Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt cho biết, trong năm 2017, đơn vị đã tiếp tục tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Ðà Lạt cho biết, trong năm 2017, đơn vị đã tiếp tục tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
|
Một chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo của Viện với Nhật Bản. Ảnh: G.K |
Tăng cường hợp tác quốc tế
Chỉ tính trong năm 2017 vừa qua, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho biết đã đầu tư trên 12 tỷ đồng để mua các trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm tại đơn vị mình nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học.
Hiện Viện đang thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế vùng châu Á - Thái Bình Dương gồm các dự án RAS và FNCA do các cán bộ của Viện làm điều phối viên.
Các dự án RAS gồm Dự án RAS/7/028 “Nâng cao năng lực quan trắc và đánh giá tác động tiềm ẩn bởi sự phóng thích phóng xạ từ các cơ sở hạt nhân đến hệ sinh thái môi trường biển trong vùng châu Á - Thái Bình Dương (RCA)” giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án RAS/6/082 “Phát triển các sản phẩm dược phóng xạ cho Y học hạt nhân” giai đoạn 2016 - 2017.
Dự án FNCA gồm các tiểu dự án “Phân tích kích hoạt”, “Hệ thống quản lý an toàn cho các Lò Phản ứng nghiên cứu” và “Hệ mạng về ứng dụng Lò Phản ứng nghiên cứu cho sản xuất đồng vị phóng xạ”.
Viện cũng đang thực hiện 2 hợp đồng nghiên cứu với tổ chức Nguyên Tử Năng Quốc tế (IAEA) trong các lĩnh vực nghiên cứu sâu về kỹ thuật và công nghệ hạt nhân.
Trong năm 2017, Viện cũng hoàn thành các nội dung trong chương trình hợp tác song phương với Nhật Bản và Hoa Kỳ về hợp tác đào tạo như chương trình đào tạo “Ứng phó sự cố an ninh nguồn phóng xạ” với Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia - Hoa Kỳ và hợp tác với IAEA trong lĩnh vực “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong nghiên cứu sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất nông nghiệp, nước mặt và vùng biển ven bờ”.
Trong năm 2017, Viện đã tiếp và làm việc với 14 đoàn khách quốc tế, 37 chuyên gia đến tham quan và làm việc tại đây trong nhiều lĩnh vực hợp tác cũng như tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành, hội thảo quốc tế, tổ chức các chương trình hợp tác song phương, diễn đàn hợp tác…
Đồng thời, trong năm 2017, Viện đã cử 67 lượt cán bộ dự các hội nghị, hội thảo, tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn ngoài nước thông qua các chương trình hợp tác với IAEA và với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 9 cán bộ đi làm nghiên cứu sinh tại các nước Nhật, Hàn Quốc, Nga, Belarus, Đài Loan; 5 cán bộ đi học cao học chuyên ngành tại Nga, Hàn Quốc, Hungary và Nhật Bản.
Trong đào tạo, Viện trong năm qua đã thực hiện 2 khóa chuyên sâu về Công nghệ Lò phản ứng cho các học viên của Viện cũng như tái đào tạo các nhân viên đang vận hành tại Lò. Cùng đó, Viện đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện chuyên ngành, thực tập chuyên đề như tổ chức Hội thảo Quốc tế về “Xử lý phóng xạ: các yêu cầu và lựa chọn giải pháp” với 25 đại biểu đến từ 13 quốc gia trên thế giới; phối hợp với Phòng thí nghiệm quốc gia Sadia - Hoa Kỳ tổ chức khóa “Ứng phó sự cố an ninh nguồn phóng xạ” cho nhiều học viên; phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng tổ chức khóa “Ban chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân” cho lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo, cán bộ quản lý các sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong năm qua, Viện cũng tổ chức các lớp tập huấn về an toàn bức xạ trong công nghiệp và y tế dành cho những người đang vận hành trang thiết bị bức xạ tại các cơ quan, đơn vị trong nước, trong đó có Lâm Đồng.
Ðẩy mạnh thông tin khoa học
Viện trong thời gian gần đây đã không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ đến cộng đồng xã hội thông qua các hình thức tham quan, triển lãm, phổ biến tài liệu.
Trong năm 2017, Viện đã tổ chức, phối hợp tổ chức giảng bài, hướng dẫn cho 39 đoàn khách gồm học sinh, sinh viên, cán bộ trong và ngoài nước với tổng cộng gần 3 nghìn lượt người (tăng hơn năm 2016 hơn 500 lượt người). Về cơ bản, chương trình giới thiệu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của Viện hiện đã có sự đổi mới bằng mô hình trực quan hướng đến ứng dụng; phương pháp thuyết trình cũng được đổi mới giúp người nghe dễ hình dung và hiểu rõ hơn về các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Nhằm hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, Viện cũng tăng cường hoạt động của thư viện chuyên ngành tại đơn vị mình, thường xuyên xử lý các tài liệu khoa học như sách - báo - tạp chí, kết quả đề tài... nhằm phục vụ tốt hơn cho cán bộ - công nhân viên trong Viện cũng như các học viên, nghiên cứu sinh có nhu cầu tham khảo sách chuyên ngành.
Hiện thư viện số của Viện trên mạng đã được cập nhật với khoảng 1.800 tài liệu toàn văn trong cơ sở dữ liệu bao gồm báo, tạp chí chuyên ngành, các kết quả nghiên cứu khoa học, luận án, luận văn, thông tin chuyên ngành, văn bản pháp luật… Thư viện số này đang được vận hành tương đối ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ trong Viện có thể truy cập, tìm kiếm và lấy tài liệu; đồng thời cũng cho phép độc giả ngoài Viện có thể truy cập vào đây để xem một số tài liệu được phép.
GIA KHÁNH