Vụ sập phòng học tại Trường THCS và THPT Ðống Ða (TP Ðà Lạt) khiến 10 học sinh bị thương xảy ra chiều ngày 26/8/2017 như một hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc đối với ngành Giáo dục Lâm Ðồng.
Vụ sập phòng học tại Trường THCS và THPT Ðống Ða (TP Ðà Lạt) khiến 10 học sinh bị thương xảy ra chiều ngày 26/8/2017 như một hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc đối với ngành Giáo dục Lâm Ðồng. Bởi sau sự việc đáng tiếc trên, nhiều phụ huynh học sinh mới giật mình khi biết rằng, còn rất nhiều trường trên địa bàn TP Ðà Lạt mà thầy trò đang “sống chung” trong những phòng học có “thâm niên” vài chục năm tuổi, luôn tiềm ẩn hiểm nguy trước tính mạng giáo viên, học sinh nếu như tiếp tục sử dụng mà không được nâng cấp, sửa chữa.
|
Nhiều phòng học của Trường DTNT đã nứt trần lở sắt hoen gỉ |
Tiếng chuông cảnh báo
Vụ việc tại trường Đống Đa thực sự đã biến nỗi lo vô hình thành hiện hữu, bởi trước khi trần phòng học rơi tự do với khoảng cách gần 4 m mang theo 10 học sinh “đáp xuống”, cả thầy và trò đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường. “Trước đó, Ban giám hiệu (BGH) đã tạm dừng mọi hoạt động tại 4 phòng học thuộc dãy B của trường, đồng thời đưa học sinh sang dãy A học. Tại dãy này, việc xuống cấp của phòng ốc nhà trường không thể phát hiện được vì hiện trạng vẫn bình thường”, thầy Đoàn Khải - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đống Đa trần tình.
Cũng theo BGH trường Đống Đa: Toàn bộ khối phòng học trên đã được xây dựng gần 60 năm trước nên việc xuống cấp là không tránh khỏi, mấy năm vừa qua nhà trường đều kiến nghị cơ quan chức năng sửa chữa, nhưng khi nguồn vốn chưa có thì tai nạn bất ngờ xảy ra.
“Trong cái rủi, có cái may”. Đầu tiên, may mắn là tất cả các em học sinh trong vụ tai nạn ở trường Đống Đa đều chỉ bị thương nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, dù chắc chắn một điều, không ai không bàng hoàng khi trực tiếp chứng kiến. Và hơn thế nữa, sự việc diễn ra ngay trước khi năm học mới chính thức bắt đầu đã giúp cho các ngôi trường khác cần có biện pháp kịp thời, gấp rút di chuyển không sử dụng các phòng học xuống cấp đang ở mức đáng báo động, dù rất nhiều trường đã cho sơn sửa, quét vôi ve lại các lớp học này để đón chào năm học mới.
Đóng cửa, di dời bàn ghế, niêm phong là những động thái kịp thời và khả dĩ nhất mà các thầy cô của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THCS - THPT Chi Lăng có thể làm trước khi lễ khai giảng năm học 2017 - 2018 được tổ chức.
Thầy Đào Quang Hưng - Hiệu trưởng trường Chi Lăng thừa nhận: “Khối dãy nhà A gồm 10 phòng học được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, dù biết đã xuống cấp nhưng nhà trường vẫn phải sử dụng ở mức độ hạn chế bởi do nhu cầu của nhà trường quá lớn. Dù đã sửa chữa nhiều lần nhưng kết cấu gần như đã bị hư hại”.
Được biết, Chi Lăng là trường có quy mô lớn thứ hai toàn tỉnh, với 46 lớp (22 lớp THPT và 24 lớp THCS) và 1.700 học sinh. Sau khi phải đóng cửa 10 phòng học thì hiện nay trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc bố trí phòng học cho học sinh. Để giải quyết nhu cầu học chính của học sinh, nhà trường đã phải linh hoạt sử dụng tất cả các phòng chức năng của trường. Cũng theo thầy Hưng, hàng năm nhà trường đều có tờ trình gửi các cấp có thẩm quyền khảo sát, kiểm tra và kiểm định, đồng thời kiến nghị được sửa chữa, xây mới, nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí.
