(LĐ online) - Trong khi tình hình sốt xuất huyết tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước và trong khu vực thì Lâm Đồng sốt xuất huyết giảm mạnh số ca mắc. Từ đầu năm đến ngày 31/8/2017, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận 323 ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc giảm 879 ca.
(LĐ online) - Trong khi tình hình sốt xuất huyết tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước và trong khu vực thì Lâm Đồng sốt xuất huyết giảm mạnh số ca mắc. Từ đầu năm đến ngày 31/8/2017, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh ghi nhận 323 ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, không có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; so với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc giảm 879 ca.
Theo Viện Pasteur Tp.HCM, trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố phía Nam, tính đến hết tháng 7/2017 đã có 34.564 ca mắc sốt xuất huyết và 19 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Địa bàn có số mắc nhiều nhất là Tp. HCM 9.337 ca, Bình Dương 3.694 ca, Đồng Nai 2.590 ca, An Giang 2.526 ca, Đồng Tháp 1.855 ca…
Mặc dù, số ca mắc sốt xuất huyết tại Lâm Đồng giảm so với cùng kỳ năm 2016, song do điều kiện thời tiết diễn biết bất thường, mưa nhiều nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết cũng gia tăng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các giải pháp sau: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong phòng bệnh sốt xuất huyết; tiếp tục tăng cường giám sát chủ động, phát hiện sớm ca bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhằm khống chế, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc sốt xuất huyết; có kế hoạch đảm bảo thuốc, vật tư y tế, hóa chất và hỗ trợ cho các địa phương xử lý ổ dịch khi có yêu cầu; các cơ sở khám, chữa bệnh có kế hoạch đảm bảo nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, thuốc điều trị kịp thời cho người mắc bệnh.
Người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức và chủ động thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, nơi làm việc; chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy; phòng tránh muỗi đốt; khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời để đảm bảo tốt công tác phòng và chữa bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
AN NHIÊN