Ðây là chủ đề hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 của Việt Nam trong đó có tỉnh Lâm Ðồng triển khai ra quân vào trung tuần tháng 9. Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn cộng đồng, nhằm hướng tới một môi trường bền vững, trong đó có khu vực nông thôn.
Ðây là chủ đề hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 của Việt Nam trong đó có tỉnh Lâm Ðồng triển khai ra quân vào trung tuần tháng 9. Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và có những hành động thiết thực là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và toàn cộng đồng, nhằm hướng tới một môi trường bền vững, trong đó có khu vực nông thôn.
|
Nông thôn Đạ Tẻh ngày càng sạch đẹp nhờ tập kết rác thải vào các bể (ảnh nhỏ) sau đó hợp đồng xe mang đi xử lý (ảnh lớn). Ảnh: M.Ðạo |
Hưởng ứng tại Lâm Ðồng
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (gọi tắt là Chiến dịch) do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Chiến dịch là dịp quy tụ các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4313/BTNMT-TCMT ngày 24/8/2017 và của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 5877/UBND-MT ngày 6/9/2017 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng với Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”, ngày 16/9, tại huyện Đạ Huoai, đại diện các sở, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và huyện Đạ Huoai đã mít tinh ra quân triển khai trên địa bàn này.
Lễ mít tinh ra quân nhằm kêu gọi, khuyến khích cộng đồng gắn bó hữu cơ với thiên nhiên, từ đó cảm nhận vẻ đẹp cũng như tầm quan trọng đối với cuộc sống; đồng thời chia sẻ, tiếp nối lời kêu gọi bảo vệ trái đất, bảo vệ mối quan hệ hài hòa và bền vững giữa con người và thiên nhiên nằm trong chủ đề Ngày Môi trường Thế giới là “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Cùng đó, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, hướng dẫn về chủ đề hãy hành động vì một môi trường không rác; nâng cao nhận thức của cá nhân, của cộng đồng về trách nhiệm đối với môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải; phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu.
Ðể cụ thể hóa hưởng ứng Chiến dịch thiết thực hơn, tại buổi mít tinh, chương trình đã hỗ trợ 10 chiếc xe đẩy rác 3 bánh cho một số xã tại huyện Ðạ Huoai.
Kích thước thùng xe 1,2 m x 0,8 m x 0,6 m. Mặt khác, chương trình cũng hỗ trợ 10 chiếc thùng ủ phân compost cho Học viện Lục quân Đà Lạt và Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh. Đây là loại thùng dùng phân hủy rác hữu cơ theo cơ chế hiếu khí, tốc độ phân hủy trung bình 90 ngày ở điều kiện thông thường. Thùng hiện có tổng dung tích 200 lít, nạp rác 2 - 3 kg/ngày, thích hợp cho các cơ quan có bếp ăn tập thể và vườn rau, hoa trong khuôn viên cơ quan, hộ dân ở nơi nông thôn không có hệ thống thu gom rác, bình quân mỗi thùng sử dụng cho 3 hộ dân với rác hữu cơ nhà bếp…
Quán triệt sâu rộng tinh thần của Trung ương
Tại Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh mục tiêu về bảo vệ môi trường là: “Không để phát sinh và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 70% lượng nước thải ra môi trường lưu vực các sông được xử lý; tiêu hủy, xử lý trên 85% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tái sử dụng hoặc tái chế trên 65% rác thải sinh hoạt.
Phấn đấu 95% dân cư thành thị và 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh. Nâng cao chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu vực đông dân cư. Cải thiện rõ rệt môi trường làng nghề và khu vực nông thôn.
Quản lý khai thác hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%”.
Theo đó, có 5 giải pháp chủ yếu là: 1) Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. 2) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 3) Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. 4) Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 5) Coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có Chỉ thị “Hỏa tốc” về một số giải pháp cấp bách bảo vệ môi trường (số 25/CT-TTg). Chỉ thị nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ môi trường hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường”. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị: “Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân”...
MINH ÐẠO