Thứ 2, 21/04/2025, 18:37

Ðau ruột thừa - đừng chủ quan

09:03, 22/03/2018

Một đề tài nghiên cứu "Kết quả của phẫu thuật nội soi điều trị áp xe ruột thừa trong ổ bụng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt" của BSCK I Trịnh Văn Vinh và BS Phạm Thanh Tòng - BV Hoàn Mỹ Ðà Lạt không chỉ đánh giá về thành tựu đạt được của bệnh viện trong lĩnh vực này mà còn đưa ra lời khuyên bổ ích cho người bệnh: Ðau ruột thừa, đừng chủ quan mà phải nhập viện ngay.

Một đề tài nghiên cứu “Kết quả của phẫu thuật nội soi điều trị áp xe ruột thừa trong ổ bụng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Ðà Lạt” của BSCK I Trịnh Văn Vinh và BS Phạm Thanh Tòng - BV Hoàn Mỹ Ðà Lạt không chỉ đánh giá về thành tựu đạt được của bệnh viện trong lĩnh vực này mà còn đưa ra lời khuyên bổ ích cho người bệnh: Ðau ruột thừa, đừng chủ quan mà phải nhập viện ngay.
 
Nghiên cứu trên 62 bệnh nhân bị áp xe ruột thừa được phẫu thuật nội soi tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt trong 4 năm qua, kết quả ghi nhận: bệnh nhân trẻ nhất 12 tuổi và lớn nhất 75 tuổi; 37 nam và 25 nữ; 41 bệnh nhân ở Đà Lạt và 21 người ở các huyện trong tỉnh; phần lớn 61,3% bệnh nhân làm nghề lao động trí óc; tất cả vào viện với lý do đau bụng vùng hố chậu phải hay bụng phải. Thời gian từ lúc bắt đầu đau bụng đến khi nhập viện ngắn nhất là 2 ngày, dài nhất là 14 ngày. Trong số này, có 18 bệnh nhân (chiếm 29%) khi đau bụng thì dùng thuốc kháng sinh đến khi đau dữ dội thì mới nhập viện.
 
Viêm ruột thừa cấp là một cấp cứu ngoại khoa về bụng thường gặp nhất trên thế giới. Khoảng 10% viêm ruột thừa diễn tiến đến các biến chứng như: thủng gây viêm phúc mạc, áp xe ruột thừa hay đám quánh ruột thừa. Nhiều nghiên cứu ghi nhận đám quánh và áp xe ruột thừa chiếm từ 2-7% trong số bệnh nhân nhập viện vì viêm ruột thừa cấp.
 
Các triệu chứng lâm sàng: 100% bệnh nhân đau bụng hố chậu phải hay bụng phải; 74,2% bệnh nhân bị sốt; một số trường hợp bị các rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Trong số các triệu chứng thực thể, phần lớn 67,7% có ấn đau ở bụng dưới bên phải, 50% trường hợp sờ được khối u ở bụng dưới bên phải. 
 
Khi các bác sĩ siêu âm bụng kết luận có dấu hiệu rõ của áp xe ruột thừa ở 58,1% số ca. Trong khi các ca bệnh còn lại (41,9%) dù sau này mổ thấy có tụ mủ vùng quanh ruột thừa viêm nhưng siêu âm bụng trước mổ chỉ đọc được là đám quánh ruột thừa hay viêm ruột thừa cấp. Có 28 ca chụp CT Scanner đều thấy hình ảnh ổ áp xe ruột thừa. Đo trên CT Scanner bụng, kích thước của ổ áp xe nhỏ nhất là 2 cm và lớn nhất là 6 cm. Vị trí ổ áp xe ruột thừa sau hồi tràng gặp nhiều nhất (45,2%), kế đến là áp xe ruột thừa sau manh tràng (38,7%), áp xe ruột thừa tiểu khung (12,9%), có 2 trường hợp áp xe ruột thừa dưới gan. 
 
