Tận tâm với nghề, hết mình với công việc, không ngừng nỗ lực vươn lên, các thầy cô giáo này xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu cho giáo dục vùng sâu Cát Tiên.
Tận tâm với nghề, hết mình với công việc, không ngừng nỗ lực vươn lên, các thầy cô giáo này xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu cho giáo dục vùng sâu Cát Tiên.
Người có “duyên” với các hội thi
|
Cô giáo Phan Thị Loan. Ảnh: K.P |
Dù gia đình quê gốc ở Hà Tĩnh vào lập nghiệp trên quê mới Cát Tiên từ năm 1986, nhưng với cô giáo Phan Thị Loan (sinh 1992), cô luôn coi Cát Tiên là quê nhà vì đây là nơi cô sinh trưởng. Hiện cô đang dạy học tại trường Mầm non Liên xã Quảng Ngãi - Tư Nghĩa.
Bằng nụ cười tươi, duyên dáng, giọng nói nhẹ, cô Loan kể về ước mơ từ thời trẻ của mình, đó là việc muốn trở thành cô giáo dạy mầm non vì gần nhà cô có một trường mẫu giáo - nơi cô từng được nuôi dạy ở đó với những cô giáo hiền dịu như người mẹ của mình. Và rồi khi trở thành một cô giáo dạy trẻ thực thụ, cô mới thấy rất nhiều thử thách đang chờ đợi mình: “Nghề nào cũng có những cái khó riêng của nó. Dạy trẻ cũng vậy, cũng có rất nhiều khó khăn mà một giáo viên mới vào nghề phải yêu nghề, nếu không rất dễ nản” - cô Loan tươi cười.
Từ tình yêu nghề đó, cô luôn coi những đứa trẻ trong lớp như con mình, cô chăm sóc chúng tận tình, từ ăn uống, sinh hoạt vui chơi đến dạy học, từng bước tạo niềm tin cho phụ huynh khi gửi con.
Với sự nhiệt tình của một cô giáo trẻ, cô Loan tích cực tham gia các hoạt động của trường, tổ chức cho các em tham gia các nội dung như ngày hội đến trường, lễ hội trăng rằm, ngày hội măng non, múa hát văn nghệ, cho các em tham gia trang trí lớp; cô hào hứng thi làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tham gia lên tiết dạy chuyên đề cấp trường và cấp huyện.
Sau 2 năm dạy học ở trường, cô Loan đã là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, là một trong những giáo viên của trường đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin cho dạy học.
Trong năm học 2016-2017 vừa qua, khi được nhà trường cử đi dự Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm trẻ cấp huyện và cấp tỉnh sau đó, cô đã có kết quả rất tốt trong cả 2 hội thi này. Đặc biệt, khi tham gia Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” của huyện, cô đã giành giải nhất; tại vòng thi cấp tỉnh, là đại diện cho Giáo dục Cát Tiên, cô lọt vào vòng chung kết và xuất sắc giành giải ba.
Dạy học bằng tình thương
|
Cô giáo Nguyễn Thị Yên. Ảnh: K.P |
Năm nay 48 tuổi (sinh năm 1969), cô giáo Nguyễn Thị Yên đã có 21 năm gắn bó với bậc tiểu học của Giáo dục Cát Tiên. Người quê Nông Cống - Thanh Hóa, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt 1996, lúc đầu cô Yên về dạy học ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ngay tại thị trấn Cát Tiên, sau đó có hơn 10 năm vào dạy học ở Tiểu học Mỹ Đức trong vùng sâu và gần đây, năm 2012 cô mới chuyển về Tiểu học Phù Mỹ - thị trấn Cát Tiên làm Tổ trưởng khối lớp 2 và khối lớp 3.
Trong câu chuyện của mình, cô Yên kể với chúng tôi những kỷ niệm vui về những ngày cô đi dạy trong vùng sâu: “Học sinh nông thôn vùng sâu chịu rất nhiều thiệt thòi, mùa mưa đi lại khó khăn, đường lầy lội, có em phải mất 2 tiếng đi bộ mới đến lớp, nhiều gia đình nghèo, các em còn rất thiếu thốn, nhà trường cùng thầy cô giáo phải tìm cách giúp đỡ để các em ngày ngày được đến trường. Tuy nhiên, hầu hết các em đều rất tình cảm, mến thầy thương bạn” - cô Yên nhớ lại.
Những năm tháng gắn bó với mái trường, cô Yên luôn tận tâm với công việc, với nghề nghiệp, thương yêu học trò như con mình. Trong lúc dạy, cô luôn luôn chú ý dành thời gian nhiều hơn cho những em học yếu để động viên giúp đỡ các em theo kịp bạn; phát hiện những học sinh giỏi, có năng khiếu, có khả năng trong lớp để giúp các em phát triển.
