Một không gian thoáng, đẹp với những màu sắc, hình ảnh bắt mắt; các loại sách được sắp xếp và phân loại theo lứa tuổi; thiết kế các góc trò chơi, góc vẽ với bút màu, đất nặn... Ðó là mô hình Thư viện Thân thiện tại một số trường tiểu học vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh được đưa vào sử dụng từ năm học 2017 - 2018, tạo sự hứng thú với sách và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ bậc tiểu học.
Một không gian thoáng, đẹp với những màu sắc, hình ảnh bắt mắt; các loại sách được sắp xếp và phân loại theo lứa tuổi; thiết kế các góc trò chơi, góc vẽ với bút màu, đất nặn... Ðó là mô hình Thư viện Thân thiện tại một số trường tiểu học vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh được đưa vào sử dụng từ năm học 2017 - 2018, tạo sự hứng thú với sách và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ bậc tiểu học.
|
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Văn 3 hứng thú đọc sách ở Thư viện Thân thiện trong giờ ra chơi. Ảnh: T.H |
Khơi dậy niềm đam mê đọc sách
Giờ ra chơi ở Trường Tiểu học Đinh Văn 3 (huyện Lâm Hà), thay vì nô đùa ngoài sân với những trò đuổi bắt, nhiều học sinh tìm đến căn phòng được trang trí đầy màu sắc với dòng chữ nổi bật ngay trên cửa ra vào: “Chào mừng bạn đến với Thư viện Thân thiện”. Bên trong, nền được trải thảm xốp cùng những chiếc bàn thấp. Học sinh có em ngồi bệt xuống thảm, có em nằm chống cằm say sưa với quyển sách mình yêu thích.
Các kệ sách được sắp xếp theo mã màu thay cho những chiếc kệ sừng sững chất đầy sách bám bụi như nhiều thư viện truyền thống trước đây: kệ màu xanh lá cây dành cho học sinh lớp 1 với những quyển sách nhiều hình ảnh sinh động; kệ màu đỏ dành cho học sinh lớp 2 với sách nhiều câu từ hơn; kệ màu cam với các câu chuyện có hình ảnh minh họa dành cho học sinh lớp 3; kệ màu trắng dành cho lớp 4 với sách nửa trang hình ảnh, nửa trang câu từ; kệ màu vàng dành cho học sinh lớp 5 với truyện cổ tích, thần thoại; kệ màu xanh dương với truyện ngắn, truyện có nhiều chương dành cho học sinh lớp 4, 5…
Chốc chốc, vài học sinh cất sách, tìm đến góc trò chơi với những chiếc thẻ từ chơi trò Đố chữ, hay ra góc vẽ hý hoáy tô màu bức tranh. Mọi thứ không gò bó, thay vào đó là nụ cười của trò cùng sự hướng dẫn nhẹ nhàng của cô thủ thư…
Cầm quyển truyện “Người bạn thật sự” trên tay, Đinh Nguyễn Uyên Nhi - lớp 5A khúc khích cười khi đọc đến đoạn tâm đắc. “Mặc dù rất thích đọc sách nhưng trước đây, con ngại vào thư viện lắm, nhất là vào giờ ra chơi. Vì sách thì nhiều, khó tìm kiếm nên không đủ thời gian để đọc. Rồi chỗ ngồi không thoải mái nữa. Con thường nhờ mẹ chở ra nhà sách. Giờ đây, đến trường là con có thể đọc những quyển sách mình yêu thích. Con dễ dàng chọn được sách phù hợp bởi được phân loại cho lứa tuổi theo từng mã màu. Nếu đọc chưa xong, con có thể mượn về nhà đọc tiếp. Ngoài đọc sách, vào đây con có thể chơi các trò chơi để giải trí sau giờ học trên lớp”, Uyên Nhi hào hứng.
“Đó cũng là mục đích của các Thư viện Thân thiện do Room to Read tài trợ. Chúng tôi muốn tạo cho các em một môi trường đọc sách thật sự gần gũi để các em thấy thoải mái khi đến đây. Từ đó, tạo cho các em thói quen đọc tự nguyện, thích thú và thường xuyên cả ở trường và ở nhà. Như vậy mới có thể khơi dậy niềm đam mê đọc sách của học sinh, điều mà giờ đây thời đại công nghệ thông tin với văn hóa nghe, nhìn lấn át văn hóa đọc, làm cho nhiều người, đặc biệt là học sinh xa dần thói quen đọc sách”, bà Nguyễn Thị Diệu Nương - Giám đốc tổ chức Room to Read tại Việt Nam chia sẻ.
Xây dựng văn hóa đọc cho học sinh
Năm học 2017 - 2018, Tổ chức phi chính phủ xuất phát từ Mỹ Room to Read tài trợ xây dựng 10 Thư viện Thân thiện cho 10 trường tiểu học vùng sâu, vùng xa tại hai huyện Lâm Hà và Bảo Lâm của Lâm Đồng. Trong hai năm học tới 2018 - 2019 và 2019 - 2020, Room to Read sẽ tiếp tục tài trợ thêm 20 Thư viện Thân thiện tại 20 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Lâm Đồng là địa phương thứ 15 trên cả nước và Việt Nam là quốc gia thứ 2, sau Nepan được Room to Read tài trợ chương trình này.
