CN, 20/04/2025, 21:16

Người lưu giữ kỷ vật thời mở đất

08:10, 12/10/2017

Hơn 40 năm dựng xây Vùng kinh tế mới Hà Nội, tròn 30 năm thành lập huyện Lâm Hà, lịch sử của một vùng đất như in đậm vào những kỷ vật thấm đẫm mồ hôi của lớp người thời khai hoang mở đất, mà ở đó có những người đang lặng lẽ giữ gìn, trân trọng.

Hơn 40 năm dựng xây Vùng kinh tế mới Hà Nội, tròn 30 năm thành lập huyện Lâm Hà, lịch sử của một vùng đất như in đậm vào những kỷ vật thấm đẫm mồ hôi của lớp người thời khai hoang mở đất, mà ở đó có những người đang lặng lẽ giữ gìn, trân trọng.
 
Anh Nguyễn Minh Tuấn giới thiệu chiếc bình tông 5l từng là đồ dùng đựng nước cho cả tiểu đội thanh niên xung phong những ngày khai hoang mở đất. Ảnh: Q.U
Anh Nguyễn Minh Tuấn giới thiệu chiếc bình tông 5l từng là đồ dùng đựng nước
cho cả tiểu đội thanh niên xung phong những ngày khai hoang mở đất. Ảnh: Q.U

Trong không gian của một “công xưởng” chuyên kẻ vẽ in ấn biển hiệu, biển quảng cáo của mình, anh Nguyễn Minh Tuấn (37 tuổi - tổ dân phố Bạch Đằng - thị trấn Nam Ban) dành một khoảng không gian đặc biệt trang trọng để sắp đặt lưu giữ những kỷ vật thời khai hoang mở đất. Công việc đôi khi làm anh mệt mỏi, anh lại dừng ngắm những đồ vật mình cất công sưu tầm trong suốt gần 20 năm qua và tìm được cảm giác cân bằng. 
 
Không lớn lên ở Nam Ban, không được chứng kiến những ngày đầu rừng sâu, núi thẳm, sốt rét kéo dài, năm 1998, sau khi học hết phổ thông ở huyện Mê Linh - Hà Nội, Nguyễn Minh Tuấn mới đến Nam Ban lập nghiệp. Ngay khi đặt chân đến nơi đây, lạ mà như đã rất quen, ở đâu cũng là bà con quê mình, cảm giác đã muốn gắn bó. Những ngày đầu, Tuấn đi làm rẫy cà phê cho anh trai, cho chú ruột, được gặp nhiều hộ gia đình là những người có mặt ở nơi đây những ngày đầu, được nghe những câu chuyện thấm đẫm tình đất, tình người; được nhìn thấy những vật dụng sinh hoạt, phục vụ lao động sản xuất ngày nào đã theo bước chân tiền trạm của những người con Hà Nội và các gia đình đi xây dựng quê mới. Trong đó nhiều vật dụng đã bị “xếp xó” bị các dụng cụ sinh hoạt hiện đại thay thế. Vốn mê những kỷ vật, cổ vật từ nhỏ, đồ cũ không muốn vứt đi thứ gì, bởi theo anh lý giải “Nó là một phần của quá khứ”, nhiều đồ cũ các gia đình không dùng đến nữa anh cũng chủ động hỏi mua, biết anh thích nhiều người đã biếu tặng, bán rẻ... Trải qua thời gian, đi làm vườn, đi học nghề, rồi mở tiệm in ấn quảng cáo, lập nghiệp, xây dựng gia đình, nhiều lần chuyển chỗ ở, bộ sưu tập kỷ vật cũng đi theo anh và không ngừng nhiều lên. 
 
Chiếc đèn bão có tuổi hơn 40 năm có mặt trên đất mới ngay từ những ngày đầu. Ảnh: Q.U
Chiếc đèn bão có tuổi hơn 40 năm có mặt trên đất mới ngay từ những ngày đầu. Ảnh: Q.U

Đưa tôi xem và giới thiệu từng đồ vật, tôi ngỡ ngàng vì sự trân trọng quá khứ, lưu trữ tỉ mỉ của anh Tuấn. Các hiện vật phong phú tái hiện sinh động một thời kỳ đầy gian nan, thử thách của những con người đặt bước chân đầu tiên, đưa nhát cuốc đầu tiên, đối mặt với thiên nhiên, núi rừng thâm u. Gần 60 kỷ vật in đậm dấu ấn thời gian, trong đó như thấy rõ mồ hôi thấm đẫm, những dấu tay chai sần của những người đã đặt lên đó: ống điều thuốc lào, đèn bão, cân đòn, xe đạp Phượng Hoàng, nồi đồng, mâm, thau đồng, cối đá, đèn măng-xông, đèn dầu, đồng hồ, bàn là than, ấm đất, bình toong, cà mèn... Đằng sau mỗi kỷ vật vô giá là một câu chuyện gắn với những ngày tháng gian khó, thiếu thốn. Đó là chiếc bình tông 5 lít đựng nước cho cả một tiểu đội thanh niên xung phong hơn chục người truyền tay nhau uống nước trong giờ nghỉ giải lao trong những ngày khai hoang.  Chiếc cối đá xay bột, cả xóm “xếp hàng” để chế biến nguyên liệu làm bánh mỗi dịp giỗ, chạp, rằm, tết thấm đẫm tình làng nghĩa xóm, đùm bọc lẫn nhau. Chiếc đèn dầu hột vịt chỉ đủ thắp sáng một góc mâm cơm bữa tối, sau đó được tắt đi để tiết kiệm dầu. Chiếc đèn bão treo ở hiên nhà mặc cho mưa to gió lớn mỗi khi có việc gia đình, việc làng việc nước. Chiếc đèn tọa đăng cả xóm dùng chung mỗi khi nhà ai có việc cưới hỏi, giỗ chạp, ma chay trong những ngày chưa có điện. Chiếc xe 67 thời đó được coi như “báu vật” vượt đồi dốc, vượt sình lầy với bê bết đất đỏ bazan, băng rừng đưa người bệnh đi cấp cứu, chở hàng hóa ra phố huyện, đón bà con ở quê vào... Xem cách anh gìn giữ, nghe anh kể về những kỷ vật mới thấy hết tấm lòng trân quý, tình yêu của anh dành cho đất này.  
 
Không giữ cho riêng mình, mỗi dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập huyện, thành lập Vùng kinh tế mới Nam Ban, anh Tuấn lại mang bộ sưu tập của mình góp mặt vào triển lãm những kỷ vật để mọi người cùng chiêm ngưỡng, cùng nhìn lại quá khứ, trân trọng thành quả hiện tại. Mơ ước có một bảo tàng thu nhỏ, vừa gửi gắm tình cảm, ở đó lưu giữ những hiện mang dấu ấn thời gian, lịch sử, văn hóa sống động trong quá trình hình thành và phát triển một vùng đất; anh Tuấn luôn tích cực lao động, làm việc mong có ngày anh sẽ xây dựng cửa hiệu in Sông Hồng của mình to đẹp hơn, dành một khoảng không gian rộng hơn để trưng bày bộ sưu tập của mình thành một “bảo tàng” thu nhỏ để ai ai cũng có thể ngắm nhìn - Nguyễn Minh Tuấn tâm sự.
 
QUỲNH UYỂN