Rất nhiều mô hình "Dân vận khéo" trong xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện tại Ðạ Tẻh những năm gần đây, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện vùng sâu nơi đây.
Rất nhiều mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện tại Ðạ Tẻh những năm gần đây, góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện vùng sâu nơi đây.
|
Người dân đang trồng cỏ lạc ven đường tại xã Hương Lâm - Đạ Tẻh. Ảnh: HL- GK |
Những con đường đẹp ở Mỹ Ðức
Rất nhiều người có dịp đến Mỹ Đức - Đạ Tẻh sẽ không ít ngạc nhiên khi thấy diện mạo xã vùng sâu này hôm nay đã khác hẳn. Các con đường liên thôn trong xã hầu như đã được bê tông hóa sạch sẽ, nhiều đoạn dài hai bên đường trồng cỏ lạc xanh mướt, hàng rào cây xanh ven đường được cắt xén cẩn thận, cây cối bụi rậm được phát quang, rất ít rác thải vương vãi và hầu như các tuyến đường này đều đã có điện chiếu sáng ban đêm. Những ngày lễ, dịp tết, dọc theo các con đường này cờ Tổ quốc treo đều tăm tắp phất phới bay.
Để có những tuyến đường đẹp này, Mặt trận Tổ quốc xã Mỹ Đức đã phát động phong trào “Thắp sáng đường quê” cùng vận động người dân trong xã làm cột treo cờ dọc theo đường 725. Đến nay, toàn xã đã có 7 thôn lắp được điện chiếu sáng với tổng chiều dài trên 8 km, tổng kinh phí 338,4 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 172 triệu đồng, xã hỗ trợ 34 triệu đồng, số tiền còn lại trên 135 triệu đồng do người dân đóng góp. Đồng thời, người dân tại các thôn 1, 2, 4, 5 đã đóng góp gần 60 triệu đồng, trong đó trên 30 triệu đồng để tu sửa đường liên thôn và số tiền còn lại gần 29 triệu đồng để làm các cột cờ bằng sắt dọc theo con đường 725.
Cùng với mô hình “Thắp sáng đường quê” này của Mặt trận xã, Hội Phụ nữ xã Mỹ Đức cũng phát động phong trào “Trồng hàng rào cây xanh, vườn rau dinh dưỡng” trong hội viên toàn xã. Đến nay, đã có 245 thành viên phụ nữ của 7 thôn trong xã tham gia. Với bàn tay khéo léo của mình, các thành viên trong hội đã trồng và chăm sóc trên 5 km hàng rào xanh, nhiều nhất là hàng rào dâm bụt dọc theo các tuyến đường. Đặc biệt, các mô hình “Vườn rau dinh dưỡng” đã phát triển nhanh trong các vườn nhà người dân trong xã, không chỉ tạo nguồn rau sạch, an toàn mà cũng làm cho khuôn viên vườn tươi đẹp hơn nhiều.
Những mô hình
Theo Ban Dân vận Đạ Tẻh, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện.
Cùng với xã Mỹ Đức, rất nhiều xã trong huyện cũng có những mô hình tiêu biểu. Như tại xã Đạ Kho, Chi hội Nông dân thôn 10 của xã đã đi đầu trong vận động người dân đóng góp tiền, công lao động, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn; hưởng ứng cuộc vận động, không ít gia đình ở đây đã đóng góp mỗi nhà trên 30 triệu đồng để làm đường. Tại xã An Nhơn, Chi hội Người cao tuổi Thôn 2 cũng vận động hội viên “cây cao bóng cả” của mình gương mẫu đóng góp tiền, công để làm đường liên thôn. Tại xã Đạ Lây, Ban công tác Mặt trận thôn Lộc Hòa cũng vận động người dân hiến đất, đóng góp công sức làm 3 con đường trong thôn. Hay như tại xã Quốc Oai, Thôn 3 đã vận động tất cả 181 hộ trong thôn tham gia phong trào “Thắp sáng đường quê”, đóng góp tiền bắc điện chiếu sáng công cộng, 3 năm qua, đường điện này vẫn đêm đêm chiếu sáng đường làng.
Tích cực nhất trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” này có thể nói đến Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện với các mô hình tại các xã, như mô hình “Vệ sinh môi trường, trồng hoa cỏ lạc” của Hội Phụ nữ xã Quảng Trị; mô hình “Vận động hội viên mua bảo hiểm y tế” của nhiều hội phụ nữ các xã; mô hình “Tổ hùn vốn phụ nữ giúp nhau” của Hội Phụ nữ các xã Đạ Pal, Triệu Hải, Đạ Lây và thị trấn Đạ Tẻh. Tổ hùn vốn giúp nhau tại 4 xã, thị trấn trên đã duy trì hoạt động trong nhiều năm liền, số tiền quỹ tiết kiệm đến nay lên tới hàng trăm triệu đồng, đã giúp rất nhiều hội viên hoàn cảnh khó khăn có vốn sản xuất, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm. Nhờ vốn này nhiều hội viên đã vươn lên trong làm ăn, xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm những vật dụng có giá trị cao, thoát được nghèo.
Hội Nông dân huyện cũng có không ít các mô hình sản xuất tiêu biểu tại các xã. Điển hình là mô hình “Tổ hợp tác nuôi tằm chất lượng cao” của Hội Nông dân xã Đạ Pal, lúc đầu thành lập chỉ có 13 thành viên, đến nay đã nhân rộng và thành lập được 7 tổ hợp tác trên toàn xã; không chỉ phổ biến kiến thức và công nghệ mới cho hội viên, tổ hợp tác còn giúp hội viên nâng cao kỹ năng nuôi tằm để nâng giá thành sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống cho hội viên và người dân. Còn mô hình “Chuyển đổi giống lúa chất lượng cao” của Tổ Dân vận Lộc Hòa xã Đạ Lây, đến nay đã có 81 ha lúa chất lượng cao, trong đó có 57 ha nếp quýt và nếp Hà Nội, 24 ha lúa tẻ, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha đối với nếp quýt và nếp Hà Nội, 4 tấn/ha đối với lúa tẻ, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Tại xã Đạ Kho cũng có mô hình “Cán bộ, hội viên nông dân tham gia tố giác tội phạm” của Chi hội nông dân Thôn 10 đang hoạt động rất tốt với 87 thành viên của 6 tổ tham gia. Trước tình trạng phá hoại cây trồng, vật nuôi diễn ra trên địa bàn thôn, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Công an xã xây dựng mô hình vận động nhân dân tham gia tố giác tội phạm, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã tạo sự chuyển biến tích cực, tình trạng chặt phá cây trồng, phá hoại vật nuôi trong xã hầu như không còn xảy ra.
Còn rất nhiều mô hình khác hoạt động khá hiệu quả trên địa bàn như vận động người dân thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, tuyên truyền, vận động xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Những mô hình này theo đánh giá của huyện, ngày càng phát huy được vai trò tích cực trong cộng đồng, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng nội dung các tiêu chí mà các xã đang tập trung thực hiện để Đạ Tẻh trong cuối năm nay có thêm 3 xã Hương Lâm, Triệu Hải, Quốc Oai đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2019 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện.
HL - GK