Mỗi Thư viện Thân thiện được tài trợ với giá trị khoảng 100 triệu đồng trong thời gian 3 năm 8 tháng, gồm sách, bàn thấp, kệ sách, thảm xốp, góc trò chơi cùng các trang thiết bị trang trí thư viện. Trong thời gian thực hiện dự án, mỗi năm, Room to Read sẽ bổ sung thêm các đầu sách mới cho các Thư viện Thân thiện và cử người đến hỗ trợ thêm hoạt động của thư viện.
Trước khi đưa Thư viện Thân thiện vào hoạt động, Room to Read phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tập huấn cho các trường tiểu học được tài trợ các nội dung như: kỹ năng thiết lập và quản lý thư viện; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thư viện; cách tổ chức các tiết đọc tại thư viện; hướng dẫn cách phân loại và sắp xếp sách theo mã màu phù hợp với trình độ đọc của học sinh; hoạt động duy trì bền vững thư viện.
Đặc biệt, mô hình Thư viện Thân thiện đã huy động được sự tham gia của cộng đồng. Thầy Nguyễn Doãn Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Văn 3 cho biết: nhà trường đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và huy động sự tham gia của phụ huynh cũng như các mạnh thường quân tiến hành cải tạo, nâng cấp, trang trí, sắp xếp phòng đọc thư viện khang trang, sạch đẹp.
Bà Diệu Nương cho hay: các trường có Thư viện Thân thiện sẽ tổ chức các tiết đọc thư viện. Theo đó, hàng tuần, mỗi lớp sẽ tổ chức một tiết đọc trong thư viện. Giáo viên chủ nhiệm cùng nhân viên thư viện hướng dẫn học sinh đọc sách theo chủ đề qua bốn hình thức: đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân; đồng thời, hướng dẫn học sinh cách chọn sách cũng như cất sách theo đúng vị trí… Cùng với các tiết đọc là việc tổ chức các hoạt động mở rộng như kể lại câu chuyện bằng cách sắm vai các nhân vật để học sinh khắc sâu nội dung câu chuyện đã đọc. Ngoài ra, các em còn được cho mượn sách về nhà để cùng đọc với người thân và cùng chia sẻ những điều hay từ sách. Việc làm này nhằm khuyến khích học sinh đọc sách, qua đó, tạo thói quen đọc sách cũng như biết giữ gìn sách cẩn thận, từng bước xây dựng văn hóa đọc cho học sinh và phong trào đọc sách trong nhà trường.
Ông Nguyễn Ðức Hữu -Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDÐT: “Giúp học sinh hình thành nhân cách, đạo đức”
Đối với học sinh tiểu học, bên cạnh những bài học do thầy cô giảng dạy, thì những câu chuyện cổ tích với hình ảnh bà tiên, ông bụt cũng như những nhân vật nhân hậu, biết yêu thương giúp đỡ nhau sẽ mang tính giáo dục đạo đức cho các em. Qua đó, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống trong cuộc sống. Những quyển sách được lựa chọn đưa vào tủ sách phòng đọc thư viện nhà trường nói chung và Thư viện Thân thiện theo dự án Room to Read nói riêng được xem như món ăn tinh thần mang đậm tính giáo dục, giúp các em mở mang kiến thức, trau dồi vốn sống, khám phá biết bao điều mới lạ, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức cho các em.
Ông Trần Ðức Lợi - Phó Giám đốc Sở GDÐT Lâm Ðồng: “Học sinh vùng sâu, vùng xa có cơ hội tìm kiếm tri thức”
Thông qua chương trình này, tạo cho học sinh có cơ hội tìm kiếm tri thức, tiếp cận sách báo nhiều hơn, từ đó, xây dựng văn hóa đọc, tạo đam mê đọc sách cho học sinh cũng như phát triển văn hóa đọc trong trường học. Sau khi kết thúc dự án, Sở GDĐT sẽ chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thành phố học hỏi và mở rộng mô hình này tại các trường tiểu học trong toàn tỉnh bằng việc huy động xã hội hóa.
Chị Hà Thị Khuyên - Nhân viên thư viện Trường Tiểu học Ðinh Văn 3: “Thư viện Thân thiện hoạt động thuận lợi hơn”
Việc sắp xếp sách theo mã màu giúp cho công việc quản lý thư viện thuận tiện hơn, từ đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của học sinh. Thư viện Thân thiện cũng thu hút học sinh nhiều hơn vì các em dễ dàng tìm sách theo trình độ đọc. Đặc biệt các tiết đọc tại thư viện giúp học sinh ham đọc sách hơn, trong đó, việc hướng dẫn các em lấy sách, trả sách đúng vị trí, giữ gìn sách cẩn thận cũng giúp các em thêm yêu quý sách, đồng thời, làm cho thư viện gọn gàng, ngăn nắp.
Ông Ðỗ Văn Duy - Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Ðinh Văn 3: “Phụ huynh cùng con nâng cao văn hóa đọc”
Thư viện Thân thiện cho học sinh mượn sách về nhà đọc, tạo điều kiện để phụ huynh có thể tra cứu sách giúp con học tập tốt hơn, cùng con chia sẻ các câu chuyện hay, ý nghĩa, qua đó, hỗ trợ việc giáo dục con cái trong gia đình. Tùy vào từng học sinh, phụ huynh sẽ hướng dẫn con chọn cho mình quyển sách phù hợp với lứa tuổi, với trình độ đọc.Từ đó, mở mang tầm hiểu biết cho con, cả phụ huynh và học sinh cùng đọc sách để nâng cao văn hóa đọc.
T.HƯƠNG (Thực hiện)
|
TUẤN HƯƠNG