Rừng là tài nguyên vô cùng quý báu, tài sản của quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng rừng bị tàn phá, bị xâm hại, bị khai thác trái phép diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương, tại nhiều tỉnh, thành đã làm cho diện tích rừng dần bị thu hẹp.
Rừng là tài nguyên vô cùng quý báu, tài sản của quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng rừng bị tàn phá, bị xâm hại, bị khai thác trái phép diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương, tại nhiều tỉnh, thành đã làm cho diện tích rừng dần bị thu hẹp. Trước thực trạng này, Ðảng bộ và chính quyền huyện Lạc Dương đã chỉ đạo quyết liệt phải bằng mọi biện pháp “giữ rừng”...
|
Làm gì để giữ lại những khu rừng xinh đẹp như thế này cho thế hệ con cháu. Ảnh: T.D.H |
Gian nan giữ rừng
Dù khá bận với công việc, song Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương - Đồng Văn Lâm đã dành gần hai giờ đồng hồ để tiếp chuyện chúng tôi. Với thâm niên hơn 30 năm gắn bó với rừng, với ngành Kiểm lâm, câu chuyện của vị Hạt trưởng và đồng nghiệp về công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); nhất là đấu tranh, ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Lạc Dương trong những năm qua cũng lắm gian nan, thử thách...
Lạc Dương có 131.233 ha đất tự nhiên; trong đó, diện tích có rừng là 111.597,3 ha; tổng diện tích rừng là 108.327,3 ha (104.521,6 ha rừng tự nhiên và 3.805,7 ha rừng trồng), với 3 loại rừng đặc trưng: rừng đặc dụng 54.358,3 ha; rừng phòng hộ 36,237,2 ha và rừng sản xuất là 17.731,9 ha.
Dù chỉ có 5 xã và 1 thị trấn, song, địa bàn huyện rộng, trải dài và chia cách khá phức tạp khó khăn trong việc đi lại, nhất là công tác quản lý địa bàn. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dượng chỉ có 19 cán bộ, công chức. Dù vậy, với nhiệm vụ được giao và bằng tâm huyết, tình yêu nghề, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác QLBVR; thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan và quần chúng nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, giáo dục; tăng cường cán bộ bám địa bàn, “bám rừng” đấu tranh, ngăn chặn hạn chế đáng kể tình trạng “chảy máu rừng”, bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá của địa phương, của quốc gia.
Là một trong những địa phương “nóng” về tình trạng phá rừng, đặc biệt 3 năm về trước và chủ yếu tập trung ở các xã dọc tuyến Quốc lộ 27C (đường 723); do đó, ngoài thường xuyên cử cán bộ “cắm chốt” tại tất cả các xã, thị trấn, nhất là các địa bàn phức tạp, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương triển khai các kế hoạch, phương án huy động mọi nguồn lực và nhân lực tập trung công tác QLBVR.
Nhớ lại những năm trước, khi nạn phá rừng diễn ra khá “nóng” trên địa bàn, vị Hạt trưởng không khỏi chua xót, anh cho biết: riêng trong năm 2013, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã xảy ra 142 vụ vi phạm lâm luật (120 vụ phá rừng và 22 vụ khai thác rừng trái phép); trong đó, tại xã Đạ Sar 79 vụ, xã Đạ Nhim 29 vụ, xã Đạ Chais 5 vụ... Bên cạnh đó, tình trạng khai thác thiếc trái phép cũng là hành vi gián tiếp phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng; đồng thời, lợi dụng địa bàn tiếp giáp với các xã, huyện khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận, một số đối tượng lén lút khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép cũng diễn ra rất phức tạp, thách thức chính quyền và ngành Kiểm lâm…
Những năm gần đây, “cộm” lên tình trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở một số huyện trong tỉnh đã kéo nhau đòi dời về làng cũ; số hộ này đã xâm chiếm trái phép một số khu rừng (kể cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) dựng chòi, lều trại; ngang nhiên phá rừng, khai thác đất rừng để sản xuất, “lập làng” tại một số tiểu khu thuộc địa phận huyện Lạc Dương. Cụ thể như trường hợp 35 hộ đồng bào DTTS của huyện Đam Rông đã xâm chiếm rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; 45 hộ DTTS thôn Cổng Trời, xã Mê Linh (Lâm Hà) đã xâm chiếm Tiểu khu 111A - thuộc Xã Lát, dựng 24 chòi, lều để ở phá rừng, khai thác đất rừng…
Nỗ lực đáng ghi nhận
Nguyên nhân nào khiến nạn phá rừng diễn biến phức tạp? Theo ông Đồng Văn Lâm, riêng đối với Lạc Dương thì bên cạnh do “thói quen” xem rừng là “của chung”, là “nơi kiếm sống” gắn với phương thức “săn bắn, hái lượn” tồn tại trong tư duy của người DTTS bản địa, còn do tình trạng “sốt” đất, giá đất tăng cao, nhu cầu về đất phát triển thời gian gần đây dẫn đến tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất rừng!...
