Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước trong nhiều năm qua nhằm từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống nhân dân. Ðể góp phần làm nên thành công đó, phải kể tới vai trò vận động, tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước trong nhiều năm qua nhằm từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao đời sống nhân dân. Ðể góp phần làm nên thành công đó, phải kể tới vai trò vận động, tuyên truyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
|
Hội viên Hội Nông dân xã Tà Nung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa đồng tiền cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh: N.Thu |
Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động thành viên, nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung cụ thể thông qua phong trào do Trung ương MTTQVN phát động. Điển hình như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”… Đặc biệt, từ năm 2016, MTTQ đã tập trung vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 5 nhóm nội dung cụ thể, thiết thực góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng” đã được thể hiện rõ nét trong công tác vận động như: Vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, thực hiện quy hoạch, chỉnh trang khu dân cư, hiến đất, góp công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn; vận động, hướng dẫn các gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; vận động người thân ở xa quê đóng góp xây dựng quê hương...
Ngoài ra, Mặt trận các cấp còn tham gia vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử. Tích cực vận động xây dựng xã hội học tập, vận động nhân dân tham gia mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, người có công, mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi giúp đỡ người già neo đơn không nơi nương tựa…
Mặt trận các cấp và các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc vận động bà con giáo dân, tín đồ tham gia bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Các hoạt động trên đã góp phần tích cực giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thứ 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Các hoạt động khác như vận động nhân dân thực hiện tốt hương ước, quy ước của cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, không vi phạm trật tự an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát huy vai trò của tổ hòa giải, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ gia đình, thôn xóm, tạo không khí hòa thuận, đoàn kết tại khu dân cư... đã góp phần giúp địa phương, tỉnh hoàn thành tiêu chí thứ 19 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Mặt trận còn tham gia vận động toàn dân đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tổ chức Công đoàn các cấp đã tích cực vận động đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, người lao động hăng hái thực hiện tốt các chủ trương về phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nông dân thoát nghèo bền vững, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS khó khăn bằng các phương thức liên kết “4 nhà”, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Xây dựng tổ chức Hội nông dân thực sự là trung tâm và nòng cốt của phong trào nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, các tổ chức chính trị, xã hội khác như Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng phát huy vai trò tích cực trong vận động hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chuyên môn của tổ chức mình. Đoàn Thanh niên vận động đoàn viên tham gia hỗ trợ thanh niên chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, trao đổi kinh nghiệm, tham quan học hỏi mô hình sản xuất tiêu biểu, tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Vận động đoàn viên tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn qua các mô hình như “Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường thanh niên tự quản”… Phụ nữ với mô hình “5 không, 3 sạch” rất phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới như vận động hội viên phụ nữ xây dựng gia đình: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba, không có trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học. Thực hiện 3 sạch gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, hướng đến xây dựng gia đình và cộng đồng ấm no, hạnh phúc, văn minh. Hội viên cựu chiến binh phát huy vai trò gương mẫu xây dựng đời sống văn hóa mới, hướng dẫn thế hệ trẻ phát huy truyền thống anh hùng, nối tiếp cha anh trong sự nghiệp cách mạng, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Trong giai đoạn mới hiện nay, để tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy trách nhiệm, nghiên cứu, vận dụng trong lãnh đạo, quản lý tại đơn vị mình cho phù hợp. Người đứng đầu cấp ủy cần phát huy vai trò nêu gương, xác định mục tiêu cụ thể trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với phạm vi lãnh đạo của mình theo các mốc thời gian, có cam kết trách nhiệm chính trị với cấp trên và nhân dân về kết quả thực hiện mục tiêu đó. Theo đó, người đứng đầu cần phải phát huy tính năng động, sáng tạo, quyết liệt tìm kiếm các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Phân công trách nhiệm mỗi người đứng đầu phụ trách một mảng công việc hay địa bàn cụ thể, lấy hiệu quả thực hiện công việc làm thước đo đánh giá năng lực cán bộ, đây cũng được coi là cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm hay cả nhiệm kỳ.
NGUYỆT THU