Thứ 6, 04/04/2025, 05:59

Đạ Huoai bước đầu giải tỏa thành công đất lâm nghiệp bị lấn chiếm

09:11, 17/11/2017

Sau hơn nửa tháng triển khai đợt cao điểm, huyện Đạ Huoai đã giải tỏa hơn trăm ha đất rừng bị phá và lấn chiếm trái phép. Để có được kết quả này, huyện Đạ Huoai mất gần nửa năm xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ này.

Sau hơn nửa tháng triển khai đợt cao điểm, huyện Đạ Huoai đã giải tỏa hơn trăm ha đất rừng bị phá và lấn chiếm trái phép. Để có được kết quả này, huyện Đạ Huoai mất gần nửa năm xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ này.
 
Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Ảnh: K.P
Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Ảnh: K.P
Làm tốt công tác chuẩn bị
 
Đạ Huoai là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của tỉnh với gần 31.500 ha; trong đó, có 24.541 ha rừng tự nhiên và hơn 7.000 ha rừng sản xuất. Những năm qua, Đạ Huoai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn vẫn diễn ra phức tạp không những gây thất thoát tài nguyên rừng mà còn tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
 
 Hàng năm, tại địa phương này xảy ra hàng chục vụ vi phạm lâm luật như khai thác rừng, phá rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép... gây thiệt hại hàng trăm m3 gỗ và hàng chục ha rừng, đất lâm nghiệp. Nằm trong kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm các hành vi phá rừng lấy đất, Đạ Huoai đã triển khai đợt cao điểm giải tỏa đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. Theo đó, huyện đã tiến hành giải tỏa tất cả các loại cây trồng, vật kiến trúc trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian từ tháng 2/2013 đến nay. Để thực hiện có hiệu quả công tác giải tỏa, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn cùng vào cuộc triển khai thực hiện.
 
Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng bộ tài liệu gồm các nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng để tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời, phối hợp với các chủ rừng và các địa phương tiến hành rà soát, thống kê và thông báo công khai diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép đến mọi người dân. Đối với các địa phương có rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật và trả lại đất lâm nghiệp.
 
Sau đó, đầu tháng 10/2017, huyện Đạ Huoai đã thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa và huy động tất cả các cơ quan, đơn vị trong huyện cùng tham gia thực hiện. Tại 10/10 xã, thị trấn cũng thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa để cùng phối hợp thực hiện. Ông Đào Xuân Nam, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, cho biết: “Diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cần giải tỏa đợt này thuộc lâm phận quản lý, bảo vệ của 2 chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Huoai do người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp và nằm trải rộng trên địa giới hành chính của 10/10 xã, thị trấn. Sau khi đánh giá tình hình thực tế tại các địa phương, Ban chỉ đạo nhận thấy tại một số xã như Phước Lộc, Đạ P’Loa và Đoàn Kết phần lớn diện tích do bà con đồng bào DTTS lấn chiếm. Vì vậy, quá trình giải tỏa cần được triển khai theo đúng trình tự, thủ tục với các biện pháp tốt, tránh xảy ra điểm “nóng”. Vì vậy, Ban chỉ đạo đã chọn xã Phước Lộc làm điểm, tiến hành giải tỏa và rút kinh nghiệm để thực hiện ở các xã, thị trấn còn lại”.
 
Công tác giải tỏa diễn ra thuận lợi
 
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nên quá trình giải tỏa diễn ra an toàn, thuận lợi theo đúng kế hoạch đề ra và không để xảy ra tình trạng chống đối, khiếu kiện của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình giải tỏa cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, do diện tích đất bị lấn chiếm manh mún, dàn trải. Cùng với đó, việc thống kê diện tích còn có sự chênh lệch, sai số. Sau 18 ngày triển khai (từ ngày 4 - 21/10), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Trịnh Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo giải tỏa đã huy động hơn 550 người cùng tham gia. Kết quả đã giải tỏa thành công 104,66 ha rừng, đất lâm nghiệp đã được người dân trồng gần 14.000 cây trồng (điều, cà phê, cao su...) và 4 lán trại. Trong đó, xã Đoàn Kết là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được giải tỏa lớn nhất với 34,2 ha; thị trấn Đạ M’ri có diện tích ít nhất với 0,19 ha. Các địa phương còn lại, có diện tích được giải tỏa từ 1,8 - 11,5 ha. Nếu tính theo đơn vị quản lý thì Công ty Lâm nghiệp Đạ Huoai có 82,87 ha và Ban quản lý rừng Nam Huoai có 21,79 ha đã được giải tỏa. Số diện tích sau khi giải tỏa được giao lại cho các chủ rừng quản lý. 
 
Ông Nguyễn Duy Lực, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho hay: “Để thực hiện tốt công tác giải tỏa, địa phương đã tiến hành xác minh các hộ lấn chiếm và phân công cán bộ xã đến tận nhà thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân giao lại đất; đồng thời, cho niêm yết công khai diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại UBND xã và hội trường các thôn để người dân theo dõi, nắm bắt. Nhờ vậy, sau 2 ngày thực hiện, toàn bộ 9,09 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm được giải tỏa xong mà không vấp phải sự chống đối nào của người dân”.
 
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, đợt giải tỏa lần này đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra và thu được kết quả như mong đợi. Tuy nhiện, hiện tại diện tích rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn bị lấn chiếm từ tháng 2/2013 trở về trước vẫn còn hàng trăm ha chưa được giải tỏa. Vì vậy, thời gian tới, Hạt sẽ phối hợp cùng các chủ rừng và các địa phương tiến hành đo đạc thống kê diện tích cụ thể trình UBND huyện đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh có phương án giải quyết, xử lý.                       
 
HẢI ĐƯỜNG