"... Họ nói Ðảng xấu nhưng bà con bảo: Ðảng xấu, sao đồng bào có nhà đẹp, có xe, có ti vi, có điện thoại. Họ bảo Ðảng vi phạm tự do tôn giáo nhưng đồng bào mình vẫn đi nhà thờ, có ai cấm đâu.
“... Họ nói Ðảng xấu nhưng bà con bảo: Ðảng xấu, sao đồng bào có nhà đẹp, có xe, có ti vi, có điện thoại. Họ bảo Ðảng vi phạm tự do tôn giáo nhưng đồng bào mình vẫn đi nhà thờ, có ai cấm đâu. Họ nói Ðảng lo cho con em người Kinh, không chăm lo cho con em đồng bào dân tộc, nhưng con em của đồng bào mình ở đây, nhiều khoản tiền đâu phải đóng như người Kinh. Ðảng xây trường nội trú, con em đồng bào mình được học cái chữ còn được lo cơm nước, sách vở... vì vậy nói Ðảng không lo cho con em đồng bào dân tộc là nói láo, cái bụng đồng bào mình không tin đâu...” .
|
Cây cà phê giúp Tân Châu làm giàu. Ảnh: V.Tòa |
Trong tiết trời Cao nguyên se lạnh, tôi về lại xã Tân Châu, huyện Di Linh, nơi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên! Tân Châu vẫn giàu có như thuở nào. Khác chăng, bây giờ đường sá rộng hơn, nhiều biệt thự xây mới trong ngút ngàn cà phê, cây trái. Gặp lại K’Nhơr, người đã có hơn 35 năm “ăn nằm” cơ sở, từ phó chủ tịch, chủ tịch rồi bí thư xã Tân Châu; Bí thư xã Đinh Trang Thượng, xã Tân Thượng cho đến khi nghỉ hưu.
Bên chén trà đậm đặc nghĩa tình xưa, K’Nhơr vui vẻ nói về chuyện của ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Một chút trầm tư, K’Nhơr chậm rãi:
- Mình nói thật, cuộc sống của đồng bào ở xã Tân Châu bây giờ phát triển hàng trăm lần so với hồi mới giải phóng.
Hồi còn làm phó chủ tịch xã, K’Nhơr trẻ lắm, đó là những ngày mà K’Nhơr và cán bộ trong xã, sáng lên tận rẫy, tối về tận nhà để thuyết phục bà con định canh, định cư, không đốt rừng, làm rẫy. Vận động bà con lập hộ, lập vườn, trồng cây bắp, cây sắn. Cán bộ đồng bào dân tộc vận động gia đình mình làm trước, để dân làng tiếp bước làm theo. Ngặt nỗi, thời ấy đói khổ quá, nên dù cán bộ đi nhiều, nói mãi cũng chẳng có mấy người chịu nghe.
Rồi cũng đến lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, ngày đồng bào nghe theo lời K’Nhơr định canh, định cư năm 1989, thì cũng là lúc Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, dồn lực phát triển cây cà phê. Với bà con dân tộc, chuyện trồng cây cà phê là điều rất mới mẻ, nhưng trồng thì cứ trồng còn tin có cái ăn thì không ai tin. Bởi vậy, ngoài việc trồng cà phê, bà con trồng xen cây bắp, cây khoai. Đất Tân Châu màu mỡ, đặt cà phê ở đâu cũng xanh tươi mơn mởn. Vài năm đầu cây đã cho trái bói, vào năm thu hoạch chính, trái đỏ rực cành. Có thiên thời, địa lợi, được Đảng, Nhà nước quan tâm, giá cả lại cao không ngờ; một ký cà phê đổi được mấy chục ký gạo, đồng bào không những ăn no mà còn mặc đẹp và có của để dành. Ngày đó, mỗi khi cà phê vào vụ, buôn trên, làng dưới dập dìu “trẩy hội”; nghe trái cà phê chạm vạt ni lông cứ ngỡ tiếng mưa rào. K’Nhơr nhớ lại:
- Lâu lắm, từ cái thời ông bà, đồng bào dân tộc của mình, không ai dám nghĩ tới chiếc xe đạp, vậy mà chỉ sau vài vụ cà phê, thì cả làng rộn ràng tập luôn xe máy. Vui nhất là chuyện đồng bào mình xây nhà ở. Sau khi trúng mấy vụ cà phê thấy người Kinh xây nhà, đồng bào mình cũng xây theo. Đồng bào nói, hễ người Kinh làm gì thì mình làm nấy; người Kinh xây được nhà thì mình cũng xây. Thấy người Kinh làm kệ bếp cao và dài, đồng bào cũng làm bếp dài và cao. Nhưng đồng bào mình nấu bếp củi quen rồi nên bà con ở nhà xây, nấu bếp nhà sàn...
