Thông qua việc phát huy dân chủ cơ sở, thành phố Ðà Lạt đã huy động sức dân cùng chung tay xây dựng 4 xã vùng ven trên địa bàn thành xã nông thôn mới.
Thông qua việc phát huy dân chủ cơ sở, thành phố Ðà Lạt đã huy động sức dân cùng chung tay xây dựng 4 xã vùng ven trên địa bàn thành xã nông thôn mới (NTM).
|
Người dân đang thi công đường bê tông trong thôn tại xã Tà Nung - Đà Lạt. Ảnh: G.K |
Dân góp trên 32 tỷ đồng xây dựng NTM
Với 4 xã nông thôn ở vùng ven đô (cùng 12 phường trong nội thị), Đà Lạt bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010. Xuân Trường - một trong 4 xã của Đà Lạt thời điểm đó được chọn làm xã thí điểm cấp tỉnh; 3 xã còn lại gồm Xuân Thọ, Tà Nung, Trạm Hành cũng được Đà Lạt khởi động sau đó.
Trong thời điểm bắt đầu, Xuân Trường đã đạt 14/19 tiêu chí; Xuân Thọ đạt 10/19 tiêu chí; Trạm Hành đạt 9/19 tiêu chí và thấp nhất là Tà Nung - xã với đông cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, chỉ đạt 7/19 tiêu chí.
Tính trong giai đoạn 2010-2016, khi cả 4 xã đều đã về đích NTM trong cuối năm 2015, Đà Lạt đã huy động trên 102,8 tỷ đồng để đầu tư cho hệ thống giao thông nông thôn, điện, hội trường thôn, chợ, khu thể thao, xây nhà tình nghĩa cùng phát triển các chương trình sản xuất ở 4 xã nói trên, trong đó kinh phí nhà nước chi ra 65,2 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 32,6 tỷ đồng và cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ 4,9 tỷ đồng.
Cụ thể, đã có trên 46 km đường liên thôn, ngõ xóm, đường nội đồng được bê tông hóa tại 4 xã với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước 57,8 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 21,3 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Người dân 4 xã đã hiến tổng cộng 1,5 ha đất sản xuất cho việc mở đường, góp khoảng 5.000 công cho việc làm đường sá và các công trình công cộng.
Để chiếu sáng đường làng, người dân 4 xã đã đóng góp 2,1 tỷ đồng để làm 20 công trình đường điện công cộng lẫn phục vụ sản xuất; để xây 8 hội trường thôn, dân đã đóng góp trên 1,7 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 420 triệu đồng. Người dân cũng góp 464 triệu đồng trong tổng số vốn gần 1 tỷ đồng để xây 28 căn nhà tình nghĩa, doanh nghiệp hỗ trợ 450 triệu đồng và kinh phí Nhà nước 90 triệu đồng. Trong tổng số 11 tỷ đồng cho các chương trình phát triển sản xuất với gần 2.000 nông hộ tham gia, Nhà nước hỗ trợ trên 5,8 tỷ đồng, số tiền còn lại là vốn đối ứng của dân.
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách, chính quyền Đà Lạt còn đầu tư nhiều công trình dân sinh khác trên địa bàn, như xây mới và nâng cấp hồ Phát Chi (xã Trạm Hành); hồ Thành Lộc (xã Xuân Thọ); hồ Đất Làng (xã Xuân Trường) và nạo vét hồ Lộc Quý (xã Xuân Thọ); xây mới các trường học, trụ sở UBND xã, xây các cây cầu trên địa bàn...
Cùng góp sức cho công cuộc xây dựng NTM, người dân 4 xã cũng tự đầu tư các công trình như kho lạnh, nhà lưới, nhà kính để trồng rau, hoa với ước tính khoảng 850 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Tính đến cuối năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo tại 4 xã vùng ven Đà Lạt đã giảm nhanh, xã Xuân Thọ chỉ còn 0,41% hộ nghèo trong cộng đồng, Xuân Trường còn 0,65%, Trạm Hành còn 0,17% và Tà Nung còn 1,74%. Đồng thời, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế ở các xã này đều đạt trên 70%, nếu tính đến hết quý 2/2017 số người dân tham gia bảo hiểm y tế tại Xuân Thọ đã đạt 78,4%; Xuân Trường đạt 91,74%, Trạm Hành đạt 82,73% và Tà Nung đạt 70,12%. Hầu hết các chỉ số khác trong bộ tiêu chí NTM đều đạt và vượt.
Một cuộc rà soát theo các tiêu chí mới về NTM và xã văn hóa NTM giữa năm 2017 vừa qua cho thấy cả 4 xã ven đô Đà Lạt trên đều đạt. Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao một số tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững, chẳng hạn như tiêu chí về liên kết tiêu thụ sản phẩm và cần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên cao hơn.
Phát huy dân chủ cơ sở
Trong suốt quá trình xây dựng NTM tại 4 xã vùng ven này, Đà Lạt luôn chú trọng phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường sự giám sát của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”.
Đối với các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, thành phố chỉ đạo cho các xã tổ chức họp dân từng thôn để lựa chọn công trình cần thi công, sau đó tổng hợp gửi lên cấp trên. Khi có chủ trương đầu tư của thành phố, xã lập dự toán thi công theo thiết kế mẫu và tiến hành họp công khai chi tiết công trình để người dân đóng góp ý kiến, trong đó cụ thể chi tiết nguồn vốn nhà nước và nhân dân đóng góp.
Với những hộ nghèo và cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ trương chung chỉ góp công lao động, góp vật tư xây dựng, hoặc có thể từng bước trả dần tiền đối ứng; nhiều nơi đã phát huy tình làng nghĩa xóm để kêu gọi cộng đồng hỗ trợ cho các hộ này. Với những hộ nghèo, người già neo đơn, bệnh tật được miễn tiền đóng góp.
Sau khi công trình được phê duyệt, người dân trong cộng đồng sẽ bầu ra tổ vận động, tổ giám sát, đơn vị thi công, đơn vị cung cấp vật tư. Các tổ giám sát cộng đồng này có trách nhiệm giám sát quá trình thi công, lắng nghe ý kiến người dân phản ảnh, đảm bảo công trình thi công đạt tiến độ, đảm bảo chất lượng; khi thấy có vấn đề phải báo cáo về xã để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, xã gửi văn bản đến thôn để thôn thông báo đến người dân đăng ký chương trình, thôn tổng hợp danh sách người dân có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện chương trình để gửi xã. Căn cứ vào cuộc họp thống nhất với các thôn, sau đó xã ra văn bản thông báo đến các hộ dân những ai được chọn và ai không được chọn.
Thành phố cũng yêu cầu các xã niêm yết công khai tất cả các nội dung liên quan đến quyết toán thu, chi các loại quỹ do người dân đóng góp, các khoản đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm, dự toán thu, chi ngân sách, kê khai các công trình, dự án, giá cả bồi thường, hỗ trợ theo quy định để người dân biết.
Một trong những bài học kinh nghiệm mà Đà Lạt rút ra trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn trong giai đoạn 2010-2016 vừa qua chính là việc khẳng định, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân trên địa bàn thực sự làm chủ thể; phát huy vai trò tích cực của các thôn, coi đây là yếu tố quyết định thành công của chương trình. Cùng với việc thực hiện tốt công tác vận động, Đà Lạt đã phát huy được tính chủ động của người dân trong cộng đồng, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích của người dân trong lựa chọn công trình đầu tư cũng như trong đánh giá kết quả thực hiện chương trình ở địa phương.
GIA KHÁNH