Sáp nhập điểm trường - Hướng đi tất yếu

08:09, 27/09/2017

Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, củng cố và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, từng bước tinh giản biên chế để giảm bớt chi ngân sách, sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học là vấn đề tất yếu. Bởi vậy, nhiều năm qua, huyện Lâm Hà đã từng bước tiến hành việc sáp nhập các điểm trường cũng như một số trường trong địa bàn huyện.

Vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, củng cố và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, từng bước tinh giản biên chế để giảm bớt chi ngân sách, sử dụng hiệu quả hơn cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học là vấn đề tất yếu. Bởi vậy, nhiều năm qua, huyện Lâm Hà đã từng bước tiến hành việc sáp nhập các điểm trường cũng như một số trường trong địa bàn huyện.
 
Ðiều chỉnh quy mô, mạng lưới trường học
 
Lâm Hà được thành lập năm 1987. Dân cư của huyện ngoài cư dân bản địa còn có một bộ phận di chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào theo diện kinh tế mới. Bởi vậy sự gia tăng dân số của Lâm Hà diễn ra theo cả hai xu hướng: tự nhiên và cơ học. Ông Nguyễn Văn Sinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Lâm Hà cho biết: “Khi mới thành lập, toàn huyện có 31 trường học (9 trường mẫu giáo, 11 trường tiểu học, 9 trường THCS và 2 trường THPT) với hơn 9 ngàn học sinh. Từ khi thành lập huyện đến năm 2004 - 2005 là thời kỳ Lâm Hà có sự phát triển nhanh nhất về số lượng trường lớp, học sinh. Huyện phải xây dựng thêm nhiều điểm trường để đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện dân số của huyện tăng nhanh và phân bố không đều, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa”. Đến cuối năm 2004, mạng lưới trường lớp đã phủ kín đến tận các thôn, buôn của huyện. “Lúc này, toàn huyện có 80 trường từ mầm non tới THCS với: 17 trường mầm non, 45 trường tiểu học và 18 trường THCS. Trong đó, các trường bậc tiểu học và mầm non có nhiều điểm trường nhất. Cá biệt những trường có tới 8, 9 điểm trường như Mẫu giáo Đạ Đờn, Tân Thanh...” - Trưởng phòng Giáo dục huyện Lâm Hà cho biết thêm. 
 
Giai đoạn 2005 - 2013 (sau khi tách 4 xã phía Bắc về huyện Đam Rông) là thời gian ngành Giáo dục Lâm Hà vừa phát triển vừa điều chỉnh quy mô mạng lưới trường lớp. Một số điểm trường bắt đầu được gom lại. Đến năm học 2012 - 2013, huyện còn 75 trường từ mầm non tới THCS. Tuy vậy số điểm trường vẫn còn nhiều. Cụ thể có 20 trường mầm non với 50 điểm trường, 35 trường tiểu học với 80 điểm trường, 20 trường THCS với 26 điểm trường.
 
Bởi vậy, khi thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong nhiều biện pháp được tiến hành, việc tiếp tục phát triển cũng như điều chỉnh quy mô về mạng lưới trường học vẫn được đẩy mạnh. Đến hết năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 79 trường. Lý giải về việc số trường học tăng lên so với năm 2013, ông Nguyễn Văn Sinh cho hay: “Dựa vào đặc điểm dân cư và địa hình nên một số trường mầm non mới được thành lập như Sao Mai (Đạ Đờn), Sơn Ca (Liên Hà), Tân Mai (Tân Thanh)... Ngoài ra, các điểm trường cũng được gom lại thành các trường mới như điểm Trường Mầm non Thanh Trì, Tiền Lâm... được gom thành Trường Mẫu giáo Đông Thanh. Một số trường được sáp nhập như Trường Tiểu học Tân Văn 2 và Tân Văn 3, đưa điểm trường Văn Minh thuộc Trường Tiểu học Tân Văn 2 sáp nhập vào Tiểu học Tân Văn 1. Giải thể Trường Tiểu học Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 để thành lập Trường Tiểu học Phú Sơn, giải thể phân trường THCS R’Teng và sáp nhập vào Trường Tiểu học R’Teng thành Trường Tiểu học và THCS R’Teng... Bởi vậy, số trường tăng lên nhưng số điểm trường giảm xuống, đặc biệt ở cấp tiểu học còn 34 điểm trường, cấp THCS còn 4 điểm trường”.
 
Sáp nhập điểm trường là xu thế tất yếu 
 
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Tài - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà. Bởi “Từ nguồn vốn của các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và sự hỗ trợ vốn từ Hà Nội nên các trường chính trên địa bàn được đầu tư khang trang hơn. Bên cạnh đó, đường sá đi lại thuận tiện, đời sống được nâng cao hơn nên tâm lý người dân đều muốn cho con cái ra trường chính học”.
 
Ông Nguyễn Đức Toàn - người dân thôn Hà Lâm, xã Liên Hà nói: “Trước đây, đường sá đi lại khó khăn nên có điểm trường ở thôn. Nay điểm trường gom ra trường chính ở Trường Tiểu học Lán Tranh. Mỗi ngày ít nhất 2 lần tôi chở con tới trường và từ trường về nhà. Mỗi lần đưa đón mất 30 phút nhưng đường sá được nâng cấp, phương tiện đi lại đã có nên tôi vẫn muốn cho con học ở trường chính hơn học ở điểm trường”.
 
Ngoài ra, việc có quá nhiều điểm trường trong thời điểm hiện tại gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, lãng phí ngân sách nhà nước mà chất lượng giáo dục không được cải thiện. Bởi vậy “việc sáp nhập trường và gom điểm trường cũng góp phần thực hiện chương trình hành động và kế hoạch của huyện trong thực hiện Nghị quyết 39 -NQ/TW (2015) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” của Ban Bí thư” - Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định. 
 
Thời gian tới, việc gom trường và điểm trường trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn tiếp tục thực hiện với mục tiêu “giảm tối đa các điểm trường”. Dự kiến đến năm 2020 Lâm Hà sẽ tiếp tục gom các điểm trường. Đồng thời sáp nhập một số trường gồm: Trường THCS Lý Tự Trọng và THCS Hòa Lạc, trường Tiểu học Đinh Văn 2 và Đinh Văn 4 (thị trấn Đinh Văn), Trường Tiểu học Tân Thanh 1 với Tiểu học Tân Thanh 3... Giải pháp huyện Lâm Hà đặt ra để thực hiện việc này là “Tiếp tục đầu tư các điểm trường chính bảo đảm tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia”, ông Nguyễn Đức Tài nói.
 
Việc sắp xếp mạng lưới trường học trên địa bàn huyện là việc làm cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện thành công lộ trình quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2020, cần tiến hành sắp xếp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của các xã, nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề nhân sự để không ảnh hưởng đến tâm lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để đảm bảo chất lượng giáo dục ở địa phương.
 
NGỌC NGÀ