Cùng với chiêng, trống, tiếng kèn bầu vang lên như mang theo bao khát vọng của buôn làng hòa vào bản hùng ca giữa đại ngàn. Không ghi chép qua sách vở, tất cả những gì giúp những làn điệu Rơkel truyền thống của người Churu còn lưu giữ đến tận ngày nay là bàn tay, khối óc và cái tâm từ những người con của núi rừng.
Cùng với chiêng, trống, tiếng kèn bầu vang lên như mang theo bao khát vọng của buôn làng hòa vào bản hùng ca giữa đại ngàn. Không ghi chép qua sách vở, tất cả những gì giúp những làn điệu Rơkel truyền thống của người Churu còn lưu giữ đến tận ngày nay là bàn tay, khối óc và cái tâm từ những người con của núi rừng.
Gần 20 năm nay, tài làm kèn bầu của già Ha Sen (thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) nổi tiếng khắp vùng và con gái ông, chị Ma Tham đã đem tiếng kèn của cha đi lưu diễn ở khắp nơi. Giờ đây, Ma Tham lại nhìn thấy bóng hình của mình ở người con gái nhỏ Ma Viên khi em thổi kèn bầu ở tuổi 12.
|
Già Ha Sen đang thổi kèn bầu để kiểm tra âm thanh của các ống nứa. Ảnh: H.T |
3 thế hệ đều học “chay”
Về Ma Đanh những ngày đầu năm, cùng với cái nắng và gió hanh hao giữa đại ngàn, tiếng kèn bầu của người Churu vẫn còn vang lên trầm bổng.
Già Ha Sen cũng vừa qua tuổi 70 nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn. Ha Sen chào đón chúng tôi bằng một điệu kèn đón khách phương xa. Ông bảo mình chỉ giỏi làm và sửa kèn, chứ thổi thì không thể hay bằng những nghệ nhân khác.
Gần 20 năm nay, đôi bàn tay chai sạn của một lão nông đã khéo léo chế tạo ra hàng ngàn chiếc kèn bầu cho cộng đồng người Churu. “Cái này mình tự học đấy, nhìn anh trai làm rồi bắt chước làm theo thôi. Nghề này cũng phải có năng khiếu và cái tâm thì mới có thể làm được”, già Ha Sen cười bảo.
Tuy chỉ mới làm kèn bầu nhưng từ lâu, già Ha Sen cũng đã biết thổi và sửa kèn bầu. Khả năng cảm âm tinh tế giúp ông nhận ra chiếc kèn này, âm thanh còn chưa chuẩn ở ống nào, cần phải sửa ra sao… Già Ha Sen bảo, đó là khả năng mà Yàng (trời) ban, là niềm tự hào không gì sánh bằng.
Già Ha Sen còn có thêm 2 niềm tự hào nữa, là con gái và cháu gái. Chị Ma Tham, con gái già Ha Sen năm nay 43 tuổi, nhưng đã biết thổi kèn bầu hơn 2/3 quãng thời gian ấy. Đến giờ khi được hỏi lại, chị Ma Tham vẫn không thể lý giải được cảm giác vui sướng khi lần đầu tiên được nghe người già trong thôn thổi kèn bầu.
“Mình nghe rồi cảm nhận nó hay lắm. Khi ấy còn nhỏ, còn mắc cỡ nên cũng không dám đi hỏi người này người kia, chỉ biết tự ghi nhớ trong đầu vậy thôi. Mình hay lén lấy kèn bầu của cha rồi trốn ra sau nhà để tập thổi. Mình nhớ gì thì thổi lại thôi chứ có được chỉ dạy đàng hoàng đâu”, chị Ma Tham tâm sự.
Khi những đứa trẻ 13, 14 tuổi cùng trang lứa đang tụ tập với những trò chơi của tuổi thơ thì cô bé Ma Tham lẳng lặng trốn sau nhà, cầm chiếc kèn bầu và hình dung lại cách đặt tay vào lỗ thoát hơi trên ống nứa… Rồi, người lớn trong làng bắt gặp, nhận ra năng khiếu của cô nên mỗi khi đến nhà nhờ già Ha Sen sửa kèn bầu, lại thổi một điệu khác nhau cho cô nghe. Cứ như thế mà có được một Ma Tham cũng nổi tiếng khắp vùng như bây giờ.
“Đợi chút Ma Viên con gái mình đi học về, nó sẽ thổi cho các bạn nghe vài điệu. Con bé còn nhỏ nhưng cũng tự học được của mẹ 5, 6 bài rồi đấy”, Ma Tham khoe.
