Công việc của họ là giới thiệu, tuyên truyền về sách với mục tiêu cao nhất là lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng...
Công việc của họ là giới thiệu, tuyên truyền về sách với mục tiêu cao nhất là lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng...
|
Dù có nhiều năm kinh nghiệm nhưng chị Dụng vẫn luôn có cảm giác hồi hộp mỗi lần bước lên sân khấu. Ảnh: H.T |
Tất bật chuẩn bị cho ngày giới thiệu, thuyết trình về cuốn sách về Cuộc Tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) trong chuyến công tác khai mạc Hội Báo xuân ở Trại giam Đại Bình, chị Trảo Thị Lợi (sinh năm 1990) không giấu nổi sự căng thẳng, hồi hộp. Đây không phải lần đầu chị Lợi đứng trên sân khấu giới thiệu về sách nhưng là chuyến đi xa đầu tiên. Dù đã có thời gian dài tham gia công tác Đoàn nhưng khi đứng làm chủ sân khấu để giới thiệu đến hơn 100 khán giả về quyển sách, chị vẫn còn đôi chỗ ngập ngừng...
“Mình nói giọng địa phương nên dường như chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đứng giới thiệu sách trước đám đông. Mình phải mất mấy tháng để vừa đọc sách, viết bài giới thiệu và luyện giọng sao cho khán giả dễ nghe, tránh sử dụng các từ lóng. Nói chung cũng vất vả lắm mới khắc phục được giọng nói của mình sao cho truyền cảm”, chị Lợi tâm sự.
Những người làm công tác tuyên truyền, giới thiệu sách ở Thư viện tỉnh vốn làm công tác thư viện, không ai trong số họ nghĩ rằng có một ngày, mình sẽ đi khắp các nơi, từ các trường học đến các xã vùng sâu, vùng xa để thuyết trình, giới thiệu về những cuốn sách, trong đó có cả những cuốn đã “phủ bụi” nhiều năm trên kệ.
Và cũng chẳng ai trong số họ bẩm sinh đã có năng khiếu cũng như kỹ năng thuyết trình. “Tối nào về nhà mình cũng xem ti vi, nghe đài để xem MC và phát thanh viên họ nói thế nào, biểu cảm gương mặt ra sao. Không được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp nên mình chỉ còn cách tự tìm hiểu, tự học để có thể hoàn thành tốt nhất công việc. Có khi vừa đi bộ vừa nói một mình, rồi tập dượt trước với mọi người cho thật nhuần nhuyễn để có thể tự tin đứng trên sân khấu”, chị Nguyễn Thị Minh Dụng chia sẻ.
Trong các bài thuyết trình, yêu cầu đặt ra là các chị tóm lược được các chi tiết đắt giá nhất trong cuốn sách và lựa chọn ngôn ngữ, cách diễn đạt truyền cảm để khán giả có thể tập trung theo dõi. “Thông tin trên mạng cũng nhiều nhưng mình phải đọc qua cuốn sách, tự viết bài bằng cảm nhận riêng của mình để mỗi khi có người hỏi mình dễ dàng trả lời. Nếu mình hiểu cuốn sách, mình cũng tự tin hơn là chỉ “học vẹt””, chị Dụng nói thêm.
Chỉ trong 4-5 phút ngắn ngủi đó, mỗi người như một diễn viên làm chủ sân khấu của chính mình. Từ việc đi, đứng, giọng nói lên, xuống hài hòa, chỗ nào cần ngắt đoạn, chỗ nào cần kéo dài... đều do chính bản thân những người thuyết trình cảm nhận và quyết định. Khán giả trong những buổi thuyết trình, giới thiệu về sách không nhiều, chỉ hơn trăm người, có khi chỉ vài chục người. Nhưng mỗi khi nhớ lại gương mặt chăm chú lắng nghe hay niềm vui ánh lên trong mắt các em nhỏ ở vùng sâu khi nhìn thấy sách thì những người thuyết trình, giới thiệu sách lại được tiếp thêm động lực.
Chị Lê Thị Thanh Trà - Trưởng phòng Xây dựng phong trào cho biết, ngày nay khi các phương tiện truyền thông phát triển thì mỗi người có nhiều điều kiện tiếp cận với sách, đặc biệt là có thể đọc sách điện tử Ebook. Đồng thời, việc tìm mua sách cũng khó khăn bởi có thể đặt mua trực tuyến. Tuy nhiên, ở một địa phương còn nhiều vùng khó khăn như Lâm Đồng, vẫn còn nhiều người từ nhỏ không biết đến mặt sách.
“Ở nhiều xã, bà con không biết đến thư viện. Mỗi lần đưa sách về giới thiệu, rất nhiều người quan tâm hỏi mượn sách sau chương trình nhưng chúng tôi cũng không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chúng tôi chỉ mong mọi người biết đến sự tồn tại của thư viện, biết đến những quyển sách đó rồi có thể tìm mua, tìm đọc khi cần”, chị Thanh Trà cho hay.
Cũng theo chị Trà, qua 4 năm kể từ ngày Thư viện tỉnh bắt đầu thực hiện công tác tuyên truyền, giới thiệu sách xuống cơ sở thì khó khăn lớn nhất là sự phối hợp từ phía địa phương. Tự Thư viện tỉnh rất khó để xây dựng riêng một chương trình giới thiệu sách mà chỉ có thể lồng ghép trong những buổi sinh hoạt chủ đề trong trường học, ra mắt thư viện cấp xã…
Dù là người đã có nhiều năm kinh nghiệm thuyết trình về sách hay người mới ngày đầu “vào nghề” như chị Lợi, mỗi khi chuẩn bị bước lên sân khấu đều không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp và lo lắng. Không phải là nỗi lo quên bài hay thuyết trình kéo dài mất nhiều thời gian, điều mà họ lo lắng là làm sao có thể trong thời gian ngắn ngủi truyền được cảm hứng tới người nghe. Bởi theo những MC không chuyên ấy thì “Mỗi lần là một trải nghiệm tươi mới khi mang trong mình một trách nhiệm kết nối, gìn giữ và lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng”.
HỒNG THẮM