Già Rơ Ông Ha Biêng (Thôn 1, xã Ðưng K'Nớ, Lạc Dương) đã ngoại thất tuần, đôi tay ông không còn nhanh nhẹn như xưa rót nước mời khách. Thời trai trẻ - " mạnh như hổ, nhanh như báo" của già gắn với núi rừng này, cho đến khi tuổi già ập đến.
Già Rơ Ông Ha Biêng (Thôn 1, xã Ðưng K’Nớ, Lạc Dương) đã ngoại thất tuần, đôi tay ông không còn nhanh nhẹn như xưa rót nước mời khách. Thời trai trẻ - “ mạnh như hổ, nhanh như báo” của già gắn với núi rừng này, cho đến khi tuổi già ập đến. Nhưng, may thay giữa núi rừng thâm u cùng cốc, già còn một điểm tựa chính là những con người khoác áo blouse trắng luôn bên cạnh.
|
Bác sĩ Lơ Mu Da Ly hỏi thăm sức khỏe của con trẻ. Ảnh: Đ.T |
Người được già Ha Biêng nhắc đến nhiều nhất trong câu chuyện chính là vị bác sĩ đáng kính đã 7 năm gắn bó với mảnh đất mà theo ngôn ngữ của họ chính là “một mảnh đất bằng phẳng, linh thiêng”, bác sĩ Lơ Mu Da Ly. Sinh năm 1983, tại xã Đạ Sar, sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo bác sỹ đa khoa của Học viện Quân y, Lơ Mu Da Ly đến vùng đất Đưng K’Nớ để làm một công việc mà nói như những người già ở đây là “giành giật sự sống của con người với núi rừng”.
Già kể những câu chuyện ngày xưa... Hồi đó, lúc già còn nhỏ, khi đau ốm thì cha mẹ vào rừng tìm cây thuốc, không hết bệnh lại mời thầy về cúng. Hồi đó cũng chưa có trạm y tế, chưa có mấy “thầy cúng mặc áo trắng” nên đau ốm chỉ còn biết nằm nhà, chờ con bệnh đi thôi. Rồi có trạm, có bác sĩ ai ai cũng thấy yên cái bụng.
Cái cụm từ mà già Ha Biêng nhắc đến làm tôi thắc mắc: Tại sao lại là “thầy cúng mặc áo trắng”?. Bác sĩ Da Ly cười hiền khô, kể một câu chuyện tựa hồ như “truyền kỳ ngoại truyện” . Bây giờ đường sá đã thuận lợi; điện, đường, trường, trạm đầy đủ nhưng trước đây thì khó khăn lắm, đi từ đầu làng đến cuối làng mất nửa ngày đường vì địa hình bị chia cắt. Những lúc đó, bác sĩ muốn tiếp xúc để chữa bệnh cho những người già là vấn đề khó khăn, vì với họ, dụng cụ ống nghe hay các loại thuốc là một điều gì đó xa xôi lắm. Chính vì vậy, từ những ngày đầu, đội ngũ y, bác sĩ mới vào cắm bản đã nghĩ ra một cách chính là phải “hóa trang” để chữa bệnh. Cũng hò hét, tung hô như thầy cúng nhưng lại dùng tên các loại thuốc để khấn vái. Ví dụ Panadol hơ, Berberin hơ, Paracetamol hơ…
Trong thâm tâm của những con người núi rừng Đưng K’Nớ, đội ngũ y bác sĩ nói chung và bác sĩ Lơ Mu Da Ly là người nhà, là anh em, là họ hàng. Vì, hễ trong nhà có người đau ốm là các y bác sĩ túc trực bên cạnh. Đặc biệt hơn, những trường hợp người già phải nằm nhà thì chính bác sĩ Lơ Mu Da Ly sẽ trực tiếp đến thăm khám, chữa bệnh. Bác sĩ Lơ Mu Da Ly phân tích: “Đa số người già đều phải đối mặt với bệnh tật, nếu bệnh nặng thì mình phải chuyển lên tuyến trên để có điều kiện thăm khám, chữa bệnh, điều trị nhưng bệnh nhẹ thì bà con thường ở nhà. Vì một lẽ điều kiện của bà con còn nhiều khó khăn, người nhà còn phải lên nương, lên rẫy tìm cái ăn. Mặt khác, những người già vì trước đây còn cơ cực nên đa phần mắc các bệnh về xương, khớp, hễ trái gió trở trời lại đau”.
Trong khi chúng tôi đang trò chuyện thì chị Cill K’Hoàng (1977) vừa từ nương về tìm đến bác sĩ Lơ Mu Da Ly. Cậu con trai của chị đang bị mệt mỏi, chóng mặt. Bác sĩ lập tức xuống nhà, qua thăm khám và hỏi thăm thì được biết cháu bé chơi bóng đá cả chiều giữa trời rét, thế là cảm lạnh. Cho thuốc xong, bác sỹ khuyên cháu mặc ấm và chọn trò chơi phù hợp trong tiết trời giá rét. Không chỉ trực tiếp thăm khám, chữa bệnh, theo người dân địa phương thì bác sĩ Lơ Mu Da Ly còn là một người rất am hiểu về các loại cây thuốc. Bác sĩ thường chỉ dẫn cho bà con những loại cây có tác dụng chữa bệnh, những thứ rau rừng mọc ở quanh nhà, quanh bản làng có thể dùng làm thuốc để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày. Qua đó, đời sống của bà con được cải thiện, nâng cao sức khỏe.
Đưng K’Nớ đã không “còn xa”, đường sá thông suốt, đời sống bà con dần được cải thiện. Và, quan niệm về những “thầy cúng mặc áo trắng” cũng đã thay đổi khi đội ngũ y, bác sĩ ở đây luôn tận tâm, tận lực, thể hiện y đức cao cả mà bác sĩ Lơ Mu Da Ly là một minh chứng rõ ràng nhất...
ÐỨC TÚ