Những năm qua, những thú chơi bộ môn nghệ thuật từ các loại cây cảnh, đá cảnh, phong lan, gỗ lũa và bonsai kiểng cổ... luôn thu hút nhiều người dân Di Linh tham gia sưu tầm, phát triển và coi đây là một thú chơi tao nhã, mang đậm nét văn hóa và tính chất triết lý của người phương Ðông.
Những năm qua, những thú chơi bộ môn nghệ thuật từ các loại cây cảnh, đá cảnh, phong lan, gỗ lũa và bonsai kiểng cổ... luôn thu hút nhiều người dân Di Linh tham gia sưu tầm, phát triển và coi đây là một thú chơi tao nhã, mang đậm nét văn hóa và tính chất triết lý của người phương Ðông.
|
Ông Phạm Quốc Việt giới thiệu sản phẩm cho khách. Ảnh: N.B |
Ông Đinh Công Bình - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Di Linh chia sẻ: “Năm 2001, Hội SVC huyện được thành lập, lúc đầu chỉ qui tụ 12 thành viên là những người có chung niềm đam mê nghệ thuật với thú chơi cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa và phong lan... Đến nay, hội có 285 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội và 3 câu lạc bộ, trong đó có 84 hội viên là nghệ nhân cấp huyện, cấp tỉnh và 3 hội viên được đề cử nghệ nhân cấp Trung ương”.
Từ khi được thành lập, Hội SVC huyện Di Linh không chỉ chú trọng xây dựng và phát triển hội trên nhiều lĩnh vực; tìm kiếm, sưu tầm nhiều tác phẩm; khơi dậy niềm đam mê, sức sáng tạo để nâng cao tính nghệ thuật ở các loại bộ môn… mà còn là một sân chơi bổ ích để tạo điều kiện cho những người có chung đam mê được giao lưu, học hỏi, nâng cao tay nghề.
Từ 4 bộ môn ban đầu, đến nay hội đã phát triển 10 bộ môn chuyên biệt như: Bonsai kiểng cổ, gỗ lũa, đá cảnh, cây khô nghệ thuật, đá mỹ nghệ và hoa các loại... có giá trị nghệ thuật cao. Từ các gốc, rễ cây và những hòn đá... vô tri, vô giác, tưởng chừng không có giá trị, nhưng qua sự cảm nhận bằng con mắt tinh đời và đôi tay khéo léo chế tác của các nghệ nhân, nó đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, giá trị cao, nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng tại các kỳ Lễ hội hoa xuân TP Hồ Chí Minh, Festival Hoa Đà Lạt... Trong đó, những tác phẩm ấn tượng đã đạt nhiều giải vàng và giải đặc biệt.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở chế tác gỗ lũa, cây gỗ khô nghệ thuật, điêu khắc gỗ của ông Đỗ Duy Đạo với hơn 20 năm trong nghề để có một bộ sưu tập thật đáng nể. Ngoài những bộ bàn ghế được làm từ gốc cây đẹp mắt, có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, ông còn sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo và đã từng đoạt giải xuất sắc trong Lễ hội 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội hay Lễ hội hoa xuân Tao Đàn, TP Hồ Chí Minh như: “Bát tiên quá hải”, “Thiên Long lạc cảnh”… Hiện nay, ông Đạo đã hoàn thành các tác phẩm rất độc đáo như: “Mãnh hổ đoạt sơn”, “Cửu Long trân châu”... Riêng “Cửu Long trân châu” là tác phẩm khá đồ sộ và qui mô với chiều cao 4,5 m, bề ngang 3,4 m và có trọng lượng 4,5 tấn. “Ngoài niềm đam mê, đòi hỏi người chơi những bộ môn nghệ thuật này phải không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo. Có những đêm tôi không ngủ được vì phải suy nghĩ để cho ra những tác phẩm độc, lạ, những tác phẩm chỉ mình có mà người ta không có thì tác phẩm đó mới có giá trị” - ông Đỗ Duy Đạo cho biết.
Nếu những ai đã một lần đến thăm gia đình ông Đinh Công Bình, chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên trước hàng ngàn tác phẩm đồ sộ và độc đáo được ông chất đầy phòng khách, ở ngoài hiên và cả trước sân nhà. Ngoài khu vườn bonsai, cây cảnh, ông còn sở hữu những tác phẩm gỗ lũa độc đáo có một không hai. Ông Đinh Công Bình cho biết: Nét độc đáo và hấp dẫn nhất của các tác phẩm, đó là sự kết hợp hài hòa của thiên nhiên tạo nên vẻ đẹp qua con mắt nghệ thuật của con người cảm nhận được.
Còn với Cơ sở sản xuất cây cảnh nội thất Quốc Việt đã từng xuất bán ra thị trường nước ngoài, như Nhật Bản và Singapore, để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Nguyên đán này, Cơ sở sẽ cho ra 40 loại sản phẩm với hơn 25.000 sản phẩm các loại được thị trường ưu chuộng để trang trí trong nhà, cơ quan, văn phòng...
Ông Phạm Quốc Việt - Chủ cơ sở chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng đầu tư trồng hoa lan hồ điệp nhưng do trị trường cạnh tranh mạnh mẽ, nên tôi đã tìm tòi, nghiên cứu thị trường và học hỏi nhiều nơi kể cả ở nước ngoài để cho ra những sản phẩm độc quyền về cây cảnh trang trí nội thất”.
Khi đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện thì nhu cầu về hưởng thụ cái đẹp ngày càng được nâng cao. Vì vậy, thú chơi cây cảnh, đá cảnh, gỗ lũa, đá mỹ nghệ, phong lan, gỗ điêu khắc, bonsai kiểng cổ... được nhiều người quan tâm và không chỉ thỏa mãn sự yêu thích cá nhân mà còn đem lại nguồn lợi kinh tế, giải quết việc làm cho lao động địa phương. Riêng Cơ sở sản xuất cây cảnh nội thất Quốc Việt đã tạo công ăn việc làm cho từ 20 - 30 lao động với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
NDONG BRỪM