Ở ngôi làng này có tổng cộng 14 ngôi nhà, mỗi nhà đều rất đông con, có nhà đến cả chục đứa, cùng quây quần trong một mái ấm và chỉ duy nhất có 1 mẹ chăm sóc.
Ở ngôi làng này có tổng cộng 14 ngôi nhà, mỗi nhà đều rất đông con, có nhà đến cả chục đứa, cùng quây quần trong một mái ấm và chỉ duy nhất có 1 mẹ chăm sóc.
|
Giờ vui chơi của các em Làng SOS Đà Lạt. Ảnh: P.Nhân |
“Ðơn thân” nuôi con
Đó là một ngôi làng rất đặc biệt ở Đà Lạt, duy nhất của tỉnh Lâm Đồng, cả Tây Nguyên chỉ có 2 làng, trong nước chỉ có 17 làng như thế. Đó là Làng SOS Đà Lạt tại Phường 9 - Đà Lạt.
14 ngôi nhà trên, mỗi nhà mang tên một loài hoa dễ thương của xứ nghìn hoa Đà Lạt này: Phong Lan, Thủy Tiên, Đỗ Quyên, Pensée... Trong mỗi ngôi nhà đó chỉ có một bà mẹ “đơn thân” một mình chăm sóc cả một đàn con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cả chục đứa con này, lớn có nhỏ có như một đại gia đình, con không do bà mẹ sinh ra nhưng lại có công lớn dưỡng dục, đó là những trẻ em bị bỏ rơi hay mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhận vào làng và tại đây các em sẽ có một mái ấm thực thụ với một người mẹ hiền ngày ngày bảo ban, dạy dỗ. Trong 14 căn nhà đó, mỗi mẹ chăm con theo một cách riêng của mình, không người nào giống người nào.
Làng trẻ em SOS là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ và bảo vệ trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Người sáng lập tổ chức này là ông Hermann Gmeiner, người Áo, vào năm 1949.
Cho đến nay, hệ thống SOS đã có mặt ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ với 438 Làng trẻ em SOS.
Tại Việt Nam hiện có 17 Làng SOS đang hoạt động trải đều trong nước với trên 3.100 trẻ đang được nuôi dưỡng cùng với khoảng 2.800 em đã trưởng thành.
Tại Đà Lạt có một ngôi trường phổ thông mang tên người sáng lập tổ chức này, đó là Trường Phổ thông Hermann Gmeiner tại Đà Lạt, sát cạnh Làng SOS Đà Lạt.
|
Đón chúng tôi với nụ cười phúc hậu trong căn nhà mang tên hoa Thạch Thảo, mẹ Lê Thị Thanh Nở năm nay đã 60 tuổi, một trong những người gắn bó rất lâu vào hàng “cựu trào” của làng. Bà đã vào đây làm việc sau khi Làng SOS Đà Lạt tái lập trở lại trong năm 1989. “Mới đó mà đã gần 30 năm rồi!” - bà nhẩm tính.
Trước khi vào làm việc ở đây, mẹ Nở từng là giáo viên mầm non, khi nghe Làng SOS Đà Lạt tuyển người, bà muốn “thử sức” ở một môi trường mới xem sao. Bà bảo hồi nhỏ chính mình cũng từng bị tổn thương tâm lý nên lớn lên thích làm cô giáo mầm non, thích ở bên trẻ em, chăm sóc chúng để mỗi đứa trẻ không phải tổn thương tâm lý như mình, đều được hưởng một tuổi thơ hồn nhiên. Khi vào Làng, nhìn trẻ mồ côi với những ánh mắt thất thần, bà rất thương, chính tình thương này đã khiến bà gắn kết với làng từ đó đến nay.
