Thứ 3, 01/04/2025, 18:46

Sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

09:10, 19/10/2017

Với đặc thù về điều kiện đất đai và khí hậu, sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng chia thành 4 vùng sinh thái: các huyện phía Nam với cây trồng chủ lực là lúa, điều, cây ăn trái gắn với thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai; các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc có thế mạnh sản xuất cây công nghiệp dài ngày, hình thành thương hiệu cà phê Di Linh, chè B'Lao...

Với đặc thù về điều kiện đất đai và khí hậu, sản xuất nông nghiệp Lâm Đồng chia thành 4 vùng sinh thái: các huyện phía Nam với cây trồng chủ lực là lúa, điều, cây ăn trái gắn với thương hiệu sầu riêng Đạ Huoai; các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc có thế mạnh sản xuất cây công nghiệp dài ngày, hình thành thương hiệu cà phê Di Linh, chè B’Lao; các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và Đam Rông sản xuất đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi đã hình thành thương hiệu: dứa Cayen, chuối Laba - đây cũng là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của tỉnh (chiếm 43% diện tích). TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương là vùng trọng điểm sản xuất rau, hoa, cây đặc sản, cà phê chè, đã hình thành thương hiệu cà phê chè Cầu Đất, cà phê Langbian, phát triển cá nước lạnh.
 
Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực có tỷ trọng cao nhất trong ngành nông, lâm, thủy sản Lâm Đồng, chiếm 98% giá trị toàn ngành; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước (giai đoạn 2011-2015 trung bình 7% năm, năm 2016 đạt 4,9%). Theo Sở NN&PTNT: Những năm qua, ngành trồng trọt phát triển nhanh theo hình thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng giá trị sản xuất năm 2016 theo giá hiện hành đạt trên 41.000 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2015 và gấp 2 lần năm 2010. Toàn tỉnh hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt đối với các cây trồng chủ lực, cơ bản phù hợp với điều kiện sinh thái và phát huy lợi thế từng vùng, tạo ra sản phẩm dẫn đầu thị trường trong nước về sản lượng, chất lượng. Ngành chăn nuôi tương đối ổn định và phát triển mạnh mẽ với việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sang các loại có giá trị kinh tế cao như bò thịt cao sản, bò sữa, heo chất lượng cao; từng bước hình thành chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng an toàn sinh học, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng đàn vật nuôi bình quân 4,6%/năm, tổng giá trị sản xuất năm 2016 theo giá hiện hành đạt 7.555 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích mặt nước có khả năng nuôi thủy sản theo quy hoạch khoảng 3.000 ha. Diện tích nuôi chủ yếu là các đối tượng thủy sản truyền thống (rô phi, trắm cỏ, chép, mè…) và từ năm 2008 phát triển cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi vân) với diện tích nuôi thâm canh công nghệ cao 50 ha. 
 
Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của ngành nông nghiệp đạt 5,5-6%/năm, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản 46-46,5%... Duy trì diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 300.000 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 170 triệu đồng/ha/năm; có trên 20% diện tích canh tác ứng dụng CNC, đạt 35-40% giá trị sản xuất của ngành…
 
Để đạt mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ chủ yếu đặt ra đối với ngành nông nghiệp là phải tăng cường biện pháp sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành phải sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước…; xây dựng các mô hình canh tác theo hướng cảnh quan bền vững, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp đến môi trường; nghiên cứu nhập nội, khảo nghiệm các cây trồng hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch hợp lý, giảm dần diện tích nhà lưới, nhà kính nhất là ở khu đô thị. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học; bảo tồn, phát triển Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Bian, các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng cảnh quan khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh trồng cây phân tán, che bóng mát trong diện tích sản xuất nông nghiệp; quản lý, bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến các sản phẩm theo quy định của pháp luật. Phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất và đời sống của nhân dân; xây dựng kế hoạch ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải tăng cường tuyên truyền, vận động, thực hiện các biện pháp quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng nước hợp vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải; thực hiện phong trào xây dựng thành phố, trung tâm huyện, xã, khu dân cư “xanh - sạch - đẹp”; quản lý các cơ sở sản xuất - kinh doanh, đảm bảo đạt tiêu chuẩn xử lý về môi trường.
 
 LAN HỒ