Triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường hồ Đan Kia

08:09, 19/09/2017

Mặc dù các chỉ số ô nhiễm hóa, lý, vi sinh đối với nguồn nước thô của hồ Ðan Kia - nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương - mới có xu hướng tăng nhẹ so với vài năm trước, nhưng ngành chức năng đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước tại đây ngay từ bây giờ.

Mặc dù các chỉ số ô nhiễm hóa, lý, vi sinh đối với nguồn nước thô của hồ Ðan Kia - nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương - mới có xu hướng tăng nhẹ so với vài năm trước, nhưng ngành chức năng đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm bảo vệ nguồn nước tại đây ngay từ bây giờ.
 
Theo báo cáo của Sở TN-MT về việc “triển khai các giải pháp quản lý các nguồn thải và quản lý ô nhiễm lưu vực, lòng hồ Đan Kia” cho thấy, qua số liệu quan trắc của các năm trước đây và những tháng đầu năm 2017 thì chất lượng nước của hồ này vẫn đảm bảo cho mục đích cung cấp nguồn nước thô phục vụ cấp nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08 - MT:2015/BTNMT mức A2. Tuy nhiên, các chỉ số như chất lơ lửng gia tăng vào mùa mưa, hay xu hướng ô nhiễm hóa, lý, vi sinh do hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân có tăng nhẹ so với giai đoạn 2011 - 2014 nhưng không gây ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào đối với sản xuất nước sinh hoạt của các nhà máy nước. Đáng nói hơn, chất lượng nước cấp sinh hoạt của hai nhà máy cấp nước Đan Kia 1 và Đan Kia 2 được các đơn vị thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, kiểm tra chất lượng nước theo đúng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/ BYT của Bộ Y tế ban hành. 
 
Theo đó, các công ty lấy mẫu nước hàng ngày phân tích tại phòng thí nghiệm của đơn vị mình; đồng thời định kỳ 1 tháng một lần cơ quan quản lý của ngành Y tế tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước và cứ 6 tháng một lần các công ty tiến hành lấy mẫu gửi đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để phân tích, đánh giá. 
 
Với các bước quản lý nguồn nước nêu trên đảm bảo chất lượng nước ăn uống theo quy định và tiêu chuẩn quốc gia. 
 
Bên cạnh đó, Sở TN - MT cũng chỉ ra nguyên nhân nguồn nước thô tại hồ Đan Kia - Suối Vàng có mức ô nhiễm tăng nhẹ và đề ra kế hoạch hành động trước mắt cũng như lâu dài nhằm đảm bảo các yếu tố, tiêu chuẩn về môi trường đối nguồn nước mặt của hồ Đan Kia. Đó là các hoạt động du lịch tự phát quanh hồ, ý thức của du khách kém đã làm phát sinh một lượng rác thải xung quanh; hồ tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt của người dân chưa qua xử lý; các hoạt động chăn nuôi gia súc xả thải ra môi trường và sản xuất nông nghiệp xung quanh lưu vực với khoảng 1.700 ha gây ô nhiễm từ phân bón hữu cơ, vô cơ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Trước những nguyên nhân này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN - MT đã vạch ra lộ trình và các bước đi cụ thể để bảo vệ nguồn nước hồ Đan Kia. Và trước mắt, thực hiện ngay công tác thu gom, xử lý rác thải quanh khu vực lòng hồ; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ Đan Kia theo quy định tại Nghị định số 43/2015/NĐ - CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ về việc “quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, để có cơ sở quản lý nguồn nước, xử lý tình trạng san ủi đất xâm lấn hồ, xây dựng trong lưu vực hồ…”. Song song đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Lạc Dương khẩn trương triển khai Dự án thu gom hệ thống nước thải sinh hoạt của các hộ dân tại Lạc Dương và khu vực suối Phước Thành - thải vào hồ Đan Kia, khi có chủ trương của tỉnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong việc xả thải và sản xuất trong lưu vực hồ; kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây… Đặc biệt, theo Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, liên quan đến việc triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn Lâm Đồng, việc đầu tiên là triển khai lắp đặt các bi, điểm thu gom, vận chuyển xử lý tại khu vực thượng nguồn hồ và dọc theo các nhánh suối khác đổ vào hồ. Và hiện, Sở đang triển khai các nội dung hỗ trợ tài liệu tuyên truyền, xây dựng 20 bể chứa/1 mô hình, vận chuyển và xử lý 500 kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí gần 279 triệu đồng được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Cụ thể, trong tháng 10 tới đây sẽ khảo sát lắp đặt các bể chứa của 2 mô hình tại khu vực quanh hồ Đan Kia và Phường 7, Đà Lạt. Sau khi xây dựng xong mô hình thí điểm sẽ bàn giao cho huyện Lạc Dương tổ chức thu gom, xử lý và tiếp tục xây dựng 1 mô hình tại huyện Lạc Dương vào năm 2018. Riêng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp ven hồ, Sở TN - MT đề nghị trong quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác, UBND huyện Lạc Dương chuyển đổi sang đất trồng cây lâu năm, cây dược liệu ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, những vị trí có điều kiện chuyển sang trồng rừng.
 
Với những bước đi trước mắt cũng như giải pháp lâu dài đề ra như trên, nguồn nước hồ Đan Kia sẽ được bảo vệ, đảm bảo đạt các chỉ tiêu môi trường theo quy định.    
    
XUÂN TRUNG