CN, 30/03/2025, 03:35

Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cuộc sống hôm nay

09:10, 20/10/2017

Nhân Ngày Phụ nữ (PN) Việt Nam, để tìm hiểu những điểm nổi bật về hoạt động của các cấp Hội PN trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PN, nâng cao vai trò PN, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững..

Nhân Ngày Phụ nữ (PN) Việt Nam, để tìm hiểu những điểm nổi bật về hoạt động của các cấp Hội PN trên địa bàn tỉnh, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PN, nâng cao vai trò PN, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững...; PV Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về vai trò của Hội LHPN trong cuộc sống hôm nay.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Đại hội Đại biểu PN Lâm Đồng bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, chủ động hội nhập, bình đẳng và phát triển”. Ảnh: P.Nhân
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao tặng Đại hội Đại biểu PN Lâm Đồng bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới, chủ động hội nhập, bình đẳng và phát triển”. Ảnh: P.Nhân
PV: Thưa bà, với chủ đề này, xin bà cho biết nhận định về vai trò của tổ chức Hội LHPN trong cuộc sống hôm nay?
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền -
TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền: Tổ chức Hội LHPN VN luôn khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới đất nước giai đoạn hiện nay, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PN và bình đẳng giới; thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của PN; là cầu nối giữa Đảng với hội viên PN, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. 
 
Thông qua phong trào “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và Cuộc vận động “PN Lâm Đồng tự trọng rèn đức, tự tin luyện tài, trung hậu đảm đang, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cấp Hội PN trong tỉnh đã tham gia có trách nhiệm vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Gắn với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi cán bộ, hội viên PN luôn là nhân tố tích cực quyết định sự tồn tại, phát triển và vững mạnh của tổ chức Hội PN, Hội đã và đang đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao. Đồng thời, Hội PN là mái nhà lớn cho cán bộ, hội viên PN, đặc biệt là PN trẻ, PN DTTS, PN vùng sâu, vùng xa tiếp cận các giá trị mới về vấn đề giới, phát triển và tiến bộ gắn lợi ích thiết thân của bản thân PN, gia đình với cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 
 
Nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội PN Lâm Đồng ngày càng có sự đổi mới, vận dụng linh hoạt tình hình thực tế của địa phương đề ra các giải pháp mở rộng tính liên hiệp, thu hút 161.751 hội viên trên tổng số 216.256 PN trong tỉnh tham gia (đạt 74,6%). Hội PN tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể góp phần giải quyết nhiều vấn đề của PN, gia đình, vì sự tiến bộ của PN. Tổ chức Hội được củng cố và phát triển, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút PN tham gia vào Hội. Cán bộ PN được đào tạo cơ bản, ngày càng trẻ hóa. Hội đã chủ động giới thiệu, bồi dưỡng nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành. Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. 
 
PV: Hiện nay, trước thực tiễn đời sống, Hội PN gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong vận động chị em tham gia tổ chức Hội ở từng khu vực thành thị, nông thôn và vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS?
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền: Những thuận lợi là công tác vận động PN luôn được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng xây dựng các mô hình mới thiết thực cụ thể, thu hút đông đảo PN tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ, năng lực của PN. Trong phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tập hợp, thu hút hội viên; nhiều gương điển hình PN vươn lên xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Nổi bật như: CLB “PN với kiến thức pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình; CLB bóng đá nữ, bóng chuyền nữ; các CLB Văn thể mỹ, Gia đình hạnh phúc, Hát ru dân ca, Hát cho nhau nghe, Khéo tay hay làm; các Tổ PN “Hiền mẫu”, “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”, “Tương trợ”; các mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho con”, “Xóa bỏ hủ tục lạc hậu”; “Không thách cưới”... trong vùng đồng bào DTTS...
 
Trước thực tiễn đời sống, các cấp Hội PN đã cụ thể hóa nội dung, đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn dân cư như: Đối với địa bàn còn gặp nhiều khó khăn thì xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Địa bàn có đời sống kinh tế ổn định thì xây dựng các mô hình, CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu giải trí, rèn luyện sức khỏe, thể chất, tinh thần để thu hút PN tham gia hoạt động Hội. Đối với vùng DTTS thì xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, nâng cao kiến thức và kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, thành lập các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc. Đối với PN tôn giáo: tập hợp chị em PN trong nhà chùa, giáo xứ, nhà dòng tham gia sinh hoạt Hội. Đối với nữ thanh niên: thành lập các CLB “Gia đình trẻ”, CLB theo sở thích; tổ chức tọa đàm, trao đổi kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình yêu an toàn... cho nữ sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, Hội còn gặp những khó khăn là việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động ở một số cơ sở Hội còn chậm, chưa xác định được vấn đề ưu tiên nên hoạt động dàn trải; công tác tham mưu với cấp ủy địa phương chưa chủ động; chất lượng sinh hoạt ở một số chi, tổ còn nặng về hình thức. PN nông thôn thiếu việc làm, thu nhập thấp, có xu hướng đi làm ăn xa ngày càng đông nên tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt ở một số chi hội còn thấp; việc vận động, thu hút nữ thanh niên, nữ lao động tham gia tổ chức Hội vẫn còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ Hội cơ sở do kiến thức, kỹ năng công tác hạn chế, nên việc triển khai, tổ chức các hoạt động của Hội còn chưa đạt hiệu quả cao. Việc quản lý hội viên tại một số cơ sở Hội còn thiếu thống nhất, chưa cập nhật được tình hình biến động hội viên.
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh biểu dương các Chi hội trưởng PN tiêu biểu trong phong trào ở cơ sở. Ảnh: D.H
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh biểu dương các Chi hội trưởng PN tiêu biểu
trong phong trào ở cơ sở. Ảnh: D.H
PV: Bà có thể cho biết các mô hình tập hợp, thu hút hội viên PN hiệu quả hiện nay?
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền: Cụ thể mô hình tập hợp, thu hút hội viên hiệu quả hiện nay được các cấp Hội triển khai rộng khắp trong thời gian qua, đó là các mô hình hỗ trợ PN giúp nhau phát triển kinh tế. Với các hình thức: Hỗ trợ vốn, kiến thức, giúp đỡ hộ PN nghèo theo địa chỉ, xây dựng điển hình PN làm kinh tế giỏi, tuyên truyền, vận động PN tham gia các tổ chức kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; vận động hội viên PN không sử dụng chất cấm trong sản xuất chăn nuôi, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tích cực tham gia lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, mức sống cho PN. 
 
Phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, phong trào PN giúp nhau tiếp tục được duy trì trong toàn tỉnh thông qua 99 mô hình hỗ trợ PN phát triển kinh tế có 42.447 thành viên tham gia. Ngoài việc được nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thành viên tham gia mô hình còn được chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con, cách thức quản lý tài chính gia đình; hỗ trợ, giúp đỡ về cách thức làm kinh tế hiệu quả, thực hành tiết kiệm, vần đổi công lao động, vay vốn sản xuất, thi đua xây dựng nông thôn mới. 
 
PV: Xin cảm ơn bà! 
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)