K’Nhơr không quên; đồng bào dân tộc xã Tân Châu cũng không quên: 11 năm trước, vào những năm 2005, 2006, dù hết thời hưng thịnh cà phê giá 40, 50 ngàn/kg, nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc Tân Châu vẫn đủ đầy, sung túc. 40% hộ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; 50% số hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tuy không bằng như trước, nhưng đó cũng là mức thu nhập cao hơn nhiều so với các vùng khác trong tỉnh. Hơn 400 chiếc xe máy mới toanh được bà con rước về thời điểm đó làm cho nhà nào cũng có từ 2 chiếc xe máy trở lên, góp phần biến Tân Châu trở thành xã “triệu phú xe máy”; nhiều gia đình sắm được ô tô cùng các phương tiện sản xuất hiện đại khác. Những ngôi biệt thự sang trọng cũng lần lượt mọc lên, sáng rực màu no ấm cả một góc trời Tân Châu thời đổi mới, điển hình như gia đình K’Biểu, K’Phèng, K’Phòi, Già làng K’Jíu và cả biệt thự K’Nhơr nữa... Đợi K’Nhơr dứt dòng hồi ức, tôi hỏi:
- Đó là chuyện của ngày hôm qua, còn bây giờ thì sao K’Nhơr?
Không chút suy nghĩ, K’Nhơr cười rồi nói:
- Những năm sau này cà phê không bằng trước, nhưng bà con mình vẫn sống tốt với cây cà phê. Cuộc sống ổn định rồi, khá rồi, lo gì! Hiện nay, theo chủ trương của huyện, của tỉnh, bà con đang cải tạo vườn cà phê, ghép giống mới năng suất cao hơn, hiệu quả kinh tế nhiều hơn…
- K’Nhơr này, là một người đã có hơn 35 năm “ăn nằm” ở cơ sở, gần gũi với đồng bào của mình, K’Nhơr hãy nói thật: Có bao giờ suy nghĩ của đồng bào mình bị ngả nghiêng theo lời kẻ xấu hay không?
- Ồ, không đâu. Này nhé, đường nhựa tới trước sân nhà; điện thắp sáng cả xã, đồng bào có đất rộng, hộ ít nhất cũng có cả ha; có nhà to, có xe máy, xe hơi, có tiền đi đây, đi đó, con cái học hành, có công ăn việc làm, trong nhà không thiếu thứ gì... đó là thành quả bao nhiêu năm đồng bào mình tạo dựng. Nghe theo lời kẻ xấu tức là mình tự bỏ đi cái thành quả của mình, từ bỏ cuộc sống sung sướng của mình. Đồng bào mình không dại đâu...
