Với 68 tổ chức hội, trên 70 nghìn hội viên tham gia sinh hoạt trên địa bàn, nhiều tổ chức hội tại thành phố Ðà Lạt đang phát huy rất tốt vai trò trong cộng đồng dân cư.
Với 68 tổ chức hội, trên 70 nghìn hội viên tham gia sinh hoạt trên địa bàn, nhiều tổ chức hội tại thành phố Ðà Lạt đang phát huy rất tốt vai trò trong cộng đồng dân cư.
9 tháng - trên 7 tỷ đồng vận động
Theo chân ông Trương Bá Quý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 7 - Đà Lạt, trong buổi sáng chúng tôi đã đi thăm một số nhà tình thương tại phường. Đây là những ngôi nhà mà Hội Chữ thập đỏ Phường 7 đã vận động cộng đồng dân cư cùng chung tay đóng góp để giúp cho các gia đình khó khăn xây được trong những năm gần đây.
|
Ông Trương Bá Quý - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường 7 cùng bà Nguyễn Thị Hương - chủ nhà bên ngôi nhà được Hội Chữ thập đỏ Phường 7 hỗ trợ xây dựng. Ảnh: G.K |
Một trong những ngôi nhà mà chúng tôi đến thăm đó là nhà bà Nguyễn Thị Hương, 58 tuổi, trên đường Cao Thắng - Phường 7. Ngôi nhà khá rộng, trên 60 m2, được xây trong năm 2015, mái tôn, có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp và công trình phụ phía sau khá ngăn nắp, trong nhà còn có cầu thang sắt dẫn lên gác phía trên đang lắp sẵn dầm sắt để khi cần có thể dùng làm phòng ở.
Trước khi có ngôi nhà này, bà Hương cùng con trai bà ở trong một căn nhà gỗ nhỏ bên cạnh, hiện nay vẫn còn. Nhà gỗ này chênh vênh trên một bờ ta luy đất cao vút, chực chờ không biết ngã đổ lúc nào trong mùa mưa gió. Con trai bà Hương năm nay 26 tuổi, bị bệnh đã lâu, nay đau mai ốm, dù bà là người chăm làm nhưng bao tiền của đều đổ vào chữa chạy bệnh tật cho con nên mãi vẫn không xây nổi ngôi nhà.
Để giúp bà Hương có nhà, Hội Chữ thập đỏ Phường 7 đã vận động cộng đồng chung tay giúp bà gần 70 triệu đồng trong tổng số gần 90 triệu đồng làm nhà. “Thật tình tôi cũng không nghĩ mình xây được nhà, tôi làm thuê làm mướn, đồng tiền có hạn, con lại đau yếu, bao nhiêu cũng không đủ. Khi biết Hội giúp, mẹ con tôi rất mừng, có đêm nằm ngủ chợt mở mắt trong nhà vẫn không nghĩ là mình đã có nhà rồi” - bà Hương rơm rớm nước mắt.
“Gần đây, năm nào chúng tôi cũng vận động giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong phường xây nhà, chỉ cần có đất là được” - ông Quý cho biết. Hội Chữ thập đỏ Phường 7 trong 3 năm gần đây, theo ông Quý, trung bình mỗi năm vận động được khoảng 500 triệu đồng từ cộng đồng dân cư cho công tác từ thiện, như năm 2017 này Hội đang vận động để xây 3 căn nhà tình thương như thế, mỗi căn được Hội hỗ trợ từ 60 - 70 triệu đồng.
Theo ông Phan Tấn Can, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt, chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2017, đã có 6 căn nhà tình thương được Hội Chữ thập đỏ các phường - xã và Hội Chữ thập đỏ thành phố hỗ trợ xây dựng trên địa bàn 3 phường với tổng trị giá tiền hỗ trợ 530 triệu đồng.
