Thứ 6, 18/04/2025, 18:55

Những trái tim Trường Sa (bài 2)

08:02, 09/02/2018

Chúng tôi đến thăm trạm Hải đăng ở đảo Ðá Tây B khi một bên tấm bảng tên của trạm bị rơi vỡ do cơn bão số 16 vẫn chưa kịp được dựng lại. Nhưng sau câu chuyện với trạm trưởng Trịnh Văn Nguyên - người đã đi qua tới 6 ngọn trong tổng số 9 ngọn Hải đăng...

Giữ Hải đăng không tắt giữa biển khơi
 
[links(right)] Chúng tôi đến thăm trạm Hải đăng ở đảo Ðá Tây B khi một bên tấm bảng tên của trạm bị rơi vỡ do cơn bão số 16 vẫn chưa kịp được dựng lại. Nhưng sau câu chuyện với trạm trưởng Trịnh Văn Nguyên - người đã đi qua tới 6 ngọn trong tổng số 9 ngọn Hải đăng của Quần đảo Trường Sa, chúng tôi tin rằng, dù có bao nhiêu bão giông đi nữa thì những con người ở đây sẽ vẫn luôn kiên cường và mạnh mẽ, để giữ cho ngọn đèn biển mãi sáng giữa trùng dương.
 
Trạm Hải đăng đảo Đá Tây B sừng sững giữa biển khơi. Ảnh: V.Q
Trạm Hải đăng đảo Đá Tây B sừng sững giữa biển khơi. Ảnh: V.Q

Xem trạm là nhà...
 
Anh Trịnh Văn Nguyên năm nay 48 tuổi, quê ở Hải Phòng. Anh đã có hơn 16 năm công tác ngoài đảo và 8 năm liền đón năm mới ở nơi đây. “Khó có thể kể hết những gian lao mà anh em canh gác Hải đăng ở Trường Sa phải đối mặt. Nhưng đã xác định thực hiện nhiệm vụ ở đây, chúng tôi luôn cố gắng để khắc phục và vượt qua những khó khăn đó” - anh Nguyên mở đầu câu chuyện như vậy - một cách chắc chắn và kiên định - như hình ảnh anh nổi bật giữa những người lính hải quân trên đảo với bộ đồ dân sự màu ghi sáng, nước da ngăm đen, vầng trán cao, gương mặt cương nghị và đôi mắt sáng, cũng như cái cách anh luôn nở nụ cười rạng rỡ ngay cả khi được yêu cầu kể về những khó khăn.
 
Với những người thực hiện nhiệm vụ tại các trạm Hải đăng trên Quần đảo Trường Sa, các anh tự nhận mình chỉ là những người công nhân, nhưng tất cả mọi người đều gọi các anh là những người lính: Lính nhà đèn - ngày đêm túc trực, luôn bảo đảm ngọn Hải đăng sáng đèn.
 
Trong cái nắng chói chang của buổi chiều trên đảo Đá Tây B và xung quanh là nước biển xanh ngắt, anh Trịnh Văn Nguyên hào hứng kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình. Là trạm trưởng trạm Hải đăng đảo Đá Tây B, nhưng trước đó, anh Nguyên đã từng gắn bó với 5 ngọn Hải đăng khác trên khu vực Quần đảo Trường Sa (gồm Đá Lát, Trường Sa, An Bang, Tiên Nữ và Song Tử Tây). Anh bảo rằng, mỗi nơi đi qua đều là nhà, các anh em ở mỗi trạm đều như người thân trong gia đình. Nên không lạ gì khi bao mùa đi qua, anh vẫn có thể kể chi tiết về đặc điểm của từng trạm Hải đăng trên các đảo.
 
Anh cho biết, trạm Hải đăng Đá Tây B được xây dựng từ năm 1994, cao 26 m, có ánh sáng trắng với chu kỳ chớp trắng 10 giây/lần. Hải đăng có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào tránh trú và cũng là tín hiệu để ngư dân tin tưởng khi đánh bắt trên biển. Tín hiệu từ ngọn hải đăng đã giúp nhiều tàu thuyền định hướng di chuyển an toàn. Chính vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì anh em ở trạm vẫn phải giữ cho ánh sáng trên đèn không được bao giờ tắt, ngày cũng như đêm. Trạm có 6 người luân phiên ca trực để đảm bảo trực liên tục 24/24h, mỗi ca kéo dài 4 tiếng.
 
