CN, 13/04/2025, 07:3

Giáo dục Đam Rông - những chuyển biến mới

08:01, 17/01/2018

Đam Rông là huyện có điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa bàn rộng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều... Nhưng kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, với những kết quả chất lượng và hiệu quả giáo dục đủ cơ sở để hy vọng ngành sẽ đáp ứng nhiệm vụ của năm bản lề thực hiện Nghị quyết III Đảng bộ huyện. 

Đam Rông là huyện có điều kiện kinh tế còn khó khăn, địa bàn rộng, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều... Nhưng kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, với những kết quả chất lượng và hiệu quả giáo dục đủ cơ sở để hy vọng ngành sẽ đáp ứng nhiệm vụ của năm bản lề thực hiện Nghị quyết III Đảng bộ huyện. 
 
Tuy còn vướng chủ trương định cư nhưng lớp học cho học sinh H’Mông vẫn mở tại xã Liêng S’rol. Ảnh: M.Đ
Tuy còn vướng chủ trương định cư nhưng lớp học cho học sinh H’Mông vẫn mở tại xã Liêng S’rol. Ảnh: M.Đ
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) huyện Đam Rông Trần Phú Vinh cho tôi biết, năm học 2017-2018, toàn huyện có 34 đơn vị trường trực thuộc Phòng. Trong đó, có 9 trường mầm non (MN) với 3.421 cháu, tăng 251 học sinh (HS) và 4 nhóm, lớp so với cùng kỳ năm học trước; 15 trường tiểu học (TH) với 6.354 HS, tăng 168 HS và 4 lớp; 10 trường THCS với 3.910 HS, tăng 482 HS và 12 lớp. Có mức độ tăng ở cả ba bậc học như vậy nhờ công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp đều đạt cao (100% ở MN và TH) và 98,8% ở THCS. Không những đầu vào là những con số vui mà trong quá trình dạy và học, việc duy trì sĩ số (một nội dung rất khó ở vùng có địa bàn khó khăn như Đam Rông) cũng đạt kết quả tốt. Cả bậc MN và TH đều không giảm, chỉ bậc THCS giảm 47 HS so với đầu kỳ, đạt 98,5%. Nguyên nhân bỏ học do một số HS có hoàn cảnh gia đình còn quá khó khăn, các em phải ở nhà phụ giúp gia đình, số còn lại lớn tuổi, lưu ban nhiều năm, ngại đến lớp. Dĩ nhiên là không buông, ông Vinh khẳng định: Toàn ngành đều kiên trì với nhiều giải pháp để huy động, trong đó các đơn vị trường cùng các đoàn thể địa phương vận động, hỗ trợ học bổng nhằm giúp đỡ khó khăn trước mắt. 
 
Đánh giá về kết quả thực hiện hai mặt giáo dục, kết thúc học kỳ I, ở bậc MN, tất cả đều đạt 100% tiêu chí theo quy định. Đối với giáo dục phổ thông, bậc TH, môn tiếng Việt hơn 27% hoàn thành tốt, gần 64% hoàn thành và hơn 9% chưa hoàn thành; cũng ba mức này ở môn Toán là hơn 29%, gần 60% và 11%... Còn bậc THCS, hạnh kiểm Tốt hơn 69%, Khá 23%, Trung bình gần 4%, Yếu 0,1%; học lực loại Giỏi 8,5%, Khá gần 32%, Trung bình gần 47%, Yếu gần 9% và Kém 0,1%. So với học kỳ I năm học trước, nhìn chung cả hai mặt này đều tiến bộ rõ. 
 
Đánh giá những nguyên nhân để ngành giáo dục huyện Đam Rông đạt được trong học kỳ qua, có rất nhiều tác động, cả khách quan và chủ quan. Về chủ quan, ngành tiếp tục là lĩnh vực được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của tỉnh, huyện và xã cùng chăm lo. Mặt khác, chính sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhân dân nhận thức tiến bộ hơn là những điều kiện quan trọng.
 
Là huyện vùng sâu vùng xa và vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số với những yếu tố đặc thù, chính những chính sách xã hội từ chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đến phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường thiết bị dạy và học... đã, đang góp phần đắc lực để ngành giáo dục và các lĩnh vực khác có điều kiện đi lên.
 
Cùng đó, nội bộ ngành giáo dục của huyện với 1.025 cán bộ, giáo viên từng bước nâng năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu phát triển. Từ nâng tầm công tác quản lý, đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục đến lòng nhiệt huyết, đam mê với nghiệp “trồng người”. 
 
Dĩ nhiên, bức tranh giáo dục của huyện Đam Rông chưa nói là toàn gam màu sáng, vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại cần tiếp tục khắc phục. Những hạn chế và yếu kém theo Trưởng phòng Trần Phú Vinh, đó là: Chất lượng giáo dục tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; một số đơn vị nhìn chung vẫn còn yếu tố chưa thật vững chắc, việc duy trì tỷ lệ HS chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn. Đội ngũ, năng lực sư phạm và chuyên môn của một bộ phận còn hạn chế và bất cập, nhất là tư duy và kỹ năng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Vẫn còn những cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện hiện nay. Những tồn tại trên đã được Phòng GD&ĐT huyện Đam Rông cũng như các trường học thảo luận, nghiêm túc chỉ ra đâu là nguyên nhân để tiếp tục khắc phục trong học kỳ II và những năm học tới. Về khách quan, Đam Rông tiếp tục xúc tiến công tác quy hoạch đất xây dựng trường để xây dựng trường chuẩn mới đạt được theo lộ trình. 
 
Là cán bộ quản lý giáo dục gắn bó lâu năm tại vùng đất Đam Rông, bài học kinh nghiệm theo ông Nguyễn Phú Vinh là: Phải tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các cấp quản lý giáo dục từ Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT đến cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường. Từ đó tạo được niềm tin và quyết tâm triển khai thực hiện đến thành công. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất trường học. Thực hiện kế hoạch của ngành theo hướng phát huy dân chủ thiết thực và hiệu quả. Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Thực hiện quản lý, kiểm tra theo đúng quy trình và có kế hoạch khoa học. 
 
MINH ĐẠO