Thứ 7, 19/04/2025, 03:2

Thầy hiệu trưởng yêu nghề, sáng tạo khi đứng lớp

08:01, 12/01/2018

Thầy giáo Văn Ðức Phương không chỉ là người quản lý giỏi mà còn là nhà giáo nhiệt huyết, yêu nghề và sáng tạo khi đứng lớp.

Thầy giáo Văn Ðức Phương không chỉ là người quản lý giỏi mà còn là nhà giáo nhiệt huyết, yêu nghề và sáng tạo khi đứng lớp. Với cương vị là Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm), thầy Phương đã có những sáng kiến quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả Mô hình trường học mới (VNEN) nên luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin tưởng, quý trọng.
 
Những giờ đứng lớp của thầy Phương luôn hấp dẫn và hiệu quả với học sinh. Ảnh: K.P
Những giờ đứng lớp của thầy Phương luôn hấp dẫn và hiệu quả với học sinh. Ảnh: K.P

Nhiệt huyết, yêu nghề
 
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, thầy Phương tình nguyện xin về công tác tại Trường THCS Quang Trung (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) cho đến nay. Từ khi còn là giáo viên đứng lớp, đến khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng, thầy Phương luôn là người tận tụy và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, ở cương vị quản lý, thầy không chỉ chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên mà luôn là người đi đầu và không ngừng học hỏi, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chính điều đó đã giúp Trường THCS Quang Trung trở thành “lá cờ đầu” trong công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Tính đến nay, thầy Phương đã có “thâm niên” 10 năm làm hiệu trưởng tại Trường THCS Quang Trung. Tuy là cán bộ quản lý, nhưng thầy vẫn dành nhiều thời gian để đứng lớp. Bởi theo thầy, việc đứng lớp không chỉ giúp bản thân mình có thời gian để trau dồi chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để chia sẻ và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh và đồng nghiệp. Theo chia sẻ của thầy, cách đây 3 năm, khi áp dụng Mô hình VNEN ở bậc THCS, bản thân thầy cũng như các đồng nghiệp trong nhà trường đều cảm thấy bỡ ngỡ và không khỏi lo lắng. Còn các bậc phụ huynh thì cho rằng, mô hình này không phù hợp vì phải học theo nhóm và được bạn giúp nên là “cơ hội” để con em họ “ăn theo” và chểnh mảng việc học. Song bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề của mình đã thôi thúc thầy tìm tòi, nghiên cứu để tìm câu trả lời cho VNEN. Rồi thầy Phương nhận thấy, nếu được vận dụng đúng phương pháp thì mô hình này có nhiều điểm “ưu việt” hơn so với cách dạy học truyền thống. “Đã là dạy học, dù mới hay cũ thì vai trò của người giáo viên luôn rất quan trọng. Nhưng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho học sinh, mỗi giáo viên phải có phương pháp dạy học sáng tạo và linh hoạt phù hợp với từng giờ học, môn học cụ thể. Đối với Mô hình VNEN càng đòi hỏi giáo viên phải biết cách triển khai và chuyển giao nhiệm vụ để từng học sinh hoạt động độc lập nhằm tạo ra sản phẩm riêng. Có nghĩa là nhiệm vụ mà giáo viên chuyển giao tới học sinh trong từng giờ học phải đơn giản, dễ hiểu; đồng thời, phải biết cách định hướng và cung cấp dữ liệu để tất cả học sinh có thể tự tạo ra sản phẩm mà không ai phụ thuộc ai. Có như vậy mới mang lại hiệu quả” - thầy Phương chia sẻ về việc áp dụng Mô hình VNEN.
 
