Tổ hợp tác của những phụ nữ khó khăn

08:09, 19/09/2017

Ðược thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, Tổ hợp tác (THT) đan nhựa xuất khẩu An Nhơn do chị Chu Thị Hường (người dân tộc Nùng, ngụ tại thôn 5B, xã An Nhơn, huyện Ðạ Tẻh) làm tổ trưởng đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần 30 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Ðược thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, Tổ hợp tác (THT) đan nhựa xuất khẩu An Nhơn do chị Chu Thị Hường (người dân tộc Nùng, ngụ tại thôn 5B, xã An Nhơn, huyện Ðạ Tẻh) làm tổ trưởng đang tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần 30 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
 
Chị Chu Thị Hường (áo vàng) hướng dẫn cách đan nhựa cho chị em trong THT. Ảnh: K.P
Chị Chu Thị Hường (áo vàng) hướng dẫn cách đan nhựa cho chị em trong THT. Ảnh: K.P

Năm 1989, chị Chu Thị Hường (38 tuổi) cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh) lập nghiệp. 10 năm sau chị nên duyên vợ chồng với anh Long Văn Thuận, một chàng trai người Nùng. Lúc mới lập gia đình, ngoài làm ruộng trồng lúa, những lúc rảnh rỗi chị Hường cùng nhiều chị em khác trong thôn rủ nhau vào rừng hái măng, đọt mây... về cải thiện bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập. Dù làm đủ mọi việc, nhưng gia đình chị Hường vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo đói, thiếu thốn. Trong lúc bế tắc chưa biết tìm nghề gì chính đáng để đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, thì đầu năm 2010, chị được người quen giới thiệu nhận đan gia công các mặt hàng nhựa xuất khẩu. 
 
Chị Hường cho biết: “Lúc được người quen giới thiệu nhận đan gia công các mặt hàng nhựa xuất khẩu, tôi rất vui mừng. Nhưng đây là lần đầu tiên được tiếp cận với nghề này nên tôi còn nhiều bỡ ngỡ. Sau đó, tôi đã tìm đến một cơ sở đan nhựa ở thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) học nghề rồi nhận hàng về làm. Thấy đây là nghề thủ công hợp với chị em phụ nữ nên tôi đã kêu gọi một số chị em trong thôn cùng tham gia để kiếm thêm thu nhập”. 
 
“Sau 2 năm gắn bó với nghề, cùng với nguyện vọng của các chị em trong thôn, tôi đã quyết định thành lập THT và lấy tên là THT đan nhựa xuất khẩu An Nhơn. Hiện, THT đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 28 chị em là hội viên Hội Phụ nữ xã An Nhơn, với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng”.
 
Chị Chu Thị Hường - Tổ trưởng THT đan nhựa xuất khẩu An Nhơn cho biết: Hiện, THT đan nhựa An Nhơn đang nhận gia công từ 15 - 20 mặt hàng nhựa xuất khẩu các loại như giỏ xách, lẵng cắm hoa, bàn ghế Salon, rèm cửa, lồng đèn... Tùy kích cỡ, sau khi gia công các chị em được trả từ 4 - 15 ngàn đồng/sản phẩm. Theo các chị em trong THT, nghề đan nhựa xuất khẩu tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và cẩn thận. Đây là nghề thủ công rất phù hợp với chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn trong lúc nhàn rỗi. 
 
Cùng với việc làm nghề, hàng tháng, các chị em trong THT còn trích tiền lương đóng góp 200 ngàn đồng/tháng/người để xây dựng quỹ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế. Chị Lê Thị Nguyện (26 tuổi, tổ viên THT) chia sẻ: “Chồng tôi mất sớm, gia đình không có ruộng vườn nên trước đây phải đi làm thuê, làm mướn để lo từng bữa ăn hàng ngày và nuôi con ăn học. Hơn một năm nay, tôi được chị Hường nhận vào làm tại THT nên phần nào đã giúp cuộc sống của mẹ con tôi được cải thiện hơn”.
 
Chị Nông Thị Lành, tổ viên THT, người đã có thâm niên gần 4 năm gắn bó với nghề đan nhựa cho hay: “Trước đây, ngoài thời gian các vụ mùa thì tôi đều rảnh rỗi không biết tìm việc gì để làm. Nhưng hiện tại, nhờ đan nhựa mà tôi có thêm công việc để tăng thu nhập”.
 
Với vai trò là Tổ trưởng THT đan nhựa xuất khẩu An Nhơn, chị Chu Thị Hường có trách nhiệm nhận các đơn hàng về cho các chị em trong THT; đồng thời, kèm cặp, dạy nghề cho những chị em mới gia nhập THT. Cùng với đó, chị Hường còn đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho THT. Sau khi trả lương cho chị em và trừ các chi phí phát sinh, mỗi tháng nghề đan nhựa xuất khẩu mang lại cho chị nguồn lợi nhuận từ 6 - 8 triệu đồng. Theo chị Hường, thời gian qua, có rất nhiều chị em trong xã xin gia nhập THT. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có nhà xưởng nên THT đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô.
 
Bà Hà Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Nhơn cho biết: “Chị Chu Thị Hường là một tấm gương điển hình của Hội Phụ nữ xã. Với ý chí và nghị lực của mình, chị Hường không chỉ đưa kinh tế gia đình phát triển mà còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều hội viên. Ngoài ra, chị Hường còn là người nhiệt tình, hăng hái tham gia các phong trao thi đua do Hội Phụ nữ địa phương phát động. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ huyện có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ chị Hường mở rộng quy mô sản xuất để giải quyết thêm việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương”.
 
KHÁNH PHÚC