Như sợ tôi chưa tin, K’Nhơr phân tích:
- Cái lý của đồng bào mình là: “Nói không tin, thấy mới tin”. Bây giờ đồng bào dân tộc xã Tân Châu cũng như nhiều xã khác mà mình biết, đa số đã có ti vi siêu mỏng, hầu hết gia đình đều có máy vi tính, thậm chí còn sắm cả laptop và nhà nào cũng có điện thoại thông minh, nên bà con nắm bắt thông tin nhanh lắm, nhất là lớp trẻ. Bà con nhận biết được đâu là thông tin tốt, đâu là lời kẻ xấu. Họ nói Đảng xấu nhưng bà con bảo: Đảng xấu, sao đồng bào có nhà đẹp, có xe, có ti vi, điện thoại. Họ bảo Đảng vi phạm tự do tôn giáo nhưng đồng bào mình vẫn đi nhà thờ, có ai cấm đâu. Họ nói Đảng lo cho con em người Kinh, không chăm lo cho con em đồng bào dân tộc, nhưng con em của đồng bào mình ở đây, nhiều khoản tiền đâu phải đóng như người Kinh, Đảng xây trường nội trú dành cho con em đồng bào ở xa, được học cái chữ còn được cho cơm nước, sách vở. Ở Tân Châu của mình, con em đồng bào đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn. Mà không riêng gì Tân Châu mình đâu, thôn K’Ming, xã Gung Ré có tới hơn 80 cử nhân và 2 thạc sĩ, hiện nay còn có trên 60 sinh viên đại học nữa; một số gia đình mà con cháu đều là cử nhân, thạc sĩ, như gia đình của K’Brèo có 10 người (gồm con dâu, rể, cháu) đều là cử nhân, thạc sĩ… Con em đồng bào ra trường, nhiều đứa làm ở trên tỉnh, làm ở các tỉnh khác và ở thành phố Hồ Chí Minh; có đứa là bác sĩ, kỹ sư; có đứa là giáo viên, phục vụ trong quân đội, công an, nhiều con em của đồng bào bây giờ làm lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện, ở xã... Như nhà mình đây, 3 đứa con, có đứa nào ở với mình đâu, nó đi làm việc ở xa hết rồi, tới mùa cà phê không có ai hái, kêu công không có, hơn 60 tuổi mình cũng phải ra vườn hái cà phê... Vì vậy nói Đảng không lo cho con em đồng bào dân tộc là nói láo, đồng bào mình không tin đâu... Xã mình bây giờ là xã nông thôn mới rồi, bà con vinh dự lắm. Ai cũng vui...(cười)
Như lời K’Nhơr nói, năm 2015, xã Tân Châu được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thành quả chung ấy, đồng bào Tân Châu đã cùng với Nhà nước đầu tư 34 tỷ đồng xây dựng 16,3 km đường giao thông nông thôn; đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, gần 4 tỷ đồng xây dựng trạm y tế xã... cùng đó là vài trăm tỷ đồng đầu tư phục vụ sản xuất, xây dựng hạ tầng cảnh quan nông thôn. Và từ “nội lực” sức dân, Tân Châu đã luôn đi đầu trong xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội; quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh xã hội. Toàn xã có 2.275 hộ, 11.107 khẩu, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, gồm: K’ Ho, Nùng, Tày, Mán, Mường, Thổ... Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Châu đạt 38,4 triệu đồng/năm, mức thu nhập cao nhất so với các xã vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.
|
Kiểu dáng biệt thự này được bà con dân tộc thiểu số ở Tân Châu xây dựng cách đây vài chục năm. Ảnh: V.Tòa |
Hiểu ra rằng:
“Đồng bào mình nói không tin, thấy mới tin” là “cái lý” giản đơn, thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số. Sự giàu có, no ấm, đủ đầy chính là cái mà đồng bào xã Tân Châu, huyện Di Linh thấy được, sờ được, tận hưởng được. “Cái lý” đó đã làm cho cái bụng của đồng bào tin vào Đảng, tin vào Nhà nước.
Tạm biệt Tân Châu! Trong âm thanh giòn giã tiếng máy xay hạt cà phê, tôi vẫn nghe rất rõ lời của K’Nhơr:
“Nghe theo lời kẻ xấu tức là mình tự bỏ đi cái thành quả của mình, từ bỏ cuộc sống sung sướng của mình. Đồng bào mình không dại đâu... đồng bào mình không dại đâu... đồng bào mình không dại đâu...”.
VĂN TÒA