Thứ 3, 22/04/2025, 14:53

Đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đi vào chiều sâu chất lượng

03:01, 18/01/2018

(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp BCĐ với sự tham dự của hơn 30 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh vừa diễn ra sáng 18/1/2018. 

(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp BCĐ với sự tham dự của hơn 30 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh vừa diễn ra sáng 18/1/2018. 
 
Năm 2017, phong trào Toàn dân ĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong việc thực hiện 5 nội dung của phong trào: đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hoá, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hoá; xây dựng các thiết chế và hoạt động văn hoá, thể thao cơ sở; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh. 
 
Theo đó, đã có trên 10 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo được giúp đỡ ổn định cuộc sống, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; nhà nước đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 5 nhà văn hoá xã, xây mới và sửa chữa 44 nhà sinh hoạt cộng đồng, toàn tỉnh đã có 127/147 xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá, 1.221/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. 
 
Toàn tỉnh có 265.063/301.105 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hoá (88%); 1.458/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hoá (94,6%); 102/147 xã – phường – thị trấn được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới ” và “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” (69,3%); 1.497/1.609 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt danh hiệu văn hoá (93%); số người thường xuyên tập thể dục thể thao đạt 28%, số gia đình thể thao 19%, đã có 825 CLB TDTT. 
 
Phong trào xây dựng “Người tốt việc tốt” và điển hình tiên tiến đã lan toả trong cộng đồng dân cư, đã tạo ra những hạt nhân tích cực, hình thành các điểm sáng văn hoá, mẫu người có tư tưởng, đạo đức lối sống lành mạnh làm gương cho cộng đồng học tập. 
 
Tại cuộc họp nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên đã đi sâu vào phân tích tình hình, bàn giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, tránh hình thức, loại bỏ “bệnh” thành tích, đưa phong trào ngày càng thiết thực, tác động cụ thể đến từng người dân, từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị. 
 
Trong năm 2018, Ban chỉ đạo phong trào các cấp phải nhanh chóng được bổ sung, kiện toàn bởi kết quả của phong trào phụ thuộc vào hoạt động của BCĐ; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của phong trào; thường xuyên kiểm tra, phúc tra để các danh hiệu văn hoá đi vào thực chất. Phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, phấn đấu nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hoá sau khi được công nhận; thực hiện nghiêm túc, công khai việc kiểm tra, bình xét, công nhận và khen thưởng các danh hiệu văn hoá theo quy định; kiên quyết loại bỏ “bệnh” hình thức, chạy theo thành tích trong xét tặng các danh hiệu văn hoá.
 
QUỲNH UYỂN