CN, 27/04/2025, 18:27

50 năm, ngày ấy - bây giờ

03:02, 01/02/2018

(LĐ online) - 9 giờ sáng nay (1/2), tại Đài PT-TH tỉnh, chương trình tọa đàm kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 do Hội LHPN Lâm Đồng - Hội Cựu Chiến binh và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phối hợp với Đài PT-TH Lâm Đồng tổ chức với chủ đề: "50 năm, ngày ấy - bây giờ". 

(LĐ online) - 9 giờ sáng nay (1/2), tại Đài PT-TH tỉnh, chương trình tọa đàm kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 do Hội LHPN Lâm Đồng - Hội Cựu Chiến binh và Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phối hợp với Đài PT-TH Lâm Đồng tổ chức với chủ đề: “50 năm, ngày ấy - bây giờ”.
 
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng quà và hoa tôn vinh các chứng nhân lịch sử cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Bà Phạm Thị Mỹ Huyền - TUV - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh tặng quà và hoa tôn vinh các chứng nhân lịch sử
cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

* Khí thế Mậu Thân năm 1968 bây giờ vẫn còn cảm xúc
 
Tham dự buổi tọa đàm có các chứng nhân lịch sử tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968  và 50 điển hình sinh năm 1968 có thành tích nổi bật trên các lĩnh vực, trên 100 cán bộ, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên.  
 
Cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân 1968 đã đi qua 50 năm nhưng đối với các chứng nhân lịch sử tham gia trực tiếp là điều không thể nào quên. Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thiêng – Nguyên Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Đức, năm 1968, lúc ấy bà chỉ ngoài 20 tuổi, tham gia hoạt động ở nội thành, từ 1962 -1967 bà phụ trách phong trào sinh viên học sinh Đà Lạt, dựa vào cơ sở cốt cán xây dựng phong trào đi lên, lực lượng cốt cán nhất là chị em phụ nữ có con em là sinh viên. Bà kể lại: Chúng tôi bồi dưỡng một số cốt cán trở thành đối tượng Đảng, trong trận Mậu thân 1968 số cốt cán này được kết nạp Đảng, cuộc tiến công và nổi dậy nổ ra ác liệt ở nhiều nơi tại Đà Lạt. Đồng thời, chúng tôi xây dựng một số tổ phụ nữ ở Nam Thiên, Chợ Đà Lạt… Sự thật phong trào phụ nữ Đà Lạt - Tuyên Đức rất sôi nổi, lịch sử có ghi lại cụ thể chi tiết.
 
Bà Lưu Thị Thanh An, người trực tiếp phục vụ trận đánh vào tiểu khu Di Linh năm 1968, kể lại quá trình tham gia cách mạng: Tôi là con gái Tiền Giang, năm 1963 đã tham gia hoạt động ở Tiền Giang, cuối 1964 tôi lên Tỉnh đội Lâm Đồng, là chiến sĩ được phân công làm văn thư bảo mật. Khi tôi tiếp nhận được chỉ thị 14 rất tuyệt mật, không phổ biến toàn văn, nhưng tôi hiểu Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968 như thế nào, còn các chiến sĩ nói chung chỉ biết sắp đến có chiến dịch đánh lớn, lực lượng vũ trang Lâm Đồng rất phấn khởi. Năm 1968, trận đánh tôi không thể quên, tôi nhớ từng chi tiết đó là quân ta huy động toàn lực lượng tham gia trận đánh vào tiểu khu Di Linh. Lực lượng giữa địch và ta không cân xứng, ta ít địch nhiều, mình hy sinh rất nhiều dù trận đánh diễn ra chỉ 2 tiếng đồng hồ. Tôi nhớ khi giải phóng năm 1975 vẫn còn 37 hài cốt chiến sĩ còn chôn ở đó, anh em bị thương nhiều, nhất là bị thương đầu, đưa về phía sau còn bị một trận đánh nữa, anh em bị đói, có anh em đi lạc đường… Mặc dù tổn thất lớn nhưng anh em tiếp tục hành quân chiến đấu, vẫn khí thế hừng hực, bởi tin tức dồn dập về anh em phấn khởi, hy vọng năm 1968 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Tôi nhớ, tinh thần cán bộ chiến sĩ háo hức, khí thế xuân Mậu Thân năm 1968 bây giờ vẫn còn cảm xúc. Ngày 22/12/1968 thành lập đơn vị pháo binh nữ, có cả chị em nữ dân tộc thiểu số, tất cả 42 chị em được huấn luyện trong  thời gian ngắn, đã bắn pháo cối vào giặc, bắn cháy cả kho xăng của địch, ta hy sinh 2 đồng chí, bị lạc 4 đồng chí (đi lạc trong rừng tới 25 ngày đêm), đơn vị Nữ pháo binh 8/3 qua 2 trận đánh không thể nào quên.
 