Như mọi căn nhà nơi đây, nhà Thạch Thảo của mẹ Nở cũng có cách bài trí rất riêng, chẳng giống nhà nào. Như mẹ Nở bảo, có mẹ thích đơn giản, có mẹ thích cầu kỳ nhưng điểm chung của những ngôi nhà trong làng này đều treo những bức tranh ngộ nghĩnh do chính tay các thành viên trong nhà vẽ. Trong ngôi nhà Thạch Thảo đó, với 7 đứa con đang ở, hầu hết đều là người trong tỉnh Lâm Đồng, đứa lớn nhất đang học lớp 7, đứa nhỏ nhất đang học mẫu giáo, tranh đứa nào vẽ tốt đều được mẹ Nở treo trên tường nhà. Đó còn là các tấm hình chụp chung với nhau của những đứa con lớn nay đã rời nhà, những sản phẩm đan thêu nhỏ nhắn xinh xinh do tự tay các con làm được bà trân trọng treo lên…
Nhẩm tính với chúng tôi, mẹ Nở bảo từ khi vào làng đến nay bà đã là mẹ của 26 người con, 9 trai, 17 gái và giờ đã có 8 cháu ngoại. Có biết bao kỷ niệm cho từng đứa con của bà, bà kể vanh vách. Như có đứa con khi làng nhận vào chỉ mới hơn 3 ngày tuổi, dây rốn còn chưa khô, một người nào đó đã đem bỏ em ngay trước cổng làng. Rồi có đứa mắc bệnh tim, tính tình hay cáu gắt. Những ngày nắng nóng, những đêm trở trời khi các con bệnh tật bà phải thức trắng đêm cùng con.
Trong làng cùng với mẹ Nở còn có mẹ Nguyễn Thị Đào, 60 tuổi, cũng là người vào làng làm việc cùng đợt, cả 2 thuộc về lớp mẹ đầu tiên của ngôi làng. Từng là một hiệu trưởng của một ngôi trường lớn tại Lâm Đồng, bà đã tình nguyện vào làng công tác. Bà kể rằng lúc mới vào đây bà nhận chỉ có mỗi ngôi nhà, bên trong nhà hầu như không có gì, phải tự tay sắm sửa những đồ dùng cần thiết cho một gia đình. Khác với ngôi nhà mẹ Nở, nhà Hướng Dương của mẹ Đào lại trang trí rất đơn giản nhưng ấm cúng vì theo mẹ như thế sẽ phù hợp hơn với trẻ con. Như một bà mẹ bình thường khác trong mọi gia đình, hằng ngày bà lo cơm nước, giặt giũ, sắm sửa và chỉ bảo cho các con mình học, đến bữa cơm, cả nhà quây quần bên nhau.
Tình mẫu tử
Như mẹ Đào cho biết, hầu hết những đứa trẻ trong làng này tuy không thiếu ăn nhưng đều thiếu thốn tình cảm gia đình, đặc biệt là thiếu tình thương của cha mẹ. Chính vì thế các mẹ trong làng cố gắng giáo dục các em một cách cẩn thận nhằm bù đắp phần nào những tổn thương mà các em đã trải qua.
Với con mình, mẹ Đào bảo mình trước nhất phải đối xử chân thành, nhẹ nhàng, ân cần chỉ bảo từng chút một ngay từ những ngày đầu mới vào rồi tình cảm mẹ con sau đó dần sẽ được vun đắp theo năm tháng. “Việc nuôi dạy con không phải dễ dàng, người lớn tuổi còn có kinh nghiệm, còn các mẹ trẻ thì vẫn còn thiếu điều này nên hằng năm làng cho các mẹ đi học lớp nâng cao về tâm sinh lý trẻ để có cách dạy con khoa học hơn” - mẹ Đào cho biết.
Theo mẹ Đào, mỗi nhà ở đây đều có cách dạy con riêng, có nội quy riêng của từng nhà. “Bởi nhà nào cũng trên dưới chục đứa con, mỗi đứa lại có hoàn cảnh xuất thân riêng, đâu phải đứa nào cũng hoàn thiện, có đứa trung thực nhưng cũng có đứa hay nói dối, nếu không khéo léo dạy dỗ thì chúng không bỏ được. Tuy chúng có lúc nghịch ngợm, quậy phá làm buồn lòng nhưng nếu biết cách dạy thì chúng lại rất nghe lời và rất ngoan”.
Còn mẹ Nở chia sẻ: “Các mẹ trong làng này không phải như những bà mẹ bình thường, cha mẹ ở ngoài có thể la mắng, nhưng các mẹ ở đây nếu không ý tứ, chuẩn mực thì các em sẽ cãi lại ngay”. Chính vì vậy, mẹ Nở thường dạy con bằng cách trong nhà có việc gì, mẹ làm trước sau đó mới bày cho con làm, khen chê hay xử phạt từng đứa rất công bằng, phân minh. Mẹ Nở cũng chú ý dạy con biết ăn nói, xưng hô lễ phép, gặp ai phải chào hỏi, dạy chúng không nên đua đòi, trong nhà giờ nào việc đó, chia đều việc nhà cho từng thành viên lớn bé cùng làm.
