Trường TH-THCS Ðưng K'Nớ thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Dương, với đặc thù gần 100% học sinh đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Do vậy, việc vận động học sinh đến trường là một việc khó, công tác duy trì sĩ số học sinh lại càng khó khăn hơn.
Trường TH-THCS Ðưng K’Nớ thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Dương, với đặc thù gần 100% học sinh đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Do vậy, việc vận động học sinh đến trường là một việc khó, công tác duy trì sĩ số học sinh lại càng khó khăn hơn. Do vậy, phải có cách làm năng động, sáng tạo và quyết tâm cao để giải quyết hai vấn đề này. Ðiều đáng mừng là từ năm học 2015 - 2016 đến nay, Trường TH-THCS Ðưng K’Nớ đã làm được điều đó.
|
Chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh nội trú tại Trường TH-THCS Đưng K’Nớ. Ảnh: H.V.M |
Thầy giáo Nguyễn Đặng Nho - Hiệu trưởng Trường TH-THCS Đưng K’Nớ cho biết, trong tổng số 193 học sinh của trường, có nhiều học sinh thuộc các thôn, buôn nằm cách xa trường, trong đó có 27 học sinh thuộc thôn Đưng Trang, cách nhà trường trên 8 km. Không chỉ điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, mà quãng đường xa với nhiều đèo dốc, lầy lội, trơn trượt về mùa mưa đã trở thành lực cản lớn đối với học sinh đến lớp. Vì vậy, những năm học trước, việc vận động học sinh đến trường và duy trì sĩ số học sinh là một việc làm vô cùng khó khăn.
Trước thực tế đó, năm học 2015-2016, Ban giám hiệu (BGH) Trường TH-THCS Đưng K’Nớ đã mạnh dạn đề nghị và được Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lạc Dương chấp thuận tổ chức bán trú cho 27 học sinh đồng bào DTTS của thôn Đưng Trang.
Triển khai thực hiện mô hình bán trú, BGH nhà trường giao Chi đoàn tổ chức quản lý, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, phụ đạo kiến thức cho các học sinh bán trú. Nhận nhiệm vụ được giao, Chi đoàn đã động viên các đoàn viên, thanh niên phát huy tinh thần “tuổi trẻ xung kích”, ngoài giờ lên lớp lại đến phòng bán trú phụ giúp chị nuôi nấu nướng, tổ chức bữa ăn, hướng dẫn học sinh ôn tập bài học, xây dựng thời gian biểu học tập, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, lao động ngoài trời... cho học sinh một cách hợp lý, khoa học.
Bước đầu mô hình bán trú cũng mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, vào mùa mưa, sau bán trú bữa trưa, chiều lại về nhà, sáng mai đến trường trong cảnh mưa gió kéo dài, với quãng đường xa, lầy lội, trơn trượt vẫn là sức nặng níu chân học sinh ở nhà. Trước thực tế đó, BGH Trường TH-THCS Đưng K’Nớ quyết định chuyển lớp học bán trú thành nội trú trên cơ sở sự tình nguyện đóng góp kinh phí của cán bộ, giáo viên, viên chức nhà trường và sự vận động các nhà hảo tâm bên ngoài xã hội.
Tuy điều kiện công tác ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trước quyết tâm của BGH và tình yêu nghề nghiệp, yêu học sinh; các cán bộ, giáo viên, viên chức của nhà trường vẫn rất nhiệt tình đóng góp ngày lương để hợp đồng một tạp vụ, kiêm nấu ăn nội trú và có kinh phí đầu tư bữa ăn tối, bữa ăn sáng cho 27 học sinh nội trú, ngoài định mức kinh phí nhà nước cấp 19.000 đồng/bữa ăn trưa/học sinh.
Ngoài ra, qua công tác vận động của nhà trường, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài huyện đã hỗ trợ cho lớp nội trú về cơ sở vật chất như: Giường ngủ, dụng cụ nấu ăn, bình nước nóng, máy giặt, máy hấp cơm, dụng cụ thể thao, vui chơi giải trí, đặc biệt là kinh phí để đầu tư cho các bữa ăn trong ngày. Kết quả, Trường TH-THCS Đưng K’Nớ đã tổ chức thành công mô hình nội trú trong năm học đầu tiên và từ năm học 2016-2017 đến nay, mô hình nội trú tại trường được mở rộng quy mô với 38 học sinh, trong đó có 11 học sinh gần trường được phụ huynh tin tưởng tự đóng góp kinh phí để con em họ được học nội trú.
Thầy giáo Nguyễn Đặng Nho cho biết thêm: Với việc tổ chức thành công mô hình nội trú đã góp phần nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện đạo đức của nhà trường. Bởi lẽ, các học sinh nội trú ngoài việc được Đoàn trường tổ chức sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí nề nếp, còn được phụ đạo, kèm cặp các học sinh trước đó tiếp thu bài giảng chậm trở nên tiến bộ, là tấm gương và động lực cho các học sinh khác noi theo. Vì vậy, Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lạc Dương đánh giá cao mô hình nội trú của nhà trường và ngoài việc chủ động hỗ trợ, đã cùng với nhà trường vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng hỗ trợ vật chất, tinh thần để Trường TH-THCS Đưng K’Nớ duy trì, mở rộng mô hình nội trú hiện có. Điều đáng mừng nữa là, trong một dịp vào công tác tại địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 cũng đã ghi nhận và phản ánh mô hình nội trú hiệu quả của nhà trường.
HOÀNG VƯƠNG MỸ