CN, 06/04/2025, 07:9

Nhiều hộ nghèo đã khá

11:11, 16/11/2017

(LĐ online) - Lâm Đồng có trên 1,25 triệu người, trong đó 24% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã có những chuyển biến khá tích cực. Nhiều hộ nghèo nay đã là hộ khá... 

(LĐ online) - Lâm Đồng có trên 1,25 triệu người, trong đó 24% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Theo kết quả điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn đã có những chuyển biến khá tích cực. Nhiều hộ nghèo nay đã là hộ khá... 
 
Theo đó, 83% hộ sống bằng nghề nông với các loại cây trồng lâu năm như: Cà phê, tiêu, điều, hoặc cây ngắn ngày như rau, hoa, lúa, bắp. Trên địa bàn tỉnh, mỗi xã đều có trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở. Tỷ lệ con em người đồng bào đến trường là 83,3%. Phần lớn hộ đều có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố với gần 60%, đời sống ổn định. Nhiều hộ đã mua sắm các vật dụng cần thiết cho sản xuất và hưởng thụ văn hoá. Trong đó 59,3% hộ đã có tivi; 47,9%” hộ có xe máy, 15,3% hộ đã có máy cày và gần 9% hộ có máy xới. 
 
Đánh giá về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hộ khẳng định, họ đã được Nhà nước hỗ trợ đời sống vật chất cũng như tinh thần. Đặc biệt 32,6% người được hỏi trả lời rằng họ được cho vay vốn ưu đãi; 18,9% trả lời được hướng dẫn kỹ thuật; 31,1% được hỗ trợ cây, con giống. Tuy chưa cao nhưng con số trên đã cho thấy sự đồng bộ của các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số... Riêng về đời sống tinh thần, do các hộ khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở vùng sâu, vùng xa, nên việc hưởng thụ văn hoá tập trung vào các phương tiện truyền thông cơ bản là Tivi: 74,5%; loa truyền thanh 63,1%. Đây là hai kênh truyền thông quan trọng, giúp cho việc đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. 
 
Nhận diện hạn chế, khó khăn 
 
Hạn chế đầu tiên là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước chưa được phổ biến rộng khắp và đồng bộ, nhất là các chính sách hỗ trợ vốn vay, giống cây con, kỹ thuật canh tác, khoa học kỹ thuật, giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và nhất là đầu ra cho nông sản. Nhiều hộ, vẫn còn có tâm lý ỷ lại vào nhà nước. Đáng lưu ý là việc nhà nước đã cấp đất cho đồng bào để sản xuất, nhưng một số hộ đã bán lại cho người kinh, rồi vào rừng khai thác lâm sản, hoặc đi làm thuê, đời sống bấp bênh. Tỷ lệ người không có đất theo kết quả điều tra chiếm 13,5%. Đây là số đối tượng cần lưu ý, có giải pháp vận động, giáo dục, nâng tầm nhận thức vì nếu không thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ tiếp sau...
 
Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số thường gắn với rừng và việc nhận khoán đất rừng sẽ góp phần không nhỏ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ 25,7% hộ đồng bào khó khăn, được nhận khoán đất rừng là quá thấp, chưa phát huy hiệu quả của chính sách này. Khẳng định rằng, việc giao khoán rừng cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đó là cách làm hay, vừa giải quyết việc làm, tận dụng và phát huy sức lao động của người đồng bào dân tộc, vừa hạn chế việc phá rừng làm nương rẫy, xoá đói giảm nghèo và bảo vệ rừng trước nạn “lâm tặc” đang hoành hành, vì vậy tỉnh cần rà soát lại công tác giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc mà đời sống còn khó khăn, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức phí trả công quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân sao cho phù hợp hơn với thực tế, vì hiện nay, người nhận khoán rừng chỉ được trả từ 350.000 – 500.000/ ha/ năm. Con số này là khá thấp so với thời giá hiện hành và công sức lao động...
 
Cần có nghị quyết chuyên đề 
 
Hiện nay, 83,3% hộ được hỏi trả lời rằng nhu cầu phát triển sản xuất của các hộ đồng bào ở những nơi còn khó khăn, chủ yếu tập trung vào vốn; 63,2% nhu cầu công cụ lao động hiện đại, phân bón, thuốc trừ sâu; 58,5% có nhu cầu hướng dẫn cách thức làm ăn; 59,4% nhu cầu về tiêu thụ sản phẩm ổn định; 52,4% số hộ có nhu cầu về đất canh tác. Đây là những gợi ý hết sức quan trọng để Đảng bộ tỉnh, các cơ quan chức năng lưu ý, tập trung vào các chính sách hỗ trợ, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thực tiễn của các hộ đồng bào đời sống còn khó khăn, đảm bảo các điều kiện ổn định sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng đời sống, tiếp tục giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng. 
 
Theo kết quả điều tra cho thấy, hiện tại chỉ có 22% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chỉ nơi khó khăn) còn thiếu ăn, không ít hộ nghèo nay đã thành hộ khá. Con số này thực sự khá hanh thông cho tỉnh trên con đường tiến tới mục tiêu, giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; đảm bảo an sinh, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân ở các địa bàn nghèo. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin). Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 4,8%, không còn xã trên 20% hộ nghèo.
 
Từ kết quả điều tra xã hội học, từ mục tiêu phấn đấu, thiết nghĩ, Thường trực Tỉnh ủy nên tổ chức hội nghị chuyên đề, nhằm đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ nguyên nhân; đề ra các giải pháp thiết thực, thúc đẩy có hiệu quả chương trình cải thiện và nâng cao “đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn” trong lộ trình xóa nghèo bền vững từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020. 
 
Lê Văn Tòa