Nhớ về đồng đội, cảm xúc dạt dào lại về trong người lính đặc công ngày nào, đồng đội hy sinh để cho đất nước vang khúc khải hoàn, để gieo vào người ở lại cả một trời thương nhớ…
Nhớ về đồng đội, cảm xúc dạt dào lại về trong người lính đặc công ngày nào, đồng đội hy sinh để cho đất nước vang khúc khải hoàn, để gieo vào người ở lại cả một trời thương nhớ…
|
Ông Dũng nghiên cứu tài liệu để phục vụ công việc tìm kiếm và quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Đ.T |
Tôi biết các anh đã ngã xuống, nằm xuống, yên nghỉ trên đất mẹ nhưng nhất quyết phải đưa các anh về, về với quê hương, về với người thân, về với đồng đội, về với sự tri ân của Tổ quốc, về với nhân dân, để chúng tôi dâng lên những nén tâm hương bày tỏ tấm lòng”. Sự xúc động hiện rõ trên khuôn mặt của cựu chiến binh Nguyễn Duy Dũng (Tổ dân phố 21, Phường 2, TP Đà Lạt), người từng tham gia những trận đánh ác liệt tại Lâm Đồng trong một đơn vị đặc công, quả đấm thép khiến quân thù khiếp đảm, đã ra quân là tiêu diệt chớp nhoáng, buộc quân thù phải buông vũ khí đầu hàng vô điều kiện.
Vẻ mặt quắc thước, tác phong nhanh nhẹn hiển hiện trong người lính đặc công ngày nào. Sinh năm 1949 tại quê hương quan họ Bắc Ninh, chàng lính trẻ nhập ngũ vào tháng 2 năm 1968 và được huấn luyện tại Tiểu đoàn 1, Sư đoàn 305 Đặc công tại Thủ đô Hà Nội. Tháng 11 năm 1969, sau một thời gian huấn luyện, ông Dũng hành quân vào Đà Lạt, biên chế vào Tiểu đoàn hỗn hợp (Tiểu đoàn 810) của Tỉnh đội Tuyên Đức (cũ). Đến năm 1971, ông Dũng trực tiếp chiến đấu thuộc Đại đội biệt động C850 của Thị đội Đà Lạt. Những trận đánh ác liệt, mang tầm quyết định được ông Dũng nhớ lại như in: Ngày 31/3/1970, đơn vị chúng tôi đánh vào Trung tâm chính trị của thành phố; ngày 24/4/1970, tiếp tục đánh vào Khu quân cụ quyết tiến của địch; ngày 10/5/1970 đánh vào lực lượng Cảnh sát dã chiến và đến ngày 31/5/1970 thì lực lượng biệt động chia làm hai mũi đánh đòn quyết định vào Dinh Thị trưởng và Lữ quán thanh niên của địch. Mọi trận đánh chúng tôi đều đánh một cách chớp nhoáng, thu vũ khí, địch đầu hàng vô điều kiện.
Và, kỷ niệm day dứt nhất của ông Dũng chính là sự hy sinh oanh liệt của đồng đội mình trong những ngày “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Đồng đội hy sinh trên mảnh đất Nam Tây Nguyên này chính là những chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn Đặc công 200C, Quân khu 6 được điều từ Bình Thuận lên Lâm Đồng để hiệp đồng tác chiến với các đơn vị của ta đã trực chiến sẵn. Rồi sự hy sinh anh dũng của Thiếu úy Nguyễn Văn Hiện - Chính trị viên Đại đội C850, Thành đội Đà Lạt; đồng chí Nguyễn Văn Hường - đơn vị đặc công 200C và một đồng chí khác mà ông Dũng chỉ biết tên là Việt quê ở miền Bắc cũng thuộc đơn vị đặc công này. Những ký ức này cứ chảy mãi trong con người hai thứ tóc mỗi khi đêm xuống, rồi trở giấc khi nghe đồng đội gọi: Xung phong!
Sự day dứt của ông Dũng là có căn nguyên vì cho đến nay phần mộ của các liệt sĩ này vẫn chưa tìm thấy, để có thể đưa các anh về trong tình cảm, sự biết ơn bao la của con dân đất Việt. Từ năm 1997, ông Dũng đã cùng các đơn vị của Ban Chỉ huy Quân sự TP Đà Lạt, những người lính may mắn sống sót của đơn vị đặc công 200C năm xưa, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lạc Dương cố công tìm kiếm, ăn rừng ngủ núi, thâm mình với sương gió để đưa hài cốt các anh trở về. Nhưng... địa hình, địa vật thay đổi một cách khó tả, trí nhớ kém đi vì tuổi tác cho dù ký ức còn vẹn nguyên một thời hoa lửa.
Một sự day dứt khác, sự day dứt khôn cùng chính là đồng đội hy sinh để mình được sống, được nhìn thấy Tổ quốc thay da đổi thịt. Ông Dũng tâm sự: “Đồng đội ơi! Đồng đội hiysinh anh dũng để tấm thân này có ngày hôm nay, chính vì vậy công cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt các anh không bao giờ ngưng nghỉ, cho dù kẻ đầu bạc nhắm mắt xuôi tay thì có thế hệ kế tiếp làm công việc này. Đó là một nhiệm vụ, một vinh dự lớn lao cho những con người sống trong thời bình”.
Ông Nguyễn Văn Sáu là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Hường (đơn vị đặc công 200C) đã bao lần rời Bình Thuận lên Đà Lạt, gặp ông Dũng, ăn núi ngủ rừng cùng ông, thắp nén nhang thơm mà nước mắt chan chứa vì hài cốt của anh trai mình chưa được tìm thấy. Nhưng, ông Dũng luôn động viên, tạo mọi điều kiện ăn ở và sinh hoạt ngay tại gia đình mình cho thân nhân của liệt sĩ để tìm kiếm hài cốt, bản thân ông cũng tự mình nghiên cứu địa hình, địa vực, trực tiếp đi “tiền trạm” để khảo sát tình hình, cung cấp các dữ liệu có ích cho việc tìm kiếm, cất bốc.
Giọt nước mắt lại lăn dài trên gò má của người chiến sĩ đặc công năm xưa khi nhớ về đồng đội và ông tự hứa với lòng mình khi nào còn sức, còn lực thì vẫn tiếp tục đi tìm đồng đội trên mọi nẻo đường...
ÐỨC TÚ