Ở tuổi gần 70, ông Bùi Phú Hường - Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi Tổ 23 (thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng) luôn tích cực lao động sản xuất, là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ con cháu noi theo.
Ở tuổi gần 70, ông Bùi Phú Hường - Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi Tổ 23 (thị trấn Liên Nghĩa, Ðức Trọng) luôn tích cực lao động sản xuất, là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ con cháu noi theo.
|
Ông Bùi Phú Hường chăm sóc vườn đậu leo. Ảnh: N.Minh |
Được sự giới thiệu của Hội Người cao tuổi thị trấn Liên Nghĩa, chúng tôi đến thăm mảnh vườn của gia đình ông Bùi Phú Hường vào một buổi chiều cuối tuần, giữa lúc ông đang chăm sóc vườn đậu leo sắp đến ngày cho thu hoạch. Gần 70 tuổi, nhưng trông ông vẫn còn khá mạnh khỏe, hoạt bát. Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Hường chia sẻ về thời gian mới rời Quảng Ngãi vào lập nghiệp tại Đức Trọng. Lúc đó, ông đang loay hoay trong việc tìm cách làm kinh tế để trang trải cho cuộc sống gia đình. Với hơn 3 ha đất, ông chỉ trồng các loại cây như bắp, đậu, cà phê; nhưng lợi nhuận mang lại không được là bao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất giỏi và học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ tại địa phương, dần dần ông quyết định chuyển sang trồng các loại rau màu có giá trị kinh tế cao hơn như: dậu ngự, cà chua, hành lá, đậu leo...
Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó của người nông dân, ông luôn chịu khó tìm hiểu đặc tính của từng loại cây, chất đất áp dụng vào từng mùa vụ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Bên cạnh đó, để có đầu ra cho nông sản, ông còn chủ động liên kết với các chủ vựa thu mua trước khi bắt tay vào canh tác từng loại cây trồng. Cũng chính vì vậy, ông trồng vụ nào trúng vụ đó, nông sản của gia đình ông luôn bán được giá cao. Hàng năm, trừ chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận được khoảng 600 triệu đồng.
Theo ông, sức khỏe con người có giới hạn nên làm nông cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng từ lúc xuống giống đến chuyện tìm đầu ra mới mong có lãi. Ông Hường chia sẻ: “Sức khỏe mình càng ngày càng yếu nên làm nông nghiệp cũng cần phải có cái đầu. Trước lứa đậu leo này, tôi có trồng cà chua và mặc dù cà chua vẫn còn thu hái được nhưng tôi vẫn quyết định bỏ để trồng đậu leo do giá đậu leo ở thời điểm này thường tăng cao. Thêm nữa, do trời mưa nhiều, cà chua rất dễ hư hỏng, có để lại cũng không được là bao. Nói chung phải xem xét kỹ về thời tiết và mùa vụ mới mong có lãi được”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hường còn tích cực chia sẻ, giúp đỡ về kinh nghiệm sản xuất cho những ai muốn học tập. Ngoài ra, trong công tác xã hội, ông còn là người khá gương mẫu, trách nhiệm. Gần 10 năm làm Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi tổ 23 - thị trấn Liên Nghĩa, ông Hường chấp hành tốt quy định của hội, thường xuyên giúp đỡ hội viên, được mọi người kính trọng, yêu mến. Ông Trần Thanh Phương - Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn, nhận xét: “Ông Bùi Phú Hường rất chịu khó, làm nông có hiệu quả cao. Ông là tấm gương điển hình của Hội Người cao tuổi thị trấn. Sắp tới, Hội sẽ tổ chức các đợt tham quan mô hình kinh tế của gia đình ông Hường để các hội viên khác học hỏi kinh nghiệm”.
Trong căn nhà vợ chồng ông Bùi Phú Hường đang sinh sống, chúng tôi nhận thấy những dụng cụ lao động như: Cuốc, bình bơm... hiện diện khắp ngôi nhà, qua đó càng thấy được sự cần cù, chịu khó của ông Hường, ít người cao tuổi nào theo kịp. Ông cười cho biết, có hôm ông phải dậy từ 3-4 giờ sáng để ra vườn tưới cây... Chính từ những nỗ lực đó mà giờ đây cả 4 người con của ông đã trưởng thành và lập gia đình, ai cũng có công ăn việc làm ổn định. Với ý nghĩ không thích sống phụ thuộc vào con cháu, vợ chồng ông lấy chuyện trồng trọt, chăm sóc vườn tược làm niềm vui cho tuổi già. Bằng sự mộc mạc, chân chất của mình, ông Hường chia sẻ: “Con cái tôi giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm hết rồi, nhưng hai vợ chồng già vẫn làm, làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Cũng chính nhờ lao động mà tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn để cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất”.
N.MINH