Từ buổi đầu với 31 trường học khi bắt đầu thành lập đến nay toàn huyện có 85 trường đã nói lên chặng đường không ngừng nỗ lực của ngành Giáo dục huyện Lâm Hà trong 30 năm "gieo chữ" trên vùng đất kinh tế mới và là một trong những đơn vị luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh Lâm Ðồng trong dạy và học.
Từ buổi đầu với 31 trường học khi bắt đầu thành lập đến nay toàn huyện có 85 trường đã nói lên chặng đường không ngừng nỗ lực của ngành Giáo dục huyện Lâm Hà trong 30 năm “gieo chữ” trên vùng đất kinh tế mới và là một trong những đơn vị luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh Lâm Ðồng trong dạy và học.
|
Niềm vui ngày tựu trường của các em học sinh Trường THPT Lâm Hà (Ảnh do Phòng VHTT Lâm Hà cung cấp) |
Sau 30 năm vượt qua bao khó khăn của buổi đầu thành lập, ngành Giáo dục Lâm Hà đã có nhiều khởi sắc.
Bà Đoàn Thị Ánh Hương - Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Lâm Hà chia sẻ: Khi mới thành lập, toàn huyện có 31 trường học (mẫu giáo: 9, tiểu học: 11, THCS: 9; THPT: 2) với 9.340 học sinh. Thời kỳ này, tỉ lệ người mù chữ rất cao; giáo dục của huyện song song thực hiện nhiều chương trình: chương trình giáo dục 10 năm, chương trình giáo dục 12 năm, chương trình giáo dục 120 tuần, 100 tuần cấp tiểu học, chương trình 26 tuần, mẫu giáo cải cách ở mầm non... Cơ sở vật chất trường lớp khi ấy rất khó khăn, chỉ có gần 70 phòng cấp 4, số còn lại chủ yếu là các phòng học tạm: tranh, tre, gỗ,...; năm học nào huyện cũng phải tập trung làm các phòng học tạm để học sinh đủ chỗ học; trang thiết bị dạy học của các trường hầu như không có gì; hàng năm cứ vào đầu năm học huyện Lâm Hà lại thiếu hàng trăm giáo viên nên ngành giáo dục đã phải hợp đồng cả những giáo viên chưa qua đào tạo sư phạm để đứng lớp; chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế, nhất là ở 4 xã phía Bắc của huyện.
Từ khi thành lập huyện đến năm học 2004 - 2005 là thời kỳ giáo dục Lâm Hà phát triển nhanh nhất về số lượng trường lớp, học sinh; toàn huyện phải tập trung xây dựng phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong điều kiện huyện tăng nhanh về dân số (tăng cơ học và tự nhiên). Thời kỳ mà ngành giáo dục triển khai thực hiện thống nhất chương trình cải cách giáo dục ở tất cả các đơn vị trường học, qua đó đã phối hợp mở lớp đào tạo giáo viên, mở các lớp xóa mù chữ để thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí cho nhân dân...
Chỉ sau 17 năm thành lập, đến tháng 12/2004, giáo dục và đào tạo huyện đã có mạng lưới trường, lớp phủ kín đến xã, thị trấn, đến các thôn. Lúc này toàn huyện có 84 trường học (mẫu giáo: 17, tiểu học: 45, THCS: 18; THPT: 4) và 1 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp với 40.153 học sinh. So với ngày mới thành lập huyện đã tăng 52 trường học, 30.813 học sinh.
Sau đó là giai đoạn từ năm học 2005 - 2006 đến năm học 2012 - 2013, 7 năm sau khi tách các trường thuộc 4 xã phía Bắc về huyện Đam Rông, là giai đoạn giáo dục và đào tạo Lâm Hà vừa phát triển vừa điều chỉnh (sáp nhập, chia tách một số trường ở một số xã) qui mô, mạng lưới trường lớp. Đến hết năm học 2012-2013, toàn huyện có 81 trường học (mầm non: 20, tiểu học: 35, THCS: 19, TH&THCS: 1, THPT: 5, PTDTNT: 1) và 1 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, với tổng số 34.166 học sinh. Về chất lượng giáo dục toàn diện đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, thực chất và bền vững hơn. Những năm này thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện và các xã đã có nhiều sáng tạo trong huy động, khai thác mọi tiềm năng trong dân và cùng với nguồn vốn kiên cố hóa trường, lớp của Chính phủ, nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, các dự án, sự hỗ trợ của các tổ chức Phi Chính phủ, hỗ trợ của UBND thành phố Hà Nội... cơ sở vật chất trường lớp của Lâm Hà có nhiều khởi sắc.
Từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, ngành giáo dục huyện đã tiếp tục phát triển, điều chỉnh về quy mô, mạng lưới. Đến hết năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 85 trường (24 trường mầm non, 35 trường tiểu học, 19 trường THCS và 1 trường TH&THCS, 1 trường PTDTNT, 5 trường THPT), với 35.256 học sinh. Cùng với việc mở rộng và phát triển về quy mô, điểm nổi bật của giáo dục Lâm Hà trong những năm qua là chất lượng - hiệu quả giáo dục từng bước ổn định, phát triển, giữ vững ở mức độ khá, có những mặt chuyển biến tích cực và khởi sắc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lượng giáo dục toàn diện đã đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học tạo được môi trường để học sinh được hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành; vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống xã hội.
Đến nay, toàn huyện đã có trên 80% số phòng học kiên cố, đã có 32/82 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, có 14/14 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cũng nhận xét: Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, cùng với các ngành thì giáo dục luôn là vấn đề được coi là trọng tâm trong quá trình phát triển của huyện Lâm Hà, những kết quả đó cũng cho thấy sự đoàn kết, phấn đấu bền bỉ của tập thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và học sinh trong huyện. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Lâm Hà phải tập trung xây dựng và thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo huyện Lâm Hà giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục bằng nhiều giải pháp; duy trì và nâng cao mục tiêu phổ cập giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết và có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện những đổi mới của nền giáo dục tiên tiến và ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
30 năm, chặng đường không quá dài nhưng cũng đã là một quá trình nỗ lực của thầy và trò huyện Lâm Hà. Tin rằng với những nỗ lực, xác định mục tiêu giai đoạn tiếp theo rõ ràng, khắc phục những khó khăn, ngành Giáo dục huyện Lâm Hà sẽ tiếp tục phát triển, là niềm tự hào của người dân nơi đây.
DIỄM THƯƠNG