CN, 13/04/2025, 05:3

Những trái tim Trường Sa (bài 1)

08:02, 07/02/2018

Giữa sóng gió Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi con người sinh sống, làm nhiệm vụ ở đây dường như đều mang một câu chuyện riêng thật đặc biệt, thật ý nghĩa...

[links(right)] Giữa sóng gió Trường Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi con người sinh sống, làm nhiệm vụ ở đây dường như đều mang một câu chuyện riêng thật đặc biệt, thật ý nghĩa. Nhưng ở họ có chung một điểm, là đều mang trái tim chứa những nhịp đập đầy kiêu hãnh, hy sinh, tự hào, và dòng máu luôn ấm nóng tình yêu Tổ quốc.
 
Những ngày sau bão
 
Chúng tôi đến thăm Trường Sa vào những ngày khi cơn bão số 16 mang tên Tembin vừa tràn qua cách đó không lâu. Công tác khắc phục bão vẫn đang diễn ra khẩn trương để hoàn thành trước Xuân Mậu Tuất 2018. Bộn bề, nhọc nhằn vẫn còn đó, nhưng những nụ cười vẫn cứ rạng ngời trên gương mặt các chiến sĩ nơi đây. Có lẽ, càng được rèn giũa trong khắc nghiệt của sóng gió giữa trùng khơi, ý chí và lòng quyết tâm của con người càng trở nên to lớn.
 
Các công trình phát điện đang được khẩn trương khắc phục, sửa chữa. Ảnh: V.Q
Các công trình phát điện đang được khẩn trương khắc phục, sửa chữa. Ảnh: V.Q

Quyết tâm mang điện về trước tết
 
Những ngày cuối năm, nguồn điện dùng cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo trên Quần đảo Trường Sa gặp nhiều khó khăn, bởi cơn bão số 16 đã khiến rất nhiều quạt gió, pin năng lượng mặt trời bị hư hỏng. Các cán bộ, chiến sĩ trên nhiều điểm đảo phải chạy máy nổ mới có điện dùng. Tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí sẵn sàng ăn tết ngoài hải đảo - lực lượng những người tham gia khắc phục sự cố của cơn bão đang ngày đêm ra sức thực hiện quyết tâm của Bộ Tư lệnh Vùng 4: Đảm bảo nguồn điện cho tất cả cán bộ, chiến sĩ ở các điểm đảo đón Xuân Mậu Tuất 2018.
 
Vừa trèo xuống khỏi tháp gió cao chót vót, anh Nguyễn Thành Lợi - Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (TP Hồ Chí Minh) đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang chảy nhễ nhại trên mặt. Anh Lợi cho biết, tàu rời cảng từ ngày 14/1, 2 ngày sau thì đến đảo Đá Lát, nhưng do biển động nên đến chiều 18/1 các anh mới vào được. Vừa đặt chân xuống đảo là các anh đã bắt tay vào làm việc ngay đến tận khuya mới nghỉ và bắt đầu công việc của ngày mới từ 5h sáng hôm sau. 
 
“Dự kiến khoảng 3 đến 4 ngày, chúng tôi sẽ thi công xong ở điểm đảo này, kể cả khi thời tiết không thuận lợi, chúng tôi cũng phải có giải pháp khắc phục như tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo mục tiêu là cung cấp điện cho tất cả các điểm đảo trước tết. Bộ phận chúng tôi được giao phụ trách 11 điểm đảo, anh em xác định sẵn sàng ăn tết ở đảo nếu công việc chưa hoàn thành” - anh Lợi khẳng định. 
 
Anh Nguyễn Văn Long - Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Tư vấn và xây lắp Hà Nội cho biết, đơn vị đang phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam gấp rút thi công dự án khắc phục hệ thống năng lượng sạch và điện chiếu sáng tại 24 điểm đảo và 2 nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. “Lần đầu tiên ra đảo làm nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khó khăn nhưng bù lại được cán bộ, chiến sĩ ở đảo hỗ trợ rất nhiệt tình. Với tinh thần cả nước vì biển đảo nên ai cũng nỗ lực phấn đấu hết sức, trời mưa cũng mặc áo mưa vào làm việc” - anh Long cho biết. 
 
