Thứ 2, 21/04/2025, 03:18

Trường học gắn với sản xuất, kinh doanh

08:01, 10/01/2018

Ðó là một trong những nhiệm vụ của giáo dục trung học năm học 2017-2018 nhằm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. 

Ðó là một trong những nhiệm vụ của giáo dục trung học năm học 2017-2018 nhằm đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. 
 
Gian hàng của học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: T.H
Gian hàng của học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Ảnh: T.H

Lần đầu tiên, tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ X năm học 2017 - 2018 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa tổ chức có một khu trưng bày các sản phẩm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh và hoạt động trải nghiệm, sáng tạo của học sinh. Đó cũng là mô hình mẫu được Bộ GDĐT “đặt hàng” để giới thiệu cho các địa phương khác học tập tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Sở GDĐT Lâm Đồng đăng cai được tổ chức tại Đà Lạt vào tháng 3 tới. 
 
Dạy học gắn với thực tiễn sản xuất
 
Tự tin giới thiệu về gian hàng của trường tại khu trưng bày, Trần Thị Lan Vy - học sinh lớp 10A1 Trường THPT Xuân Trường, Đà Lạt cho biết, đây là những sản phẩm do chính tay học sinh nhà trường làm ra. Những hộp cà phê thơm lừng, gói hồng sấy khô bắt mắt hay chậu hoa hồng môn rực rỡ là các sản phẩm chủ lực của trường. Đây là kết quả sau một học kỳ được nhà trường triển khai theo phương pháp đổi mới hình thức giáo dục hướng nghiệp gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. 
 
Thầy Đỗ Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Trường cho rằng, đây là hoạt động rất thiết thực, nhằm giúp học sinh có điều kiện áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã liên hệ với một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn để học sinh được tham gia sản xuất. Học sinh nhà trường được tận tay làm ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương như chế biến cà phê Arabica, sấy hồng dẻo, chăm sóc hoa hồng môn, trồng rau và dâu tây thủy canh… 
 
“Chúng em được tham gia tất cả các công đoạn để làm ra một mẻ cà phê thơm ngon. Từ hái, rửa, phơi, phân loại, rang, xay đến đóng gói. Trong Ngày hội Cà phê Việt Nam vừa được tổ chức tại Đà Lạt, chúng em đã thử tham gia bán hàng cùng với cơ sở cà phê Khanh Cầu Đất và thật vui khi đã bán được hơn 100 kg cà phê ”, Lan Vy hào hứng khoe.
 
“Riêng đối với sản phẩm hồng sấy dẻo, tụi em bán qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Bản thân em thấy vô cùng thích thú khi được tự tay làm ra sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tham gia hoạt động này, em hiểu rõ bài học hơn vì áp dụng được những kiến thức như môn Sinh, Hóa vào thực tế. Không những vậy, tụi em trở nên năng động hơn và có thêm kỹ năng làm việc nhóm. Qua đó, giúp học sinh có thể kiếm tiền vừa sức của mình và có sự hướng nghiệp cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho địa phương”, Hoàng Thị Cúc - học sinh lớp 12A2 chia sẻ. 
 
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo
 
Còn gian hàng của học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Di Linh gồm 3 sản phẩm: than sinh học nung từ vỏ sầu riêng, than tiền hoạt tính từ gáo dừa và chế phẩm Rosemary chiết xuất từ dầu của các loại lá cây như sả, chanh, hương nhu... để phòng chống muỗi, côn trùng. Đây là những sản phẩm từ hoạt động nghiên cứu khoa học và trải nghiệm sáng tạo của học sinh nhà trường. 
 
Với những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong áp dụng những kiến thức đã học để mày mò, nghiên cứu ra các sản phẩm có thể ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Nguyễn Hoài Bảo - học sinh lớp 11A4 cho biết, với sản phẩm than sinh học nung từ vỏ sầu riêng có thể dùng để trồng các loại cây cảnh hay lan, còn than tiền hoạt tính từ gáo dừa dùng để xử lý nước thải từ phòng thực hành. Riêng chế phẩm Rosemary phòng chống muỗi, côn trùng đã được bán cho học sinh, giáo viên trong trường cũng như người dân khu vực xung quanh trường.
 
Đặc biệt, gian hàng của học sinh Trường Khiếm thính Lâm Đồng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhìn những chiếc giỏ xách tỉ mỉ làm bằng tay, cục xà bông xinh xắn hay những chiếc bánh ngọt bắt mắt, ít ai nghĩ đây chính là sản phẩm do tự tay học sinh khiếm thính làm ra. Cô Nguyễn Thị Lợi - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, các sản phẩm này từ hoạt động dạy nghề cho học sinh khuyết tật, qua đó, giúp các em định hướng nghề nghiệp để ra trường kiếm được việc làm phù hợp và có cơ hội hòa nhập cộng đồng. 
 
“Bên cạnh hoạt động dạy học, ngành Giáo dục đang khuyến khích các trường tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, góp phần phát triển năng lực học sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục trung học từ việc đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống để hội nhập sau này”, thầy Phan Linh Khánh - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Lâm Đồng nhấn mạnh.
 
TUẤN HƯƠNG