Từ những chính sách phù hợp, nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống bà con vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Các vấn đề trong phát triển con người cũng được quan tâm, trong đó có nội dung chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết để những thế hệ mới được sinh ra khỏe về sinh lực, giỏi về trí lực.
Từ những chính sách phù hợp, nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống bà con vùng đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt. Các vấn đề trong phát triển con người cũng được quan tâm, trong đó có nội dung chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết để những thế hệ mới được sinh ra khỏe về sinh lực, giỏi về trí lực.
|
Trẻ em cần được chăm lo để khỏe về thể chất, phát triển về trí lực (Trong ảnh: những đứa trẻ ở vùng sâu huyện Đam Rông). Ảnh: N.N |
Khảo sát về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Tháng 4/2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án “giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”. “Khi Đề án được phê duyệt, Ủy ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn thực hiện. UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án với tổng kinh phí trên 11,7 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí được trích từ nguồn ngân sách Trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù năm 2015, 2016 chưa được bố trí vốn song ngay từ tháng 10/2015, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và 12 huyện, thành trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2015-2020. Phạm vi thực hiện tại các thôn, buôn, địa bàn có đông đồng bào DTTS đang sinh sống, nhất là những nơi có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
“Riêng năm 2017, dự kiến vốn bố trí gần 1,96 tỷ đồng, hiện đã được bố trí 300 triệu đồng”, ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Do con số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết biến động liên tục qua các năm, bởi vậy hiện Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương khảo sát tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh để có số liệu chính xác nhất.
Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Trung ương, năm 2017, Lâm Đồng xây dựng và triển khai hai mô hình điểm. Đó là xã Đạ Quyn, huyện Đức Trọng; xã có 82% dân số là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, từ năm 2010 đến 2017 toàn xã có 51/291 cặp hôn nhân là tảo hôn, chiếm tỷ lệ 17,5%. Mô hình thứ hai tại Trường THCS & THPT Dân tộc nội trú liên huyện phía nam. Tại trường này, trong khoảng thời gian 2010 - 2017, đã có 13 trường hợp học sinh từ lớp 9 đến 11 bỏ học về nhà lấy chồng, lấy vợ. Kết quả thực hiện thí điểm tại hai mô hình này sẽ được tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai rộng khắp toàn tỉnh vào năm 2018.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh xảy ra 735 trường hợp tảo hôn và 25 trường hợp kết hôn cận huyết thống, dẫn đến 29 đứa trẻ sinh ra bị bệnh tật. Riêng giai đoạn 2015 đến nay, 12 huyện thành đã có số liệu khảo sát gửi về Ban Dân tộc tỉnh. Theo đó, Đà Lạt, Đạ Tẻh, Đạ Huoai là những địa phương không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Riêng tại Bảo Lộc không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết; có 5 trường hợp tảo hôn là người Cơ Ho, tuy nhiên sau khi đến tuổi các cặp vợ chồng này đã đăng ký kết hôn theo quy định. Còn lại các địa phương khác đều có tình trạng này. Trong đó tập trung tại một số địa phương như: Lạc Dương (tỷ lệ tảo hôn từ 3 - 4%, hôn nhân cận huyết từ 0,5 - 1%); Đơn Dương trong 3 năm có 106 cặp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết; Đức Trọng (tỷ lệ tảo hôn 6%); Di Linh (tảo hôn chiếm hơn 6%).
Thay đổi nhận thức là yếu tố quyết định
Ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết: “Con số tảo hôn, hôn nhân cận huyết năm 2017 đến thời điểm này (22 cặp) mặc dù đã giảm so với những năm trước song tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn diễn ra, để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, thể chất cũng như điều kiện kinh tế của gia đình. Hôn nhân cận huyết còn diễn ra chủ yếu do quan niệm hôn nhân cận huyết thống sẽ gần gũi, thân thiết, đặc biệt tránh được tình trạng chia của cho người ngoài. Còn tảo hôn xảy ra do trình độ dân trí của một bộ phận bà con còn thấp, nhận thức còn hạn chế nên kết hôn để có thêm nhân lực lao động, kết hôn sớm do nhu cầu sinh lý, do kiến thức về sức khỏe sinh sản còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay xuất hiện thêm nguyên nhân mới do các phương tiện truyền thông, nhất là internet phát triển nhanh, các trang thông tin đồi trụy xuất hiện nhiều và tiếp cận dễ dàng nên tác động lớn đến tâm, sinh lý của các đối tượng là trẻ vị thành niên. Bởi vậy nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn dai dẳng”.
Huyện nghèo Đam Rông hiện có trên 74% dân số là bà con DTTS với hơn 20 thành phần dân tộc cùng chung sống. Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Những năm gần đây, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã giảm so với nhiều năm trước song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh trở lại. Trong 3 năm (2015 - 2017) trên địa bàn huyện, tỷ lệ tảo hôn dao động từ 1,4 - 1,5% (13 cặp), tỷ lệ hôn nhân cận huyết từ 0,3 - 0,7% (2 cặp) trên tổng số cặp kết hôn. Thời gian qua, Đam Rông đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình thông qua việc ban hành các nghị quyết dựa trên đặc điểm tình hình của từng địa phương. Phát huy vai trò, vị trí của già làng, người có uy tín tại địa phương, công tác tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết được thực hiện ngay tại các nhà trường. Ngoài ra, công tác này còn được thực hiện thường xuyên thông qua các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy nên nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết dần có chuyển biến”.
Sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp đã phần nào đẩy lùi được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là tác động ở bên ngoài, là yếu tố khách quan. Còn sâu xa hơn, mang tính quyết định hơn vẫn phải là yếu tố chủ quan, tức là sự thay đổi từ chính nhận thức và hành động của người dân. Bởi thế công tác tuyên truyền, vận động vẫn là nhiệm vụ tiên quyết, lâu dài để dần thay đổi nếp nghĩ của bà con, đây là bước đi đầu tiên trong thực hiện Đề án” - ông Dơ Woang Ya Gương nói.
N. NGÀ