CN, 13/04/2025, 11:32

Ðạ Tẻh: Phát huy quy chế dân chủ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới

08:01, 26/01/2018

Với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi", trong 5 năm qua, Ðạ Tẻh luôn chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy rộng rãi vai trò của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi”, trong 5 năm qua, Ðạ Tẻh luôn chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy rộng rãi vai trò của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 
 
Thi công đường giao thông ở Đạ Tẻh
Thi công đường giao thông ở Đạ Tẻh

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, chủ trương chung của huyện là tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình; các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần cụ thể hóa việc thực hiện quy chế dân chủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Huyện cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến ngay từ khi lập đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã nhằm tạo sự đồng tình, hưởng ứng, tham gia ý kiến đóng góp của nhân dân. Sau khi đề án, quy hoạch được phê duyệt, tất cả các địa phương đã niêm yết, thông báo công khai để dân biết. 
 
Trong huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, các xã, thị trấn đã thông báo rộng rãi và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân, đồng thời thông báo rõ mục đích, chủ trương, cơ chế thực hiện để nhân dân biết, thực hiện. Người dân được quyền tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: thống nhất lựa chọn công trình, hình thức tổ chức xây dựng. Tùy theo điều kiện từng hộ, các địa phương có hình thức huy động cho phù hợp như: đóng góp bằng ngày công lao động, đóng góp bằng tiền, bằng hiện vật. Việc đóng góp đảm bảo nguyên tắc công bằng, không huy động đối với các hộ nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ gia đình chính sách khó khăn. 
 
Chính nhờ cách làm này, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đã được sự đồng tình ủng hộ, tham gia của đông đảo người dân. Người dân thấy rõ hơn quyền lợi của mình nên tích cực bàn bạc, đóng góp ngày công, tiền, hiến đất, làm các công trình như nâng cấp hội trường thôn, làm hàng rào, mua sắm thiết bị phục vụ hội họp thôn, làm đường nông thôn. Bên cạnh đó, không ít hộ dân còn tích cực bàn bạc tìm hướng đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, cùng nhau thay đổi cơ cấu cầy trồng, vật nuôi. 
 
Trong năm 5 gần đây, toàn huyện đã huy động 1.456,8 tỷ đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 353,5 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình 233,1 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình 119,9 triệu đồng, vốn tín dụng 538,3 tỷ đồng, vốn huy động từ cộng đồng dân cư 425,8 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân 20,9 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác 118,6 tỷ đồng. 
 
Từ nguồn vốn này, Đạ Tẻh đã đầu tư và xây mới nhiều tuyến đường. Hầu hết các con đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã đã được nhựa hóa. Hiện tổng chiều dài của hệ thống giao thông nông thôn toàn huyện trên 320 km, trong đó đường trục xã, liên xã dài trên 101 km (đã được cứng hóa, nhựa hóa đạt chuẩn 86,4 km); đường trục thôn, xóm dài 66,5 km (đã thực hiện cứng hóa đạt chuẩn trên 47 km); đường ngõ xóm dài 106,8 km (đã thực hiện cứng hóa và không lầy lội vào mùa mưa là 51,5 km); đường trục nội đồng dài 45,5 km (đã thực hiện cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện 28,7 km). 
 
Riêng trong năm 2017 vừa qua, toàn huyện đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 4 km, tổng vốn đầu tư 6,64 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 3,36 tỷ đồng, còn lại người dân đóng góp 3,28 tỷ đồng. Hiện huyện có 4 tuyến đường nông thôn đang được thi công tại xã Đạ Pal và xã Mỹ Đức.
 
Về cơ bản, đến nay 8/10 xã của huyện đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông; có 99% hộ dân sử dụng điện; 10/10 xã đã có điện thắp sáng đường quê khu vực trung tâm xã và đường đến các thôn; 88,5 % hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
 
Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình thủy lợi quan trọng ở một số xã khó khăn về nguồn nước tưới và nước sinh hoạt như hồ Thôn 10 - xã Đạ Kho, hồ Thôn 5 - xã Quốc Oai, hồ Con Ó - xã Mỹ Đức, nâng cấp hồ Thạch Thất, đập dâng Ứng Hòa - xã Đạ Kho và đang thi công hồ thủy lợi Hương Thanh - Hương Sơn, hồ thủy lợi Đạ Lây.
 
Huyện cũng đã hoàn thành kiên cố hóa kênh thủy lợi ĐN12 tại xã Quảng Trị, kênh ĐN14 ở xã Triệu Hải; đang tổ chức kiên cố hóa kênh chính, kênh nam hồ Mỹ Đức, chiều dài kênh loại 1, loại 2 là 224,3 km, tỷ lệ kênh được kiên cố hóa đạt 66,6%. Tổng sản xuất tưới thiết kế của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện là 3.690 ha, tưới cho đất sản xuất nông nghiệp của 8 xã và thị trấn trong huyện.
 
Đến nay, trong 10 xã, 1 thị trấn, Đạ Tẻh đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã Hương Lâm, Triệu Hải và Quốc Oai đạt tất cả các tiêu chí trong năm 2017 và đang hoàn tất thủ tục công nhận; 3 xã còn lại là Mỹ Đức và Đạ Pal dự kiến hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018 này; còn xã Đạ Lây - xã cuối cùng của huyện sẽ đạt chuẩn trong năm 2019. Riêng thị trấn Đạ Tẻh của huyện cũng đã đạt chuẩn văn minh đô thị. 
 
Có thể nói, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, quy chế dân chủ đã tạo ra những tác động rộng lớn tại Đạ Tẻh trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia, phát huy rõ nét phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”, phát huy vai trò chủ động tích cực của người dân trên mọi lĩnh vực cuộc sống. Việc thực hiện quy chế này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để Đạ Tẻh vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện trong năm 2019.
 
HỒNG LOAN - GIA KHÁNH