Ma Tham bảo, không giống như nhạc hiện đại bây giờ, kèn bầu hay cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số không có sách vở nào ghi chép, nên chị không tìm cách dạy lại cho cô con gái Ma Viên. Nhưng may mắn thay, Ma Viên dường như thừa hưởng được tài năng của mẹ, chỉ cần nghe cũng có thể tập và thổi một cách thành thục. Dẫu tiếng kèn của Ma Viên còn đôi chỗ ngập ngừng nhưng nhìn cái cách em cầm chiếc kèn một cách nâng niu và ánh mắt trân trọng, tôi tin rằng em cũng sẽ trở thành một Ma Tham thứ hai.
Làm kèn bầu để giữ nghề truyền thống
Nghe tiếng kèn vang lên, ông Ha Sen chỉ cho ông Ya Đơm (thôn Rlơm, xã Tu Tra) - người bạn già của mình biết ống trúc dài nhất trong chiếc kèn cần phải sửa lại. Gọi là bạn nhưng ông Ha Sen thua bạn mình 12 tuổi, đây cũng là khách hàng thường xuyên của ông. “Cả làng này chỉ có ông này làm và sửa kèn bầu hay nhất, đúng ý của mình”, ông Ya Đơm đưa ánh mắt thân tình về phía người bạn của mình.
Bắt đầu biết thổi kèn từ những năm đôi mươi, nhưng dường như trời không cho ông Ya Đơm khối óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo như già Ha Sen. Một người làm kèn, một người thổi kèn từ cái duyên ấy mà trở thành đôi bạn thân thiết hơn chục năm nay. Chiếc kèn bầu của ông Ha Sen đã cùng với Ya Đơm đi khắp các lễ hội, giao lưu cồng chiêng ở các huyện trong tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên.
Không chỉ trong ở thôn, xã, kèn bầu của ông Ha Sen theo chân người yêu nhạc cụ truyền thống có mặt ở trăm nhà, vượt đèo Ngoạn Mục xuống Ninh Thuận, vượt đại dương theo chân Việt Kiều đến nước Mỹ xa xôi…
|
Chị Ma Tham tự hào khi nhìn cô con gái Ma Viên thổi kèn bầu một cách thuần thục. Ảnh: H.T |
Một chiếc kèn bầu được làm khá công phu, từ 1 trái bầu và 6 ống nứa tròn. Trải qua công đoạn tỉ mỉ, ống nứa khô sẽ được cắm vào trong quả bầu khô, 4 ống liền nhau có vai trò giữ giai điệu, 2 ống khác dùng để đệm, bè. “Một chiếc kèn tượng trưng cho một gia đình, có cha mẹ, con trai và con gái”, già Ha Sen giải thích.
Với già Ha Sen, làm một chiếc kèn bầu sẽ phải mất 1 tuần và giá bán khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/chiếc. Nhưng ông bảo, ông làm kèn bầu không phải để kiếm tiền, mà là để giữ cái nghề truyền thống đang từng ngày mai một. Đó cũng là lý do mà mãi đến khi hơn 50 tuổi, ông mới chính thức nhận làm theo đặt hàng, còn trước đó thì chỉ sửa kèn cho bà con họ hàng, làng xóm. Ai muốn nhờ ông làm thì cũng chỉ cần đem tới cây nứa, quả bầu để ông làm giúp chứ ông không lấy tiền.
Khi văn hóa truyền thống của cộng đồng đang ngày càng mai một thì những người như già Ha Sen, Ya Đơm, chị Ma Tham như đang cầm nắm những sợi dây kết nối vô cùng mỏng manh. “Mình cũng có học thổi kèn bầu như chị Ma Tham nhưng khó quá, dường như cũng không có năng khiếu nên không thể nào thổi hay được, cuối cùng đành bỏ cuộc” - Ma Biên, cô gái 31 tuổi ở Ma Đanh thú nhận.
Những người con dân tộc Churu, dẫu biết rằng là truyền thống thì phải lưu giữ nhưng dường như chẳng còn nhiều động lực để làm điều này. Chứng kiến bé Ma Viên ngồi thổi kèn bầu bên mẹ, ông Ha Sen ngồi lặng lẽ nở nụ cười mãn nguyện. Cái cách ông nhìn con cháu một cách trìu mến, đúng như cái cách Ma Tham nhìn Ma Viên, đó đơn giản là tình yêu và niềm tự hào dân tộc.
HỒNG THẮM