Từ những bể chứa nước giao cho dân tự làm, những sân xi măng do dân tự xây bằng nguồn tiền hỗ trợ của các đoàn từ thiện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang hướng tới việc vận động chuyển mô hình tặng quà sang đầu tư cho lĩnh vực cộng đồng với phương châm "Cho cần câu, giảm cho con cá".
Từ những bể chứa nước giao cho dân tự làm, những sân xi măng do dân tự xây bằng nguồn tiền hỗ trợ của các đoàn từ thiện, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh đang hướng tới việc vận động chuyển mô hình tặng quà sang đầu tư cho lĩnh vực cộng đồng với phương châm “Cho cần câu, giảm cho con cá”. Thông qua cách làm này, Hội CTÐ mong muốn phát huy được nội lực của người dân, góp phần vào phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”.
|
Các công trình “Giọt nước nghĩa tình” mang đến giá trị lâu dài. Ảnh: V.Q |
Hướng đến lợi ích lâu dài
Huyện Đơn Dương những ngày tháng 9, nắng gắt và bụi mù. Chúng tôi đến thăm phân trường Bockabang của Trường Tiểu học Kambutte, xã Tu Tra khi các em học sinh đang xúm xít ở vòi nước rửa tay, chuẩn bị cho giờ ăn trưa. Các cô giáo ở đây bảo, từ khi có nước từ giếng khoan và nhà vệ sinh, nỗi lo thiếu nước đã không còn là nỗi ám ảnh của các cô, sức khỏe các em học sinh cũng được nâng lên đáng kể.
Tháng 9 này là tròn một năm cô và trò phân trường Bockabang được sử dụng công trình nước của chương trình “Giọt nước nghĩa tình”. Được Hội CTĐ huyện Đơn Dương thực hiện vào tháng 9/2016, chương trình gồm xây dựng công trình nhà vệ sinh với tổng trị giá 75 triệu đồng, vận động sức dân gồm phụ huynh học sinh và tình nguyện viên đóng góp 3 ngày công, hoàn thành công trình khoan giếng tìm nước sạch trị giá 90 triệu đồng. Đến nay, công trình vẫn đang phát huy hiệu quả, phục vụ cho trên 100 em học sinh và giáo viên tại trường.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Hội CTĐ huyện Đơn Dương đã xây dựng được 4 công trình “Giọt nước nghĩa tình”, tại thôn KanKil (thị trấn D’ran, Đơn Dương); phân trường Bockabang của Trường Tiểu học Kambutte, xã Tu Tra; phân trường Tân Hiên của Trường Tiểu học Lạc Xuân; phân trường Ma Danh của Trường Tiểu học Rlơm, xã Tu Tra với tổng trị giá trên 390 triệu đồng được hỗ trợ từ các đoàn từ thiện, các mạnh thường quân.
Theo ông Thiều Cường, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Đơn Dương: Với đặc thù là vùng còn nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn, trong những năm qua, Hội CTĐ huyện thường xuyên tiếp nhận các đoàn từ thiện về giúp dân, chủ yếu là phát quà từ thiện. Việc này dễ tạo ra tâm lý ỷ lại trong người dân và không tạo được hiệu quả lâu dài. Từ đó, Hội CTĐ đã vận động chuyển mô hình tặng quà sang xây dựng các công trình thiết thực, vừa tạo được lợi ích lâu dài và mang lại giá trị bền vững.
Tương tự, tại huyện Đam Rông, các mô hình tặng quà của các đoàn từ thiện cũng được Hội CTĐ tỉnh chuyển sang việc xây dựng sân xi măng cho các hộ gia đình khó khăn. Kinh phí cho mỗi sân không lớn, chỉ trên dưới 2 triệu đồng, nhưng theo ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh thì giá trị mang lại rất lớn: “Việc hỗ trợ làm sân xi măng không chỉ đơn thuần là giúp đỡ hộ nghèo trong công tác nhân đạo, mà còn giúp bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, xây dựng cảnh quan gia đình; điều quan trọng nhất là con em các hộ gia đình nghèo có nơi sạch sẽ để vui chơi sau giờ học ở trường, không còn nhếch nhác, lấm lem ở sân bùn đất”.
