CN, 13/04/2025, 04:2

Xây dựng trường chuẩn quốc gia ở huyện nghèo

09:10, 27/10/2017

Ðam Rông tuy là huyện nghèo thế nhưng những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng sự quyết tâm của các trường trên địa bàn nên việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt nhiều tín hiệu khả quan.

Ðam Rông tuy là huyện nghèo thế nhưng những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng sự quyết tâm của các trường trên địa bàn nên việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt nhiều tín hiệu khả quan.
 
Những tín hiệu khả quan
 
Từ năm 2011 đến nay, bằng nhiều nguồn lực, Đam Rông đầu tư 70 tỷ đồng để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến năm học 2017-2018, huyện Đam Rông có 10/34 trường đạt chuẩn. Các trường đang củng cố giữ vững và nâng cao chất lượng của từng tiêu chí trường chuẩn, đảm bảo duy trì đạt chuẩn trong thời gian tới. 
 
Thầy Phan Văn Diễn, Hiệu trưởng Trường THCS Liêng Trang, xã Đạ Tông cho biết, trường được thành lập năm 2009 trong điều kiện hết sức khó khăn là phải chung cơ sở vật chất với Trường THPT Đạ Tông. Từ năm 2014 đến nay, trường được đầu tư xây mới 12 phòng học, các phòng chức năng, hàng rào, sân thể thao… Bên cạnh đó, nhà trường tập trung nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, chất lượng học tập nhằm đáp ứng đủ điều kiện của một trường chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Liêng Trang trở thành trường THCS đầu tiên của huyện đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, đây là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên của nhà trường; qua đó khẳng định chất lượng cũng như vị thế của trường; các bậc phụ huynh càng tin tưởng và an tâm khi cho con em theo học. Nhận thức được việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã khó, việc duy trì càng khó hơn nên tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường không ngừng nỗ lực trong mọi hoạt động, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ để tiếp tục khẳng định vị trí trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.
 
Theo đánh giá của cô Bùi Thị Là, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, tại các trường đạt chuẩn, các thầy cô giáo thực hiện giảng dạy tốt hơn, giờ dạy của giáo viên đạt loại khá, giỏi tăng từ 20-26% so với trước đó. Đồng thời, học sinh ở trường đạt chuẩn chăm ngoan hơn, ý thức giữ gìn vệ sinh, làm đẹp trường lớp được nâng cao. Kết quả xếp loại học lực, hạnh kiểm ở những trường đạt chuẩn so với những năm học trước đều tăng lên: có 5,6% đạt học sinh giỏi; gần 33,1% học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, tỷ lệ học sinh yếu giảm còn 4,2%... Việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn của các trường. Kết quả và chất lượng giáo dục hằng năm đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân về việc chăm lo đầu tư cho việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương, các nhà trường.
 
Cô Là cũng cho biết, để đạt được thành công trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, từ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đến sự ủng hộ của các ngành, các cấp và đông đảo người dân.
 
Vẫn còn đó khó khăn?
 
Thực tế, các trường trong huyện đều là những đơn vị giáo dục khó khăn. Đa số các trường còn thiếu nhiều điều kiện cần thiết để đạt chuẩn quốc gia như cơ sở vật chất, các phòng học, phòng đa chức năng, khuôn viên, trang thiết bị đồ dùng dạy học của một số trường đã xuống cấp hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. 
 
Nguồn lực tài chính của các địa phương hạn hẹp, đời sống người dân còn thiếu thốn nên việc huy động kinh phí xây dựng cơ sở vật chất trường học gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục của xã chủ yếu dựa vào kinh phí của Nhà nước. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí trường học đạt chuẩn quốc gia đặt ra ngày một cao, nhất là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
 
Có thể nói, phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được đẩy mạnh trên địa bàn huyện và tác động mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Để nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường, trong thời gian tới, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở vẫn đang nỗ lực tập trung chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tăng cường mọi nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực để đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học theo hướng chuẩn hóa; gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia với tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả nội dung này. 
 
HOÀNG YÊN