Theo ông Đoàn Ngọc Lợi - Công ty Điện lực Ninh Thuận, không như ở đất liền, trên các điểm đảo chỉ có duy nhất nguồn điện năng lượng sạch. Tuy nhiên, môi trường khắc nghiệt nơi biển đảo, độ ẩm, mặn và thời tiết nhiều mưa bão, sóng gió nên các trang thiết bị phục vụ cho việc phát điện thường xuyên bị hư hỏng. “Để bảo đảm điện cung cấp được liên tục, ổn định, chúng tôi đã có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm khôi phục lại hệ thống điện trước Tết Nguyên đán 2018 nhằm phục vụ đời sống của quân và dân trên đảo để các chiến sĩ hải đảo vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Lợi khẳng định. 
 
Trong khi đó, Đại tá Trần Minh Thuần - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác cho biết: Đoàn công tác khắc phục bão số 16 trên tàu Trường Sa 12 đã vận chuyển một số vật chất, thiết bị và con người lên các đảo chìm để khắc phục hậu quả của cơn bão để lại. Các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai thực hiện hướng tới đảm bảo điện phải sáng trước tết.
 
Giữ màu xanh giữa sóng gió trùng khơi
 
Đến với đảo Trường Sa Đông và đảo Trường Sa, có tận mắt thấy những ngọn cây bàng, cây tra trụi lá, mới hiểu hết những xót xa của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Bão tràn qua, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng cây cối đổ gãy, hệ thống vườn, chuồng trại tăng gia hư hỏng cả. Tại các đảo, cán bộ, chiến sĩ hải quân vẫn đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão, trồng lại cây bằng việc rửa mặn, phơi đất, chăm sóc cây lâu năm.
 
Màu xanh đã trở lại trong những vườn rau trên đảo. Ảnh: V.Q
Màu xanh đã trở lại trong những vườn rau trên đảo. Ảnh: V.Q

Dẫn chúng tôi dạo quanh đảo, Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho hay: “Đảo Trường Sa nằm ngay nơi tâm bão số 16 đi qua, có sức gió giật cấp 14 - 15, sóng biển cao đến 10 m đã khiến 90% cây xanh bị thiệt hại. Sóng to làm ngập, nhiễm mặn toàn bộ vườn rau xanh, hư hỏng 3 nhà kính trồng rau rộng 550 m 2, cuốn trôi 100 m 3 đất, hư hỏng 46 cột đèn năng lượng sạch và đổ 1 tháp gió.”
 
Hiện tại, màu xanh mát trải dài trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trước đây tuy không còn nữa, nhưng những gốc tra cụt ngọn đã vừa được dựng lại. Các vườn rau đang được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khẩn trương khôi phục. Sau hơn một tháng, toàn bộ hệ thống cây xanh trên đảo Trường Sa bị bão làm đổ đã được trồng lại, khu nhà kính trồng rau được sửa chữa và gieo trồng rau mới cho kịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. 
 
Trung tá Đỗ Xuân Chung, Chính trị viên phó đảo Trường Sa chia sẻ: “Chúng tôi xác định, với thiệt hại lớn như vậy, không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Trước mắt là chặt tỉa ngắn cành cây, sau đó dựng lại, đợi đến mùa xuân, cây sẽ nảy chồi, đơm lộc. Đối với vườn rau bị nhiễm mặn, chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp như dùng đất màu, xơ dừa để cải tạo. Để bảo đảm điều kiện cho quân, dân đón tết đầy đủ, đơn vị trồng một số loại rau ngắn ngày như rau mầm, ủ giá đỗ...”. 
 
Đoàn công tác chúng tôi đã được ăn những bữa ăn ở Trường Sa dùng lá tra non cuốn thịt - thay cho rau xanh ở đất liền trong những ngày rau hiếm hoi sau bão. Chát, và đắng, khiến chúng tôi thêm thương những bữa cơm thiếu rau của lính đảo. Nhưng đó cũng là cách con người ở đây linh hoạt để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống. Những mầm xanh đang vững vàng vươn lên giữa bao la trời biển chính là ý chí của những người lính hải quân quyết vượt khó khăn, thử thách để giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương...
 
VIỆT QUỲNH