gió cùng mây thế mới vui/ Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám/ Tựa nhau trông xuống thế gian cười”… Với tâm hồn nhân văn như bao thi nhân khác, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam đã làm nhiều thơ chúc Tết Trung thu cho thiếu nhi bởi theo Người: trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước. Tình thương yêu dành cho trẻ em luôn dào dạt trong trái tim Người. Bài thơ “Trẻ con” của Bác viết năm 1941 ví “Trẻ em như búp trên cành” mà ta phải nâng niu, chăm sóc, dạy dỗ thành người có ích cho gia đình, xã hội. Bác từng nhận định: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Và Bác xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc:
“Bác mong các cháu chăm ngoan/ Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”. Với kỳ vọng đó, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo ra nguồn nhân lực cho quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng luôn có những chính sách đúng đắn, ưu tiên đầu tư hàng đầu cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng: “Phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”. Với mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị giáo dục - đào tạo, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X xác định: “… phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội; từng bước nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện (giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học); đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật trong học sinh phổ thông, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời của mỗi người dân; quan tâm phát triển cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”.
Nhân Tết Trung thu bàn về việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ là việc làm thiết thực đáp ứng kỳ vọng của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
LAN HỒ