Điểm nổi bật ở người giáo viên tận tụy này chính là tinh thần chịu khó học hỏi. Giờ rảnh cô lại “ôm” máy tính để nắm bắt những điểm mới về công nghệ thông tin rồi ứng dụng trong dạy học, sẵn sàng đổi mới cách dạy theo các phương pháp mới. “Không học thì mình bị tụt hậu so với lớp trẻ nhanh lắm” - cô cười. Nhiệt thành với đồng nghiệp, cô sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, với giáo viên trẻ mới vào nghề trong trường.
Trong năm học 2016-2017 vừa qua, cô đã phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu để từ đó 2 học sinh đoạt giải cuộc thi giải toán qua mạng cấp huyện, 1 học sinh đạt giải toán qua mạng cấp tỉnh, 1 học sinh đoạt giải nhì Cuộc thi “Chúng em kể chuyện về Bác”. Giải pháp “Làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 2 theo mô hình trường học mới” của cô trong năm học qua cũng được Hội đồng thi đua khen thưởng của ngành Giáo dục Cát Tiên đánh giá rất cao. Khi dự thi Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” cấp cụm, cô đoạt giải ba.
Trong 21 năm dạy học, cô Yên có nhiều năm liền là giáo viên giỏi cấp huyện, nhiều lần đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh; năm học vừa qua cô là giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện cùng giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh; nhiều năm liền cô nhận giấy khen, bằng khen của tỉnh và huyện. Với cô, dạy học luôn là nghề cao quý “Khi mình làm việc bằng niềm vui thì khó khăn mấy cũng vượt qua được” - cô vui cười.
Xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh
|
Thầy giáo Tống Văn Thiệp. Ảnh: K.P |
Người quê Nga Sơn, Thanh Hóa nhưng thầy giáo Tống Văn Thiệp đến nay hầu như đã gắn bó cả đời mình cho Giáo dục Cát Tiên.
Đó là năm 1984, khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thầy giáo trẻ Tống Văn Thiệp được phân công về công tác tại Cát Tiên. Từ đó đến nay thầy Thiệp đã dạy học và làm công tác quản lý ở rất nhiều ngôi trường trên địa bàn, từ Phổ thông cơ sở Quảng Ngãi, THCS Quảng Ngãi, THCS Đồng Nai, về Phòng Giáo dục huyện, rồi Hiệu trưởng Trường THCS Nam Ninh và hiện nay là Hiệu trưởng THCS Đồng Nai, ở đâu thầy cũng nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.
Như tại THCS Nam Ninh, với vai trò là Hiệu trưởng, thầy Thiệp đã cùng tập thể nhà trường đưa ngôi trường trong vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn này thành một điểm sáng về chất lượng dạy và học của huyện, vươn lên đạt chuẩn quốc gia trong năm 2016, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, có thư viện hoạt động xuất sắc, đồng thời duy trì xã Nam Ninh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Hiện nay là Hiệu trưởng của THCS Đồng Nai, thầy cũng góp sức không nhỏ để nhà trường hoàn tất các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia trong thời gian đến.
Trong suốt 33 năm công tác của mình, điều thay đổi lớn nhất của Giáo dục Cát Tiên theo thầy Thiệp chính là hệ thống trường lớp của huyện đã ngày càng được đầu tư bài bản, khang trang lên rất nhiều. “Ngày trước hầu như tranh tre nứa lá, còn nay toàn trường đẹp” - ông nói. Cùng đó là sự quan tâm của phụ huynh đến việc học hành của con em mình ngày càng nhiều hơn. “Nhiều học sinh cũ học hành trong những năm gian khó đó nay có không ít em thành đạt trong cuộc sống và nhiều em quay lại trường cũ chung tay hỗ trợ trường, giúp đỡ, tài trợ cho những học sinh khó khăn thế hệ sau cùng tiếp bước đến trường. Đó là điều mà một người đi dạy như tôi thấy hạnh phúc nhất” - ông tâm sự.
Là hiệu trưởng với kinh nghiệm quản lý lâu năm của mình, điều thầy Thiệp quan tâm nhất ở mỗi ngôi trường ông công tác chính là xây dựng một đội ngũ giáo viên vững mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức, chú ý xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng chất lượng giáo dục mũi nhọn để tạo bước đột phá cho huyện nhà.
Ông cũng là người rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong trường học. Với vai trò Bí thư chi bộ trường học kiêm Hiệu trưởng, trong nhiều năm nay ông đã giúp đỡ rất nhiều thầy cô giáo đứng vào hàng ngũ của Đảng, lãnh đạo chi bộ trường học đạt trong sạch vững mạnh.
GIA KHÁNH