Và không chỉ hỗ trợ xây nhà tình thương, các cấp Hội Chữ thập đỏ tại Đà Lạt còn có rất nhiều hoạt động nổi bật trong nhiều năm nay, từ phối hợp với các nhóm từ thiện và Mạnh Thường Quân cấp phát thực phẩm cho người bệnh và thân nhân các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các sáng thứ hai và thứ ba hàng tuần tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng; hỗ trợ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các địa chỉ nhân đạo; trao học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh trong thành phố cũng như trong tỉnh; vận động trao xe lăn, xe lắc; khám bệnh, phát thuốc miễn phí đến vận động hiến máu tình nguyện... Tổng giá trị cho các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ toàn thành phố trong vòng 5 năm gần đây mỗi năm khoảng 8 tỷ đồng, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm nay đã trên 7,1 tỷ đồng, đó là chưa tính các hoạt động từ thiện nhân đạo với chủ đề “Tết vì người nghèo” trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua với trên 3,3 tỷ đồng.
Ðể hội phát huy vai trò trong cộng đồng
Theo UBND thành phố Đà Lạt, trong 68 tổ chức hội đang hoạt động hiện nay tại Đà Lạt có 16 tổ chức hội hoạt động trong phạm vi thành phố, 52 tổ chức hội còn lại hoạt động trong phạm vi phường - xã với tổng cộng trên 70 nghìn hội viên sinh hoạt, trong đó có 54 tổ chức hội đã được công nhận là hội đặc thù. Đã có 8/16 tổ chức hội cấp thành phố được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động, 52 tổ chức hội cấp xã - phường được địa phương hỗ trợ kinh phí căn cứ vào nhu cầu thực tế tại địa phương.
Là tổ chức tự nguyện, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động nên nguồn kinh phí các hội hiện nay chủ yếu từ vận động, quyên góp, tài trợ từ cộng đồng. Như đánh giá của ngành chức năng, nhiều tổ chức hội trên địa bàn đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa các hoạt động nên lượng hội viên tham gia ngày càng tăng; các hội hầu hết đều có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh Hội Chữ thập đỏ với gần 20 nghìn hội viên trong toàn thành phố, Hội Khuyến học Đà Lạt cũng có một lượng hội viên đông đảo với trên 38 nghìn người, trong nhiều năm nay, Hội Khuyến học đã đẩy mạnh phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phát động phong trào tự học trong cộng đồng; vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ khuyến học trao học bổng cho học sinh hiếu học, học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn hàng năm.
Nhiều tổ chức hội khác cũng có những hoạt động nổi bật như Hội Người cao tuổi (trên 14 nghìn hội viên trong toàn thành phố) với phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”, thường xuyên tổ chức thăm hỏi, chúc thọ, động viên hội viên khi đau yếu, tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố cũng tích cực vận động cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ hội viên khó khăn vươn lên trong cuộc sống; Hội Người khuyết tật xúc tiến các hoạt động vay vốn tạo việc làm, dạy nghề; còn Hội Luật gia tham gia công tác phổ biến pháp luật trong cộng đồng.
Cùng với việc hỗ trợ kinh phí cho nhiều tổ chức hội hoạt động, Đà Lạt lâu nay cũng luôn khuyến khích các tổ chức hội tùy vào khả năng của mình để xây dựng và tổ chức các hoạt động phù hợp; xây dựng quỹ hội; vận động cộng đồng cùng tham gia xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh một số tổ chức hội có nhiều hoạt động thiết thực thì vẫn còn một số tổ chức hội hoạt động còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, chậm đổi mới, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, trụ sở làm việc.
Chính vì vậy, trong thời gian đến, ngành chức năng Đà Lạt cho biết sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động của các tổ chức hội theo quy định; hướng dẫn các hội hoạt động theo điều lệ đã được phê duyệt; khuyến khích các tổ chức hội không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, đa dạng hóa các hoạt động để thu hút hội viên. Đồng thời thành phố cũng đang kiến nghị ngành chức năng tỉnh mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động hội cho các tổ chức hội trên địa bàn.
GIA KHÁNH