Giáo dục luôn cần sáng tạo, đổi mới
 
Theo thầy Phương, để ngành Giáo dục phát triển, đòi hỏi mỗi giáo viên phải tâm huyết với nghề và chịu khó học hỏi; vững vàng về chuyên môn, năng động, sáng tạo và đổi mới trong công tác dạy học. Đối với Mô hình VNEN, muốn hiệu quả thì sự đổi mới, sáng tạo là không thể thiếu. Nhưng đổi mới phải đồng bộ “về cả phương pháp và tư duy trong từng môn học, bài giảng” để giúp học sinh đón nhận nhiệt tình, hiệu quả. “Để khẳng định điều đó, ngay từ đầu tôi đã mời phụ huynh lên dự giờ rồi tiến hành dạy bài học theo hai cách (một theo truyền thống và một theo Mô hình VNEN) để họ so sánh. Kết thúc tiết dạy, đa số phụ huynh đều ủng hộ việc nhà trường thực hiện giảng dạy theo Mô hình VNEN vì thấy rằng bài học rất hấp dẫn và hiệu quả” - thầy Phương cho biết thêm.
 
Để áp dụng hiệu quả Mô hình VNEN, thầy Phương tổ chức nhiều buổi hội thảo trong từng bộ môn để giáo viên chia sẻ, nắm bắt những khó khăn trong quá trình giảng dạy nhằm tìm cách khắc phục, thay đổi sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, xây dựng phương án tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh để họ nắm rõ những nét thay đổi đặc trưng của mô hình này. Cùng với đó, thầy còn triển khai tập huấn cho giáo viên về quy cách tổ chức hoạt động của Hội đồng tự quản; tập huấn cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và thư ký về quy cách điều hành tổ chức lớp học VNEN. 
 
Nói về phương pháp dạy học của thầy Phương theo Mô hình VNEN, cô Trương Thanh Thảo, giáo viên Trường THCS Quang Trung, tâm đắc: “Tôi dạy môn Văn, trước đây dạy theo kiểu truyền thống, nên mỗi lần lên lớp tôi giảng hết sức mình còn học sinh thì cứ thế ghi chép. Nhưng từ khi áp dụng Mô hình VNEN theo cách dạy của thầy Phương thì lớp học sôi nổi hẳn lên, hầu hết trong mỗi giờ lên lớp học sinh nào cũng phát biểu, đóng góp ý kiến. Có những giờ học, tôi còn được gợi mở thêm từ những ý kiến phát biểu của các em. Nói chung cách dạy này không chỉ đòi hỏi giáo viên chúng tôi phải thường xuyên sáng tạo, đổi mới mà còn giúp học sinh năng động và sáng tạo hơn”.
 
Ông Lê Đức, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) huyện Bảo Lâm đánh giá: “Với sự sáng tạo trong công tác quản lý và dạy học theo Mô hình VNEN của thầy Phương đã giúp Trường THCS Quang Trung không ngừng nâng cao chất lượng, trở thành “lá cờ đầu” trong công tác giáo dục của địa phương. Hiện, toàn huyện Bảo Lâm đang có 5 trường THCS áp dụng Mô hình dạy học VNEN thì Trường THCS Quang Trung là đơn vị duy nhất có 20/20 lớp dạy học theo mô hình này, đạt tỷ lệ 100%. Đây cũng là ngôi trường luôn dẫn đầu của huyện về thành tích đào tạo mũi nhọn ở bậc THCS khi luôn có số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia dẫn đầu toàn huyện. Hiện, phương pháp dạy học theo Mô hình VNEN của thầy Phương đang thu hút đông đảo giáo viên trong huyện đến học hỏi để áp dụng vào thực tế”.
 
Với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình cho sự nghiệp trồng người, vào đầu tháng 12/2017 vừa qua, thầy Phương vinh dự là cá nhân duy nhất của tỉnh Lâm Đồng cùng với 63 nhà giáo đến từ khắp mọi miền đất nước được Bộ GD - ĐT tặng bằng khen tại Lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017. Đây chính là cơ sở khẳng định sự sáng tạo của thầy Phương trong Mô hình VNEN cấp THCS tại Trường THCS Quang Trung nói riêng và huyện Bảo Lâm nói chung đang phát huy hiệu quả, thực sự tạo môi trường học tập chủ động, sáng tạo cho học sinh để đạt kết quả học tập cao nhất.
 
KHÁNH PHÚC