Khi nhập viện khám thì tình trạng ruột thừa của phần lớn 62 bệnh nhân này (79%) đều đã hoại tử ở thân hay đầu; có 12 trường hợp (19,4%) ruột thừa đã hoại tử mủn nát nhưng còn tìm thấy và kiểm soát được gốc ruột thừa. Cá biệt có 1 trường hợp không còn tìm thấy ruột thừa trong ổ áp xe - đó là bệnh nhân 56 tuổi, sau 8 ngày đau bụng mới nhập viện, chụp CT Scanner ổ bụng thấy có ổ áp xe cạnh manh tràng đường kính khoảng 5 cm. Trường hợp này trong mổ bác sĩ chỉ phá được ổ áp xe và đặt dẫn lưu; bệnh nhân được theo dõi sau mổ 1 năm không ghi nhận có rò manh tràng hay viêm ruột thừa tái phát. 
 
Thời gian một ca mổ nội soi áp xe ruột thừa tại BV Hoàn Mỹ Đà Lạt nhanh nhất là 45 phút và lâu nhất là 160 phút. Có 51 trường hợp gốc ruột thừa không bị hoại tử đã được bác sĩ xử trí bằng cách cột nơ Roeder, 10 ca ruột thừa bị hoại tử ngay gốc đã được bác sĩ khâu lại gốc ruột thừa, 1 trường hợp không thể tìm thấy để kiểm soát gốc ruột thừa nên bác sĩ chỉ dẫn lưu tại chỗ. Qua 62 ca áp xe ruột thừa được phẫu thuật nội soi, bác sĩ ghi nhận có 2 trường hợp bị trầy xước nhiều ở thanh mạc hồi tràng nhưng không có trường hợp nào bị thủng ruột trong mổ, không có trường hợp nào phải chuyển sang mổ mở. Thời gian lưu ống dẫn lưu ngắn nhất là 3 ngày và dài nhất là 8 ngày. Theo dõi biến chứng sau mổ có 6 ca bị nhiễm trùng vết đặt trocar được xử trí bằng kháng sinh kết hợp cắt chỉ khâu da và chăm sóc tại chỗ có diễn tiến tốt, 2 trường hợp có dấu hiệu bán tắc ruột sớm sau mổ và 3 trường hợp bị tụ dịch ổ bụng được phát hiện bằng siêu âm bụng kiểm tra điều trị nội ổn định; không có trường hợp nào phải mổ lại và không có ca tử vong. 
 
Kết quả giải phẫu bệnh ở 62 ca áp xe ruột thừa, trừ 1 trường hợp không tìm thấy ruột thừa trong lúc mổ, còn lại 61 ca có tình trạng ruột thừa đã viêm hoại tử chiếm 98,3%. Thời gian phục hồi của bệnh nhân sau khi phẫu thuật nội soi áp xe ruột thừa có 30 trường hợp ăn uống trở lại trong ngày thứ nhất, 30 trường hợp ăn lỏng lại sau ngày thứ 2 và 2 ca ăn trở lại vào ngày thứ 3. Thời gian nằm viện từ 3 - 8 ngày. 
 
BSCK I Trịnh Văn Vinh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt cho biết: Hiện nay trong nước có nhiều bệnh viện thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa ngay trong điều trị áp xe ruột thừa như: BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP HCM, BV Bình Dân, BV Thống Nhất, BV Nhân Dân Gia Định... nhưng báo cáo đề tài chính thức chưa nhiều. Đối với những ca áp xe ruột thừa đã được thành hóa, tức là dính áp vào thành bụng trước ở hố chậu bên phải, cách điều trị kinh điển là rạch tháo mủ tại chỗ hay gần đây là chọc hút kết hợp với kháng sinh đã được áp dụng rộng rãi. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này để xác định phẫu thuật nội soi trong điều trị áp xe ruột thừa là khả thi, an toàn, hiệu quả. Qua 62 trường hợp áp xe ruột thừa được điều trị bằng phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt trong 4 năm qua, chúng tôi đã đưa ra kết luận: Can thiệp bằng phẫu thuật nội soi trong áp xe ruột thừa có tỉ lệ thành công cao, hầu hết trường hợp giải quyết được ổ mủ và cắt được ruột thừa. Tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ thấp. Thời gian mổ trung bình 90 phút và hồi phục sau mổ có nhiều thuận lợi.
 
AN NHIÊN