Hơn 27 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy - Trường THPT Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc) đã dành trọn tâm huyết với nghề, với học sinh bằng việc truyền "ngọn lửa" say mê môn Ngữ Văn. Cô là một trong 6 cá nhân và một trong 2 giáo viên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2017.
Hơn 27 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy - Trường THPT Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc) đã dành trọn tâm huyết với nghề, với học sinh bằng việc truyền “ngọn lửa” say mê môn Ngữ Văn. Cô là một trong 6 cá nhân và một trong 2 giáo viên của tỉnh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2017.
|
Cô Thúy (thứ hai trái qua) cùng học sinh Trường THPT Bảo Lộc. Ảnh: V.H |
Là giáo viên từng giảng dạy môn Ngữ văn ở các Trường THCS Lộc Phát, THCS Lộc Sơn và nay là Trường THPT Bảo Lộc, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Thúy nhận thấy rằng, nhiều học sinh chỉ học văn theo yêu cầu bắt buộc chứ chưa thực sự hứng thú và yêu thích môn học này. Đặc biệt các tác phẩm văn nghị luận với độ khó và độ khô của kiểu bài càng làm học sinh phần nào khó tiếp thu. Trước thực tế đó, cô Thúy đã trăn trở để tìm ra phương pháp dạy không chỉ truyền đạt kiến thức một cách tốt nhất mà còn đem lại cảm hứng học tập cho học sinh. Theo cô Thúy, “văn bản nghị luận có vai trò quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng của học sinh, bởi đây là kiểu bài gần gũi với cuộc sống, thể hiện nhiều vấn đề tích hợp liên môn. Thông qua việc tiếp nhận và học tập các văn bản nghị luận, học sinh có cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống, thể hiện cách nhìn nhận và quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội”.
Từ thực tế đó, cô Thúy chọn giải pháp “Nâng cao hứng thú, kỹ năng học tập Ngữ văn của học sinh bằng việc xây dựng và tổ chức giảng dạy chủ đề tích hợp Công dân với văn hóa dân tộc”. Giải pháp này đã đoạt giải nhì cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học” và được ứng dụng giảng dạy môn Ngữ văn tại một số trường THPT trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. “Được tích hợp từ các môn Ngữ văn, Lịch sử và Giáo dục công dân, “Công dân với văn hóa dân tộc” là chủ đề dạy học nhằm góp phần giữ gìn, bảo vệ và nâng cao ý thức phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh THPT. Giải pháp này sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, từ đó rèn luyện kỹ năng học tập và tư duy sáng tạo, đồng thời giáo viên tích hợp nhiều vấn đề trong giảng dạy Ngữ văn nhằm mở rộng kiến thức và vốn sống cho học sinh”, cô Thúy chia sẻ.
Để “học đi đôi với hành” giúp học sinh dễ tiếp thu và có hứng thú, bên cạnh việc tích hợp kiến thức liên môn, cô Thúy còn tổ chức các hoạt động vui chơi như thi tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc, diễn kịch để tuyên truyền giữ gìn vốn văn hóa dân tộc, các trò chơi... Qua đó, cô Thúy nhận thấy, trong tiết học Ngữ văn, học sinh thật sự thể hiện thái độ hứng thú và hợp tác học tập. Đặc biệt, học sinh hào hứng khi tham gia vào các trò chơi, tham gia thể hiện bài hát và múa minh họa… “Giờ học Ngữ văn của lớp em rất sôi nổi, nhiều tiếng cười chứ không khô khan như trước. Riêng bản thân em thấy rất hào hứng khi được biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử dân tộc. Qua đó, em thêm yêu và tự hào về văn hóa dân tộc”, Nguyễn Thị Thùy - học sinh lớp 12A9, Trường THPT Bảo Lộc cho biết.
Cô Thúy cho biết thêm, từ phương pháp dạy học này, điểm số Ngữ văn của học sinh cũng cao hơn. Học sinh tự tin hơn, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động học tập, quan hệ giữa học sinh với học sinh trở nên thân thiện, có ý thức giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, giáo viên các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Công dân có sự chia sẻ trong soạn giảng và học hỏi chuyên môn lẫn nhau.
“Cô Thúy là giáo viên có thâm niên và rất tâm huyết với nghề. Cô luôn tìm tòi các phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu bài một cách tốt nhất. Các sáng kiến, giải pháp của cô đã góp phần cho sự đổi mới trong công tác dạy học của nhà trường. Cô cũng là người đem về nhiều giải thưởng của cá nhân cũng như của học sinh qua các cuộc thi. Nhiều năm liền, cô đạt giáo viên giỏi cấp cơ sở, cấp tỉnh, và danh hiệu Nhà giáo ưu tú cô được phong tặng dịp này cũng là vinh dự cho trường”, cô Nguyễn Thị Thùy Phương - Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc nhận định.
VIỆT HÙNG