Ðã có những quan niệm lạc hậu trong đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại qua bao đời, đến nay không còn phù hợp. Làm thế nào để bài trừ những hủ tục lạc hậu ấy là điều trăn trở của Trưởng Ban Ðoàn kết Công giáo huyện Lạc Dương Kra Jan Yòng Yẹ.
Ðã có những quan niệm lạc hậu trong đời sống nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số tồn tại qua bao đời, đến nay không còn phù hợp. Làm thế nào để bài trừ những hủ tục lạc hậu ấy là điều trăn trở của Trưởng Ban Ðoàn kết Công giáo huyện Lạc Dương Kra Jan Yòng Yẹ.
|
Tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa mới được xã hội tôn vinh (Trong hình là đám cưới tập thể của những người khuyết tật). Ảnh: N.T |
Thực tế, những năm qua, trong đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn còn những hủ tục, vấn nạn. Đó là tệ uống rượu diễn ra trong nhiều lứa tuổi, ở nhiều thời điểm trong ngày; hay lệ đi mời đám cưới kéo rông dài cả tháng, bởi khi có đám cưới bà con sẽ đi đến từng nhà để mời khách, nếu khách ở xa phải ở lại ăn cơm, uống rượu. Rông dài như vậy nên mỗi ngày chỉ mời được vài ba hộ, rất lãng phí về thời gian. Tục thách cưới, ăn uống linh đình kéo dài gây tốn kém và mất thời gian... Phát huy vai trò chức sắc của mình, Kra Jan Yòng Yẹ đã kết hợp cùng những người có uy tín trong cộng đồng vận động nhân dân trong thôn, buôn thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Để phát triển đời sống đồng bào, với riêng vấn đề dân số, vị chức sắc Công giáo Kra Jan Yòng Yẹ cùng nhiều vị già làng, người uy tín, bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể trong huyện, trong xã, trong thôn buôn, vùng có đạo thường xuyên tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh hai con để nuôi dạy con tốt, tránh quan niệm “Trời sinh voi, sinh cỏ”, “ mình đẻ - mình nuôi” cũng như tình trạng tảo hôn.
Thông qua các buổi sinh hoạt đạo vào ngày chủ nhật, vào các dịp lễ trọng, các vị linh mục giáo xứ, các chức sắc Công giáo đã vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con giáo dân; trực tiếp đi thăm hỏi, động viên bà con thực hiện theo nếp sống mới… Những việc làm ấy đã góp phần đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang. Bà con đã rút ngắn thời gian tổ chức đám cưới từ 2 - 3 ngày xuống chỉ còn 1 ngày. Những nghi thức cưới theo tục lệ dòng họ đã đơn giản hơn, chỉ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, địa phương. Tình trạng ăn uống linh đình trong lễ - hội cũng gần như được xóa bỏ.
Gắn các tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang với việc thực hiện các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông cùng các vị chức sắc, người có uy tín và chính quyền, đoàn thể địa phương đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, giải thích để chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc về văn hóa, tệ mê tín dị đoan tồn tại trong một bộ phận người dân tộc thiểu số; tuyên truyền người dân nghiêm túc trong thực hiện kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của pháp luật…
Ông cũng cùng với các vị chức sắc và MTTQ xây dựng và nhân rộng các mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, các mô hình sinh đẻ có kế hoạch, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong toàn xã hội.
Đến nay, hầu hết các thôn, buôn trong huyện Lạc Dương, nhất là vùng có đạo, vùng đông đồng bào DTTS, việc ma chay đã được nhân dân chấp hành đúng quy định của ngành Y tế, văn hóa và chấp hành nghiêm quy ước, hương ước được thôn văn hóa đề ra.
NGUYỆT THU