Thứ 5, 24/04/2025, 17:17

Luận bàn quanh Ngày hội hoa Anh đào

08:01, 24/01/2018

Không còn lỡ hẹn, năm 2018, Lâm Ðồng chính thức tổ chức Ngày hội hoa Anh đào lần thứ nhất, tại Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, từ ngày 26-28/1. Chia sẻ niềm vui này, chúng tôi nêu một số nội dung, cũng là mong muốn của Ban tổ chức và đông đảo sự quan tâm của xã hội. 

Không còn lỡ hẹn, năm 2018, Lâm Ðồng chính thức tổ chức Ngày hội hoa Anh đào lần thứ nhất, tại Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, từ ngày 26-28/1. Chia sẻ niềm vui này, chúng tôi nêu một số nội dung, cũng là mong muốn của Ban tổ chức và đông đảo sự quan tâm của xã hội. 
 
Hoa Anh đào rực hồng càng tô điểm nét đặc sắc của đô thị Đà Lạt. Ảnh: M.Đ
Hoa Anh đào rực hồng càng tô điểm nét đặc sắc của đô thị Đà Lạt. Ảnh: M.Đ

1. Về loài thực vật này?
 
Ông Nguyễn Xuân Thành - Trưởng Ban tổ chức Ngày hội, Giám đốc Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm tâm tư với chúng tôi: Nhà báo xem giùm, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt và nhiều ngành cứ bảo phải là loài Mai Anh đào, còn tôi thì vẫn bảo lưu loài Anh đào. Về pháp lý, theo chúng tôi, dù muốn hay không, trước mắt phải chấp hành tên gọi Anh đào bởi Văn bản số 5245/UBND-VX2 ngày 11/8/2017 và Quyết định số 2564/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. 
 
Có khá nhiều tài liệu, nhưng chúng tôi căn cứ hai nguồn tài liệu chính thống sau: “Cây cỏ Việt Nam”, tác giả GS, TS Phạm Hoàng Hộ (Hà Nội, 1991) và “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hà Nội, 2003). Hai tài liệu đều gọi là Anh đào (Prunus cerasoides). Phân tích, “Prunus” là Chi, nghĩa tiếng Việt là: Đào (tên chính thức), Mận, Mơ, Mai, Vàng nương, Anh đào, Cổ phổng. “Cerasus” là Phân chi, có tên là phân chi Anh đào (Phân chi thuộc chi, ở dưới Chi chứ không phải là Chi). “Cerasoides” (cerasus + oides) có nghĩa là dạng = giống (trông giống) Anh đào. Nếu ghép “Prunus cerasoides” thì có các cặp tên sau: Đào dạng Anh đào; Mận dạng Anh đào; Mơ dạng Anh đào; Mai dạng Anh đào (Mai anh đào), Vàng nương dạng Anh đào; Anh đào dạng Anh đào (Anh đào); Cổ phổng dạng Anh đào. 
 
Từ đây, Mai Anh đào và Anh đào hai tên đều hợp lệ. Nhưng tên Mai Anh đào có từ đâu? Tài liệu chúng tôi có được tên này do ông Nguyễn Thái Hiến tự đặt. (Ông Hiến sinh năm 1893, người Nghệ An, tốt nghiệp Trường Canh Nông Tuyên Quang và vào Đà Lạt năm 1927; người có nhiều công trong việc phát triển ngành canh nông ở thành phố Đà Lạt). Tiếp xúc với hai người con của ông Hiến (Tiến sĩ Sinh học, nhà ngư loại học Nguyễn Thái Tự và thạc sĩ, nhà giáo Nguyễn Thái Cam), chúng tôi được cung cấp những tài liệu lưu hành nội tộc và 2 cuốn sách do Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Tác giả hai cuốn sách là anh trai cả của ông Tự và ông Cam - ông Nguyễn Thái Hai, sinh năm 1931 tại thành phố Đà Lạt, kỹ sư Công chánh, định cư ở Pháp, với tác phẩm “Nguyễn Thái Hiến và ngành trồng rau ở Đà Lạt từ 1928-1958” (2005) và “Đà Lạt nguồn gốc ngành trồng rau bảo tồn khu vực cổ” (tu chỉnh), năm 2008. Theo ông Hai, sở dĩ có tên Mai Anh đào vì ông Hiến đặt theo cảm nhận cá nhân, do giống cây Mai rừng, hoa có dạng và màu sắc như hoa Đào. Sau đó, giới nghệ sĩ đặt thêm ký tự “Anh” (Mai Anh đào) cho phần thi vị. Từ đó, trong nhân dân có cách gọi Mai Anh đào. 
 
Anh đào ở Đà Lạt có phải loài di thực từ nước ngoài vào? Theo tài liệu “Các loài hoa thu thập được ở Nepal” (London, 1825), Anh đào phân bố tại nhiều vùng Đông Á, ở độ cao trên 1.000 m. Đây là loài phân bố vùng dãy Himalayas phía bắc Ấn Độ cho tới nam Trung Quốc, Myanmar và bắc Thái Lan... Tại Việt Nam, tài liệu “Cây cỏ Việt Nam” và “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” cho biết, loài Anh đào có ở các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Ninh Bình. Mặt khác, nếu theo tài liệu của ông Nguyễn Thái Hai, trong khi làm nhiệm vụ, ông Hiến phát hiện tại khu rừng gần ấp Tân Lạc có những cây hoa vừa giống hoa Đào, vừa giống hoa Mai, nên đã đề nghị chính quyền cho mang về trồng dọc theo các phố trung tâm Đà Lạt. Năm 1935, chính tay ông Hiến đã trồng nhiều cây Mai Anh đào từ cầu Ông Đạo lên rạp hát Hòa Bình và rạp chiếu bóng Ngọc Lan... Chúng tôi cũng được nhà Sinh học Lương Văn Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt cho biết: Các chuyên gia người Nhật thuộc Tổ chức Jica khẳng định loài Anh đào này không có ở Nhật Bản. Kết luận: loài Anh đào ở Đà Lạt xưa và nhiều vùng đất Lâm Đồng nay không di thực từ nước ngoài vào; không thuộc đặc hữu (endemic); là cây bản địa (indigenous). 
 
2. Nhằm bảo vệ và từ nay về sau đến mùa Anh đào nở hoa, địa phương chỉ thông báo như một lẽ tự nhiên chứ không tổ chức “lễ” hay “hội” để du khách thập phương đến thưởng lãm thỏa thích ? Ông Võ Danh Tuyên - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, trong nhiệm vụ phát triển cây xanh và cây phân tán, các khu vực của thành phố Đà Lạt cần ưu tiên trồng hàng đầu là cây Anh đào, vì rất phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Đến nay, trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận có hàng trăm ngàn cây Anh đào đang phát triển rất tốt, riêng Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm có 35.000 cây. 
 
Đã đến lúc cần thực hiện nghiêm chế tài quản lý và bảo vệ Anh đào. Từ ngày 15/1/2018, Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP) chính thức có hiệu lực. Nghị định này càng ý nghĩa đối với đô thị đặc thù Đà Lạt - “vương quốc các loài hoa”, rừng trong thành phố, thành phố trong rừng. Nghị định 139 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thì mọi tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại cây xanh có thể bị phạt tiền tới 30 triệu đồng. Tại Điều 53, vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa được nêu rất cụ thể về các mức phạt đối với các hành vi. Đó là: Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ; Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa. Đó còn là các hành vi: Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị; Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định; Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị; Tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định. Cùng đó là các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm...
 
PHAN MINH ÐẠO