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 543 vụ vi phạm về QLBVR. So với cùng kỳ năm 2016, dù tình trạng phá rừng có giảm (22,2% số vụ và 36,6% về diện tích), song, theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, mức độ thiệt hại rừng trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang rất lớn; tình trạng phá rừng, khai thác rừng diễn ra phức tạp tại một số địa phương...
Ðối với Lạc Dương, thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của tỉnh, của Ðảng bộ và chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện đã có nhiều nỗ lực trong “cuộc chiến giữ rừng” bằng nhiều biện pháp linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, từng bước hạn chế đáng kể thực trạng đáng buồn này.
Hàng năm, Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Ban QLR, Ban Kiểm tra - Giám sát Dịch vụ môi trường, MTTQ và các đoàn thể địa phương tuyên truyền, giáo dục về QLBVR, PCCCR trong nhân dân; kiện toàn 6 ban lâm nghiệp cơ sở (156 người); tăng cường kiểm lâm viên tại 5 xã, thị trấn đảm bảo “đủ sức” thực hiện nhiệm vụ; chú trọng công tác PCCCR; phối hợp với chính quyền, Ban Lâm nghiệp, Ban QLR, các trạm QLBVR, chủ rừng, hộ dân nhận khoán QLBVR thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng; giải tỏa lấn chiếm và tái lấn chiếm đất rừng; tăng cường phối hợp truy quét các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là tại những địa bàn nóng, phức tạp…
Nhờ nỗ lực, quyết liệt của Hạt Kiểm lâm và sự “trợ lực” của chính quyền các cấp, các lực lượng địa phương đã góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, khai thác rừng và tài nguyên rừng trên địa bàn huyện. Ba năm trở lại đây, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Lạc Dương giảm dần đều. Năm 2016, xảy ra 93 vụ (giảm 65,49% so với năm 2013); trong đó, 78 vụ phá rừng (giảm 42 vụ), 15 vụ khai thác rừng (giảm 7 vụ). Riêng 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn huyện chỉ xảy ra 25 vụ phá rừng và 6 vụ khai thác lâm sản (gây thiệt hại 21,424 m
3 gỗ), 10 vụ vận chuyển lâm sản trái phép (khối lượng 9,802 m
3 gỗ thông 3 lá và bạch tùng)...
Bài toán giữ rừng
Có thể nói, “Bài toán giữ rừng” đối với cả nước nói chung, với Lâm Đồng và huyện Lạc Dương nói riêng còn đặt ra nhiều ẩn số. Còn đó những khó khăn, những cam go, thử thách, đòi hỏi ngành Kiểm lâm - những con người khoác trên mình màu áo xanh của lá lại tiếp tục bước vào “cuộc chiến” thầm lặng để bảo vệ, gìn giữ nguồn tài nguyên vốn quý của đất nước, tài sản của quốc gia cho các thế hệ con cháu đời sau được thụ hưởng!
Tâm niệm của người Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm tóc đã hoa râm gắn bó gần như cả đời với rừng là làm sao giữ cho được 85% độ che phủ của rừng Lạc Dương, “mái nhà Tây Nguyên”! Kế hoạch của Hạt đặt ra trong những tháng cuối năm 2017 và những năm sau này rất cụ thể, đó là: tập trung tuyên truyền nâng cao trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về rừng cho người dân - đây là vấn đề quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường rà soát, nắm chắc địa bàn; đặc biệt theo dõi, phát hiện và ngăn chặn thủ đoạn phá rừng rất tinh vi. Chủ động cắm mốc phân ranh giữa đất rừng với đất sản xuất của các hộ dân ven rừng, gần rừng, không để dân “tranh thủ” lấn chiếm; hàng tháng, Hạt Kiểm lâm lập danh sách những hộ dân, các cá nhân vi phạm phá rừng gửi về UBND các xã, thị trấn để đưa ra họp kiểm điểm trước dân và nêu tên trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn nhằm giáo dục, răn đe; tổ chức cho nhân dân ký cam kết không vi phạm rừng, đất rừng. Đối với các tập thể, cá nhân nhận khoán QLBVR phải cam kết, nếu vi phạm bị cắt giao khoán. Đặc biệt, tăng cường phối hợp tuần tra, truy quét, xử lý thật nghiêm các trường hợp phá rừng, khai thác rừng và vận chuyển lâm sản trái pháp luật...
Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm lâm cùng với sự “vào cuộc” nhịp nhàng, hiệu quả của các lực lượng chức năng liên quan của địa phương, rừng Lạc Dương sẽ được bảo vệ, gìn giữ...
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG