Ðể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh, năm 2018, ngành Y tế Lâm Ðồng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Ðể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh, năm 2018, ngành Y tế Lâm Ðồng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
|
Ngành Y tế chú trọng nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Ảnh: D.H |
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm
Với phương châm hàng đầu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, toàn thể cán bộ công chức, viên chức Ngành Y tế Lâm Đồng đã luôn nỗ lực cố gắng, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực giám sát chủ động dịch bệnh, tăng cường công tác truyền thông đến tận các thôn bản, tổ chức triển khai các biện pháp dự phòng chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, năm 2017 trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra; không xuất hiện trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), (H7N9), (H5N8), tiêu chảy cấp nguy hiểm, bệnh do vi rút Zika; không phát hiện ca bệnh lạ, bệnh dịch mới nổi; khống chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do các bệnh dịch lưu hành.
Các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng cũng đã được triển khai đồng bộ, hầu hết đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội về y tế - dân số và các mục tiêu Thiên niên kỷ: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 11,5‰ (Nghị quyết HĐND tỉnh giao 11,8‰); tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi là 9,4‰ (toàn quốc: 14,35‰), tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi bằng 17,1‰ (toàn quốc: 21,55‰); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi 12,8% (kế hoạch giao 13%); số mắc sốt rét/1.000 dân bằng 0,13% (kế hoạch giao 0,3%); số mắc sốt xuất huyết giảm 342% so với cùng kỳ 2016. Tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 98,1% và không có tai biến sau tiêm chủng; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đạt 99,8%; tỷ lệ bà mẹ được khám thai ≥ 3 lần trong thai kỳ đạt 95,6%. Duy trì thường xuyên các hoạt động giám sát phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh xã hội như lao, phong, tâm thần, động kinh; khống chế sự gia tăng HIV/AIDS với tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng là 0,10%. Giám sát an toàn thực phẩm phục vụ tốt các dịp lễ, tết và các sự kiện chính trị - xã hội tổ chức tại địa phương.
Công tác khám chữa bệnh có nhiều chuyển biến tích cực với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”. Thông qua việc triển khai thực hiện quy định về Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân đạt 87,8%, chưa hài lòng là 12,2%... Chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí từng bước được cải thiện. Toàn ngành đã khám và điều trị cho 2.496.327 lượt bệnh nhân (đạt 104,9% kế hoạch năm); công suất sử dụng giường bệnh đạt 108,6%; đã hỗ trợ kinh phí hơn 7,2 tỷ đồng cho 1.980 lượt bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; có hơn 5.000 người dân vùng khó khăn được khám chữa bệnh miễn phí.
Thực hiện Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên có thời hạn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển viện, toàn ngành đã triển khai 56 kỹ thuật mới như: kỹ thuật chụp và can thiệp mạch máu thần kinh, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm; phẫu thuật chèn ép tủy, phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối và khớp vai...
Trên lĩnh vực dược, tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất trên địa bàn tỉnh; cơ bản đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất thiết yếu. Thường xuyên kiểm nghiệm chất lượng thuốc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn trong sử dụng thuốc.
Hoạt động tuyến y tế cơ sở xã, phường, thị trấn từng bước được nâng cao, toàn tỉnh đã có 136/147 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (đạt 92,5%) góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ chức thí điểm khám, quản lý sức khỏe cho người dân tại 3 xã: Đạ Sar (Lạc Dương), Thị trấn Dran (Đơn Dương) và xã Triệu Hải (Đạ Tẻh), đây là tiền đề để tiến đến việc khám, quản lý sức khỏe cho toàn dân và triển khai mô hình quản lý sức khỏe theo hộ gia đình.
Năm 2017, toàn ngành đã đào tạo 155 cán bộ y tế (sau đại học 95 người; lý luận chính trị 31 người; quản lý nhà nước 50 người). Từ các chương trình đào tạo bác sĩ, ngành đã phân công công tác cho 27 bác sĩ, dược sĩ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiệm thu 5 đề tài khoa học cấp ngành đạt loại khá và đã được ứng dụng trong thực tế phòng và chữa bệnh tại địa phương.
Công tác xã hội hóa y tế tiếp tục được triển khai thực hiện. Áp dụng biểu giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và biểu giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đã được triển khai thực hiện nhằm tạo sự bình đẳng về giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa người bệnh có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT.
7 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, ngành Y tế Lâm Đồng vẫn còn những khó khăn, thách thức, cụ thể như: thiếu nhân lực bác sĩ, thiếu các chuyên gia đầu ngành, trình độ cán bộ chưa đồng đều; còn có sự cố y khoa, có sai sót chuyên môn trên lĩnh vực sản khoa, vẫn còn 12,2% người dân chưa hài lòng, bạo hành thầy thuốc và nhân viên y tế đã xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế Đạ Tẻh. Đồng thời, công tác dự trù thuốc các đơn vị chưa sát; xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc; sốt rét vẫn còn biến động và không ổn định tại một số vùng; mức giảm sinh còn cao; tỉ lệ bác sĩ/vạn dân và dược sĩ đại học/vạn dân tăng nhưng còn thấp hơn nhiều so với toàn quốc; lương cán bộ y tế còn thấp, nhà nước chưa có chính sách thu hút cán bộ về các tỉnh Tây nguyên, miền núi...
Năm 2018, ngành Y tế Lâm Đồng thực hiện quan điểm tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.
Một số nhiệm vụ trọng tâm: Kiện toàn Trung tâm y tế, Trung tâm dân số huyện; hợp nhất 5 đơn vị thuộc hệ dự phòng tuyến tỉnh thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC). Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và phát triển theo Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW/2017 và số 21-NQ/TW/2017. Chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.
Tiếp tục nâng cao y đức, giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng người bệnh; nâng cao chất lượng bệnh viện; đưa Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng II đi vào hoạt động tại cơ sở mới. Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động y tế; quan tâm tới các đối tượng chính sách, người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở; triển khai Đề án xã điểm theo mô hình mới của Bộ Y tế tại 3 xã: Thạnh Mỹ, Quảng Lập, Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương; thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về Y tế - Dân số; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Đảm bảo kiểm nghiệm chất lượng thuốc, tăng cường quản lý thuốc; đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, vật tư, hóa chất (kể cả trong các tình huống thiên tai, bão lũ).
TS-BS PHẠM THỊ BẠCH YẾN
TUV, Giám đốc Sở Y tế Lâm Ðồng