Trong năm 2016, Hội CTĐ đã làm sân xi măng cho 66 hộ gia đình nghèo là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh, trị giá 265 triệu đồng tại các địa bàn: xã Tà Nung của TP Đà Lạt, huyện Đam Rông và huyện Đạ Tẻh. Qua 9 tháng đầu năm 2017, có thêm 24 sân được xây dựng.
“Giọt nước nghĩa tình”, cùng với xây sân xi măng cho người nghèo, là 2 chương trình nổi bật trong phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” của Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn, những mô hình này hướng đến 3 mục đích bền vững và tạo hiệu quả lâu dài: Thứ nhất, người dân có nước sạch để sử dụng ngay ở nhà, thay vì những ngày vất vả trước đây khi phải gánh từng can nước từ suối cách nhà 5 - 6 km; Thứ hai là người dân có nguồn nước để tưới tiêu rau màu, từ đó cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho hộ gia đình; Thứ ba, đây là một trong những biện pháp giúp người dân bảo vệ sức khỏe vì người dân có nước sạch từ đầu nguồn để ăn uống, tắm giặt.
Dân xây, dân dùng, dân giữ
Điều đặc biệt của các công trình “Giọt nước nghĩa tình” và xây sân xi măng cho người nghèo là đều do công sức của người dân xây dựng nên. Từ nguồn lực được huy động từ các đoàn từ thiện, Hội CTĐ huy động sức dân đào ống, vận chuyển ống, xây bể,... để hoàn thành các công trình, đưa vào sử dụng. Sau khi có nước về, các bể nước được giao cho người dân trực tiếp quản lý. Từ đó, người dân tự có ý thức duy tu bảo dưỡng, dọn dẹp vệ sinh và vận động thêm tiền trong dân để có kinh phí sửa chữa những đoạn ống bị bể trong thời gian sử dụng.
Đối với sân xi măng, từ nguồn tiền được hỗ trợ, các gia đình sẽ mua gạch và xi măng, riêng cát và công là do hộ gia đình bỏ ra để san nền, dầm nền, tráng sân. Theo ông Đỗ Hoàng Tuấn, điều khó nhất là thay đổi ý thức của người dân trong việc tự giác xây dựng, bởi phong tục tập quán từ lâu nay khiến người dân cảm thấy không cần thiết phải có sân xi măng. Bên cạnh đó, nhiều người dân không đồng ý nhận tài trợ làm sân vì vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chỉ thích được cho không chứ không thích phải bỏ công ra. Chính vì vậy, khi vận động được nguồn lực tài trợ, Hội CTĐ tỉnh, huyện và các xã phải làm việc, họp dân, phổ biến cho dân. Điều đáng mừng là thời gian gần đây, từ khi nhìn thấy hiệu quả của các sân xi măng được Hội hỗ trợ, nhiều người dân xung quanh đã bắt đầu tự bỏ tiền ra xây sân, làm theo, không đợi có tiền hỗ trợ mới làm.
Già làng Ha Gos ở thôn KanKil chia sẻ: “Từ khi có bể chứa nước và đường ống dẫn nước, bà con vô cùng phấn khởi. Thế nên không chỉ 50 hộ dân ở khu Bạch Đàn cùng góp công xây dựng mà nhiều người dân trong thôn cũng hào hứng góp một vài công. Hiện tại, thôn KanKil đã thành lập tổ tự quản để bảo vệ, kiểm tra thường xuyên công trình nước. Đây là công trình do Nhà nước và nhân dân cùng làm nên bà con quyết tâm giữ gìn”.
VIỆT QUỲNH