Tôi từng nghe rồi tin lớp trẻ K'Ho ngày càng phai nhạt với văn hóa truyền thống. Thế nhưng, khi chứng kiến một nhóm thiếu nữ K'Ho tuổi còn rất trẻ ở Trường THCS Ðinh Trang Hòa I (huyện Di Linh) múa những điệu múa dân tộc, tôi phải thay đổi cách nhìn nhận, rằng tuổi trẻ K'Ho chưa hẳn đã lạnh nhạt với di sản ông bà, có điều các em đang tìm hướng thay đổi để thích ứng.
Tôi từng nghe rồi tin lớp trẻ K’Ho ngày càng phai nhạt với văn hóa truyền thống. Thế nhưng, khi chứng kiến một nhóm thiếu nữ K’Ho tuổi còn rất trẻ ở Trường THCS Ðinh Trang Hòa I (huyện Di Linh) múa những điệu múa dân tộc, tôi phải thay đổi cách nhìn nhận, rằng tuổi trẻ K’Ho chưa hẳn đã lạnh nhạt với di sản ông bà, có điều các em đang tìm hướng thay đổi để thích ứng.
|
Những “sơn nữ” biểu diễn điệu múa dân tộc đã được học từ mẹ, từ dì. Ảnh: T.C |
Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất nơi những người trẻ này là việc các em sử dụng khá thành thạo thiết bị công nghệ như smartphone, computer, ipad... để hỗ trợ cho việc tập luyện cũng như biểu diễn. “Thường thì tụi em vẫn dùng smartphone để tìm kiếm những gì liên quan đến múa dân gian K’Ho, rồi dựa theo đấy mà tập luyện. Những gì chưa hiểu, tụi em về nhà hỏi thêm ở mẹ và dì”, em Ka Tràng Thy (13 tuổi, học sinh Trường THCS Đinh Trang Hòa I) vừa diễn giải từng động tác cho cả nhóm múa hiểu vừa chia sẻ. Nói là về nhà hỏi mẹ và dì nhưng thực tế hiếm khi thấy em học sinh này hỏi. Bởi, những động tác múa trong bài Jôh Yàng Kuê mà Ka Tràng Thy đang diễn giải cho cả nhóm tập luyện để biểu diễn tại chương trình diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, em đã thuộc nằm lòng từ lúc mới lên 8 tuổi. “Từ nhỏ, em đã thấy mẹ và dì múa bài này trong các hội thi, hội diễn văn nghệ do giáo xứ, xã, huyện tổ chức. Thế là em múa theo nên tự nhiên thuộc. Sau đó, em chỉ lại cho các bạn cùng tập luyện” - em Ka Tràng Thy cho hay.
Trước khi tham gia nhóm múa này, Ka Thưng (13 tuổi, bạn học của Ka Tràng Thy) chưa hề biết gì về múa, nhưng em đã nhanh chóng làm chủ những động tác múa phức tạp và trở nên thuần thục. “Mặc dù kỹ thuật múa rất khó, đòi hỏi người múa phải tỉ mỉ, chăm chỉ tập luyện từ đốt tay, ngón tay đến những chuyển động cơ thể, chân... Tuy vậy, em rất thích múa” - em Ka Thưng tâm sự. Cũng từ niềm đam mê ấy, Ka Thưng đã không ngừng tập luyện để mỗi ngày làm dày thêm vốn văn hóa của ông bà để lại. Một thiếu nữ khác, em Ka Thồnh (13 tuổi, bạn cùng nhóm của Ka Tràng Thy) kể: “Em và bạn Ka Tràng Thy đã múa cùng nhau từ năm học lớp 6. Mỗi năm, tụi em lại chỉnh sửa những động tác múa một chút ít để cho nó đương đại hơn, hấp dẫn hơn”. Nói rồi, những đôi chân ấy, đôi tay ấy lại tiếp tục nhún nhảy, thi nhau phô diễn những vũ điệu đầy bản năng khát sống, rạo rực mang đậm dấu ấn Tây Nguyên. Theo em Ka Thồnh, việc các em sử dụng những điệu múa dân gian K’Ho có sẵn trên mạng Internet, kể cả âm nhạc cồng chiêng, để tập luyện và biểu diễn là vì ngay thế hệ của mẹ em, thế hệ 8X, việc tìm được một đội cồng chiêng để cùng tham gia tập luyện đã rất khó khăn, chứ nói gì đến thế hệ tụi em, sinh sau năm 2000.
Sự thiếu vắng khí cụ và nghệ nhân nam trẻ diễn tấu cồng chiêng đã vô hình chung làm cho mạng Internet trở thành từ khóa cho mọi vấn đề về tìm kiếm, tham khảo, tập luyện... các điệu múa dân gian K’Ho. Thậm chí, âm nhạc cồng chiêng dùng làm nhạc nền cho các điệu múa cũng được thu, phát từ các thiết bị số, hoặc âm nhạc điện tử. Tuy vậy, cái chính là chất Tây Nguyên vẫn không mất đi. Mà ở một chừng mực nào đó, nó còn mạnh mẽ, sâu lắng, dẫn dụ hơn. Chị Ka Trim (36 tuổi, mẹ của em Ka Tràng Thy) chia sẻ: Thấy con đam mê tập luyện những điệu múa dân gian của người K’Ho thì mình rất vui. Bởi lẽ, những nét đặc trưng của dân tộc mình nhờ đó mà sẽ không bị mất đi. Bản thân tôi cũng như nhiều chị em khác luôn tạo mọi điều kiện để cho con được học các điệu múa, từ việc chỉ dạy động tác, đến việc khuyến khích các con lập nhóm múa biểu diễn.
Các thiếu nữ K’Ho ở Trường THCS Đinh Trang Hòa I đã khơi gọi cho tôi thấy về ý thức nguồn cội, trong việc tìm lại và phát huy vốn văn hóa của ông bà, tích hợp với điều kiện công nghệ sẵn có, miễn sao căn tính dân tộc vẫn được giữ nguyên, bên cạnh đó vẫn thỏa mãn những yếu tố đương đại. Trong diễn trình ấy, chắc chắn không thể thiếu lòng đam mê.
TRỊNH CHU