Cũng ở tình trạng tương tự như trường Chi Lăng là nỗi khổ của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trường nhà trường cho biết: “Dù đã có nhiều tờ trình kiến nghị các cơ quan cấp trên về sự xuống cấp của dãy phòng học B được xây dựng từ trước năm 1976, nhưng do chưa có kinh phí để sửa chữa và xây mới nên đầu năm học này nhà trường đã cho niêm phong toàn bộ 5 phòng học phía trên để đảm bảo an toàn cho học sinh”. Theo cô Hồng, tầng sân thượng của dãy phòng học này thường xuyên bị thấm nước làm ẩm mốc các tầng phòng học phía dưới; nhiều ngày trong mùa mưa, vôi vữa rơi lụp bụp từng mảng trần và lan can tầng 2 có hiện tượng rung, lắc khi có lực tác động, một số trụ cột vỡ lộ các thanh sắt đã bị gỉ sét, bào mòn bên trong; nhà vệ sinh chung thì thấm tràn sang tường và cầu thang ở dãy phòng học; chân móng thì đã bị nứt lở và ăn sâu vào phía trong; nhà trường cũng đã nghiêm cấm học sinh lên chơi ở khu vực này, có việc dọn dẹp thì cũng phải đi lại nhẹ nhàng không được vận động mạnh. Tuy nhiên, dù đã bố trí, tận dụng các phòng chức năng khác để đảm bảo việc học cho học sinh các lớp nhưng vẫn bị thiếu, nên nhà trường vẫn phải tạm thời sử dụng dãy tầng trệt của khu nhà xuống cấp này cho 4 lớp.
Ðặt an toàn lên trên hết
Để giải quyết tình trạng trên, BGH các trường và cả lãnh đạo của Sở GD&ĐT Lâm Đồng cũng gần như chỉ có một phương pháp đó là: Niêm phong, đóng cửa tất cả các phòng học; tận dụng tất cả các phòng chức năng để làm phòng học chính cho học sinh. Bởi chắc chắn một điều, kinh phí để xây dựng mới không thể có trong ngày một, ngày hai.
Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Quang Long - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng cho biết: “Trước mắt phải đảm bảo ổn định đủ phòng học cho học sinh, ngành cũng đang nỗ lực để tìm biện pháp tốt nhất để xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất có thể”. Còn với vấn đề xảy ra tại trường Đống Đa, ông Long cũng thừa nhận: Đây là chuyện xảy ra “ngoài ý muốn”.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, dù lãnh đạo của các trường trong nhiều năm qua đều đã có tờ trình lên cấp trên vì sự xuống cấp của các phòng học; lãnh đạo Sở cũng đã nhiều lần gửi công văn, văn bản đề nghị các trường phải đóng cửa các phòng học và hàng năm các đơn vị thẩm định của Sở Xây dựng cũng đã tiến hành kiểm tra và chỉ rõ sự xuống cấp, cụ thể như trong Báo cáo số 176/BC-SXD ngày 19/12/2016. Tuy nhiên, các trường vẫn phải tiếp tục sử dụng các phòng học bởi nhu cầu là quá cấp thiết, rất may đầu năm học này, các trường như Chi Lăng, Phổ thông Dân tộc Nội trú đã “quyết liệt” đóng cửa các phòng học đã gần như hư hại này.
Sau khi sự việc trường Đống Đa xảy ra, các ngành chức năng vào cuộc, rà soát lại các ngôi trường đã có tuổi đời từ 40 năm trở lên mới “tá hỏa” khi đã có rất nhiều phòng học nơi đây đã thuộc diện báo động đỏ.
Vẫn biết, sự phát triển của một địa phương như Lâm Đồng, còn rất nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm, nhưng đầu tư cho giáo dục, đào tạo thế hệ con người cho tương lai là điều cũng cần phải được chú trọng ưu tiên hàng đầu, nhất là cần phải có môi trường học tập, sinh hoạt trong một không gian an toàn.
Kinh phí thì hạn hẹp, tiền thu phí xây dựng thì đã dừng từ nhiều năm về trước, có lẽ đã đến lúc ngành Giáo dục Lâm Đồng cần phải tiến hành xây dựng một đề án về xã hội hóa giáo dục một cách nghiêm túc và khẩn trương nhất.
LINH ÐAN - CHÍNH THÀNH