Tuy nhiên, với đặc thù của Trường Sa có khí hậu khắc nghiệt, nhiều mưa bão và nắng hạn, lại nằm trên đảo chìm Đá Tây nên Hải đăng ở đây cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những khi gió bão. Anh Nguyên chia sẻ: Trạm đã được xây dựng nhiều năm, nên việc xuống cấp là không thể tránh khỏi. Chuyện dột ướt những lúc mưa nhiều hay thiếu nước uống những ngày khô hạn không còn là điều xa lạ với những người lính nhà đèn nơi đây. Thế nhưng, trên tất cả, anh em vẫn động viên nhau vượt qua những gian nan đó để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. 
 
Và những cái tết xa nhà nhưng không thiếu tình thân
 
Những ngày tết cận kề, anh Nguyên lại nhớ đến cái tết mà anh bảo là đáng nhớ nhất cuộc đời của mình: “Đó là đợt giáp tết năm 2010, khi ấy gió to, sóng lớn, tàu không thể đưa lương thực, thực phẩm tết ra tiếp tế cho Hải đăng được. Toàn bộ lương thực trên trạm đều đã cạn kiệt, gạo, mắm muối cũng không còn. Anh em trên trạm động viên nhau gắng trải qua cái tết thiếu thốn. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sỹ ở đảo Đá Tây đã đồng lòng san sẻ, tiếp tế cho trạm Hải đăng. Người thì cho hai con gà, người thì cho bánh chưng, gạo nếp, nước mắm...; nhờ đó anh em trên trạm Hải đăng Đá Tây B đã có cái Tết Nguyên đán đầm ấm và khá tươm tất. Có khi, đó là cái tết lớn nhất cho đến bây giờ của trạm”.
 
Anh Trịnh Văn Nguyên chia sẻ câu chuyện của mình với đoàn công tác. Ảnh: V.Q
Anh Trịnh Văn Nguyên chia sẻ câu chuyện của mình với đoàn công tác. Ảnh: V.Q

Không khí mùa xuân đang ùa về khắp các đảo chìm, đảo nổi thuộc Quần đảo Trường Sa. Cũng nâng niu từng cành quất, cũng hào hứng trang trí hội trường, anh Nguyên kể rằng đây đã là cái tết thứ 8 anh ăn tết xa nhà. “Tâm lý ai cũng muốn đón tết với gia đình, vợ con trong đất liền, nhưng đã công tác ở đây thì anh em động viên nhau đón năm mới vui vẻ. Chính vì thế mà trên đảo luôn có không khí của một gia đình” - anh chia sẻ. Cũng nhớ nhà, nhớ người thân, nhưng để ngọn Hải đăng không bao giờ tắt, anh và các thành viên canh gác Hải đăng phải túc trực bất kể ngày đêm, mưa bão, kể cả những ngày lễ, tết. 
 
16 năm gắn bó với Trường Sa, có lẽ kỷ niệm không bao giờ quên đối với anh Trịnh Văn Nguyên đó là những lần cứu giúp được ngư dân gặp nạn, đặc biệt là dịp giáp tết năm 1999. Anh kể rằng, trong một lần biển động, gió to, một chiếc thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế bị gặp nạn đã nhiều ngày. Chiếc thuyền cùng 15 thuyền viên trên tàu lênh đênh trên biển phát tín hiệu kêu cứu. Sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu, anh Nguyên cùng các chiến sĩ trong đảo đã vượt giông bão mang theo gạo và nước ngọt lên xuồng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn.
 
“Sau khi được kéo đến đảo Song Tử Tây an toàn, tôi nghe rõ thuyền trưởng đã bật khóc và gọi điện về cho con trai ở nhà, nói rằng: “Con ơi! Bố sống rồi”. Xúc động và tự hào, đó là cảm giác lớn nhất của tôi lúc đó” - bởi vì rằng, anh cũng có một cậu con trai duy nhất. Và anh bảo rằng, trong những cuộc điện thoại hay những lần thăm nhà ngắn ngủi, anh đều tự hào kể với con về tất cả công việc của mình, tự hào bảo rằng: “Bố là lính nhà đèn”.
 
VIỆT QUỲNH