Như bất kỳ bà mẹ nào trên thế gian này, niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ Nở, mẹ Đào và các bà mẹ ở đây chính là việc nhìn thấy những đứa con trong nhà mình khôn lớn, trưởng thành, có ăn học, có công ăn việc làm, có nghề nghiệp, lập gia đình, sinh sống, thành đạt trong xã hội. “Cứ mỗi dịp lễ, tết hay có dịp chúng lại cùng về quây quần với nhau và đó là dịp vui nhất của chúng tôi” - mẹ Đào nói.
Từ mái ấm này
Làng SOS Đà Lạt được xây dựng từ năm 1974 và là ngôi làng SOS thứ hai được xây dựng tại Việt Nam sau Làng SOS Gò Vấp - TPHCM trước đó. Sau một quãng dài tạm ngưng hoạt động vì nhiều lý do, mãi cho đến năm 1989, SOS Đà Lạt mới được tái lập trở lại.
Nơi đây làng hiện có 14 ngôi nhà, mỗi nhà như thế có 1 bà mẹ trông nom, các mẹ là người độc thân, không vướng bận gia đình, coi đây như là nhà và coi các con như con ruột của mình. Những ngôi nhà đặc biệt này sẽ nhận nuôi trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi hoặc không biết bố mẹ mình là ai, bố mẹ tái hôn không có ai nuôi dưỡng. Khi được nhận vào làng các em sẽ được nuôi ăn học đến hết bậc trung học phổ thông, sau đó chuyển sang chế độ bán tự lập, làng vẫn lo cho các em vào đại học, cao đẳng hoặc cho đi học nghề, cho đến khi các em có công ăn việc làm ổn định và có thể tự lập hoàn toàn.
Từ khi tái lập lại đến nay, SOS Đà Lạt đã nhận nuôi tổng cộng 349 em, tất cả đều được ăn học đầy đủ. Trong số này đến nay đã có 92 em lập gia đình, 129 em đã có thể sống tự lập hoàn toàn, hiện có 70 em đang học ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trong cả nước, 19 em bán tự lập; trong làng hiện đang nuôi dạy 131 em.
Cùng với nuôi tập trung tại làng, SOS Đà Lạt lâu nay còn có Lưu xá thanh niên và từ năm 2005 đến nay đều đặn duy trì rất tốt chương trình hỗ trợ cộng đồng nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ rơi các em, hỗ trợ tài chính cho người thân hằng trăm gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nuôi dạy các em, giúp các em đến trường.
Riêng tại SOS Đà Lạt, như ông Trần Bảo Long, Giám đốc Làng cho biết, cũng tuân thủ các nguyên tắc chính của Tổ chức SOS Quốc tế như bất cứ ngôi làng SOS nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Ở ngôi làng này, trong 28 năm hoạt động, rất nhiều số phận bất hạnh, bơ vơ đã tìm thấy lại mái ấm của mình, tìm thấy anh em, thấy gia đình, được sưởi ấm bởi tình mẫu tử, được gia nhập vào một cộng đồng lớn gồm các anh em với các bà mẹ trong một ngôi làng, của rất nhiều ngôi làng SOS ở Việt Nam và những ngôi làng tương tự trên thế giới. Từ mái ấm này, với sự bảo bọc của mẹ, của làng, các em đã lần lượt lớn lên, trưởng thành, đến lúc ra đi tìm một chỗ đứng cho mình trong cuộc đời. Rất nhiều em nhờ siêng năng học hành đã thành công, trở thành người có địa vị trong xã hội nhưng cũng có những em ước mơ giản dị hơn với việc học nghề, tinh thông một nghề để tự lập mưu sinh.
Và khi đến lúc các em muốn xây mái ấm cho mình, nếu không có người thân thì làng sẽ đứng ra dựng vợ, gả chồng cho các em. “Chỉ mong các em có công ăn việc làm ổn định, có thể tự lập và có một gia đình hạnh phúc” - ông Long hy vọng.
Phóng sự: V.TRỌNG - T.PHƯƠNG