Từ hạng chung loại "Khá" về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Lâm Ðồng đặt ra mục tiêu thăng hạng loại "Tốt" ngay từ năm 2017 và những năm tiếp theo. Ðây là kỳ vọng và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ðoàn Văn Việt vào đầu tháng 11/2017 với kế hoạch đến năm 2020.
Từ hạng chung loại “Khá” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Lâm Ðồng đặt ra mục tiêu thăng hạng loại “Tốt” ngay từ năm 2017 và những năm tiếp theo. Ðây là kỳ vọng và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Ðoàn Văn Việt vào đầu tháng 11/2017 với kế hoạch đến năm 2020.
|
Hoạt động “Một cửa” tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Ảnh: M.Đ |
Bốn tiến bốn lùi
Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI của tỉnh Lâm Đồng trong 4 năm (2013 - 2016) có điểm năm sau cao hơn năm trước và vị thứ xếp hạng chuyển biến tích cực, và đều nằm nhóm xếp hạng chung loại “Khá”. Tuy nhiên, năm 2016, so với năm 2015, điểm số PCI lại giảm 0,38 điểm và vị thứ xếp hạng giảm 6 bậc (27/63 tỉnh, thành phố). Tuy nhiên, đáng vui là trong năm 2016 tỉnh có 4 chỉ số thành phần cải thiện cả vị trí và điểm số, gọi là tiến. Gồm: chỉ số “Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin”, tỉnh Lâm Đồng đạt 6,80 điểm, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (tăng 0,35 điểm và 13 bậc so năm 2015), xếp thứ nhất các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, đạt 6,72 điểm, xếp thứ 26/63 (tăng 0,13 điểm và 6 bậc so năm 2015), xếp thứ 2 các tỉnh Tây Nguyên; “Chi phí không chính thức”, đạt 5,42 điểm (tăng 0,49 điểm và 6 bậc so năm 2015, xếp thứ 28/63, thứ nhất ở khu vực Tây Nguyên và cuối cùng là “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh”, đạt 4,98 điểm (tăng 0,77 điểm và 19 bậc so năm 2015), xếp thứ 29/63 và thứ 2/5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài ra, so với năm 2015, năm 2016, chỉ số “Thiết chế pháp lý” đã cải thiện được vị trí xếp hạng (22/63, tăng 6 bậc), nhưng giảm điểm số 5,70 điểm với 0,16 điểm; chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” tăng điểm (0,09 điểm) nhưng giảm vị trí xếp hạng (20/63, giảm 2 bậc); xếp thứ 3 ở Tây Nguyên. Đặc biệt, có 04 chỉ số thành phần thụt lùi, giảm cả điểm và vị trí xếp hạng so với năm 2015. Đó là: “Chi phí gia nhập thị trường” giảm 0,03 điểm và giảm 11 bậc (51/63), đứng thứ 4/5 tỉnh Tây Nguyên; “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” giảm 0,74 điểm và giảm 27 bậc (48/63), xếp thứ 4/5 tỉnh Tây Nguyên. Cùng đó có 02 chỉ số có trọng số cao (20%) là: “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” giảm 0,46 điểm và giảm 15 bậc (48/63), xếp thứ 4 khu vực Tây Nguyên và “Đào tạo lao động” giảm 0,33 điểm và 23 bậc (43/63), xếp thứ 3 các tỉnh Tây Nguyên.
Làm gì để cải thiện quyết liệt?
Kết quả điểm số và thứ hạng PCI chung của tỉnh Lâm Đồng năm 2016 là chưa đạt mức độ cải thiện theo kỳ vọng của tỉnh. UBND tỉnh đã phân tích, đánh giá cụ thể những nguyên nhân của từng chỉ số thành phần. Nhất là các chỉ số ảnh hưởng đến tụt điểm, tụt hạng cùng những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Để cải thiện, nâng cao chỉ số PCI năm 2017 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, “giai đoạn 2017-2020, tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp cải thiện các chỉ số có trọng số lớn, quyết định và ảnh hưởng nhiều đến chỉ số PCI, như: (1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin (chiếm 20%); (2) Đào tạo lao động (chiếm 20%); (3) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (chiếm 20%); Chi phí không chính thức (chiếm 10%). Tích cực cải thiện các chỉ số giảm điểm hoặc có điểm số dưới trung bình như: (1) Chi phí gia nhập thị trường; (2) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; (3) Thiết chế pháp lý; (4) Đào tạo lao động; phấn đấu cải thiện điểm số các chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành “Tốt” trong thời gian ngắn nhất và tiếp tục duy trì, phấn đấu vào vị trí top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành dẫn đầu vào năm 2020”.
Theo đó, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Lâm Đồng năm 2017 và những năm tiếp theo với những mục tiêu cụ thể theo 10 chỉ số thành phần như sau. Về “Chi phí gia nhập thị trường”, nằm trong nhóm 30/63 địa phương năm 2017 và 10 địa phương tốt nhất vào các năm 2018-2020; “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, trong nhóm 25/63 địa phương năm 2017 và 10 địa phương tốt nhất các năm 2018-2020; “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” trong nhóm 5 địa phương tốt nhất của giai đoạn 2018-2020; “Chi phí thời gian thực hiện quy định Nhà nước” trong nhóm 15/63 địa phương năm 2017 và 10 địa phương tốt nhất các năm 2018-2020. “Chi phí không chính thức” trong nhóm 15/63 địa phương năm 2017 và nhóm 10 địa phương tốt nhất vào các năm 2018-2020; “Môi trường cạnh tranh bình đẳng”, cải thiện, tăng điểm số và phấn đấu trong nhóm 10 địa phương tốt nhất từ 2017 trở đi; “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, nằm trong nhóm 20/63 địa phương năm 2017 và nhóm 10 địa phương tốt nhất vào các năm 2018-2020. Với 2 chỉ số chiếm trọng số cao (20%), UBND tỉnh đặt ra mục tiêu đối với các sở, ngành, địa phương liên quan là cải thiện mạnh mẽ, tăng điểm số, phấn đấu trong nhóm 30 địa phương năm 2017 và nhóm 15 địa phương tốt nhất vào các năm 2018-2020, đó là “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và “Đào tạo lao động”. Cuối cùng là “Thiết chế pháp lý”, cải thiện mạnh mẽ, tăng điểm số, phấn đấu trong nhóm 15 địa phương năm 2017 và nhóm 10 địa phương tốt nhất vào các năm 2018-2020.
Muốn cải thiện được PCI của tỉnh một cách rõ rệt, và kết quả đạt được là thăng hạng chung xếp loại “Tốt”, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đổi mới tư duy, tâm huyết và quyết liệt về nhận thức, năng động và sáng tạo trong hành động. Để thực hiện thực sự có kết quả và chuyển biến tích cực, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt đã giao giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được phân công cho cơ quan, đơn vị mình.
MINH ÐẠO