Ông Phạm Trọng Ngân - Trợ lý đặc công hướng Tây Bắc, phục vụ tại chiến trường Tuyên Đức, kể lại những ngày rực lửa ấy, trận đánh ác liệt trong 12 ngày đêm. Ông Hoàng Phi Núi - Nguyên Đại đội phó của Đại đội 810 kể về trận đánh ở chiến trường hướng Đông Bắc vào thị xã Đà Lạt. Các cựu chiến binh đã say sưa kể lại những trận đánh oanh liệt và khẳng định thắng lợi to lớn nhất của xuân Mậu Thân 1968 đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh vào cơ quan đầu não của địch từ Đà Nẵng, Sài Gòn, Huế và 35 tỉnh, thành đánh vào đầu não, miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay, miền Nam mở đầu phong trào đánh Mỹ tiêu diệt đại đội Mỹ. Sau tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng tiếp tục bổ sung lớn mạnh, quân dân Đà lạt đã góp vào thành tích xứng đáng với Huân Chương Thành Đồng hạng 2. Riêng đại đội 810 đến 4/1968 thành lập tiểu đoàn 810 cũng đã được tuyên dương ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN với chiến công nổi bật nhất là trận đánh thẳng vào thị xã Đà Lạt, từ tiến công sang phòng ngự, thương vong nhiều nhất.
 
Những phụ nữ chứng nhân lịch sử cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tham gia buổi tọa đàm
Những phụ nữ chứng nhân lịch sử cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tham gia buổi tọa đàm

* Đừng bao giờ quên lịch sử hào hùng của cha ông
 
Ông Hoàng Phi Núi - Nguyên Đại đội phó của Đại đội 810 nhắn nhủ thế hệ hôm nay và mai sau đừng bao giờ quên lịch sử quân dân ta đã hy sinh nhiều xương máu mới giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình cho đất nước, phải làm thế nào có lợi cho đất nước và phải lắng nghe tổ quốc gọi tên mình.
 
Bà Nguyễn Thị Thiêng cho rằng đất nước ta hiện nay đang trong đà phát triển, hội nhập cần lực lượng trẻ có trí thức, bản lĩnh, cần phấn đấu học tập nâng cao kiến thức mọi mặt, tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh để đáp ứng yêu cầu hôm nay; hết sức đề cao cảnh giác mọi thế lực thù địch, âm mưu thủ đoạn xâm chiếm nước ta. Bà gởi gắm các bạn trẻ 6 chữ T: cần có tâm, tầm, tín và tránh tham, tù, tội. 
 
Để thắng lợi của cuộc tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 mãi không quên đối với nhiều thế hệ, bà Phạm Thị Mỹ Huyền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Tổ chức Hội làm nhiệm vụ tiếp lửa cho các thế hệ phụ nữ mai sau thông qua các hoạt động, chương trình cụ thể của Hội. Thường xuyên tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tiếp tục tự tin, khẳng định mình và chiến thắng giặc đói –đói về kinh tế, về trình độ hiểu biết, nhất là đói về CNTT trong thời đại công nghệ số 4.0. Vì vậy, mỗi chị em phụ nữ, đặc biệt nông thôn, nông nghiệp biết ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao tri thức cho chị em phụ nữ. Chúng ta không thể quên truyền thống phụ nữ Việt Nam  nhân hậu, đảm đang, yêu nước, phát triển vẫn giữ bản sắc phụ nữ Việt Nam.
 
Ông Trần Văn Bộ -Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB cho biết: Vai trò của các CCB bằng tâm huyết, từng trải phải giáo dục thế hệ trẻ, đồng hành với họ, kể chuyện truyền thống trong nhà trường, kể chuyện những tấm gương anh dũng của các thế hệ đi trước, tuyên truyền cho thanh niên nhằm thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết trong thanh niên. 
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã cảm ơn các chứng nhân lịch sử, nhờ sự hy sinh xương máu của các cô chú để thế hệ trẻ được sống trong hòa bình như hôm nay. Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh học tập 3 phong trào hành động cách mạng, tình nguyện, xung kích, tham gia xây dựng đảng, chính quyền nhằm tạo môi trường tốt đẹp cho đoàn viên thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế, khởi nghiệp… Đẩy mạnh triển khai các chuyên đề, học tập làm theo Bác, giáo dục truyền thống, nêu các gương sáng tuổi trẻ Lâm Đồng làm theo lời Bác để chuyển tải đến thế hệ trẻ. 
 
Trung úy Cao Minh Phú - Bí Thư Chi đoàn Thiết giáp Đoàn cơ sở phòng tham mưu Đoàn Thanh niên Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng bày tỏ: Dự buổi tọa đàm hôm nay thật ý nghĩa, được nghe những câu chuyện lịch sử qua những chứng nhân lịch sử, người thật việc thật, giúp chúng tôi có cái nhìn đúng đắn về lịch sử để tiếp tục phát huy truyền thống. Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ thế hệ trẻ  hôm nay là xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN, luôn phát huy truyền thống lịch sử hào hùng để lịch sử không còn là những cái đã qua, không bao giờ phai mờ, thực sự là niềm tự hào của dân tộc.
 
Nhân dịp này, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng quà và hoa tôn vinh các nhân chứng lịch sử, các chị phụ nữ tiêu biểu sinh năm 1968, các cán bộ tiểu biểu có nhiều đóng góp trong công tác Hội.  
 
Tường thuật: AN NHIÊN